Mùa ĐHCĐ ngân hàng 2016 sẽ đến sớm và “nóng”
Thành viên HĐQT một ngân hàng TMCP cho biết, so với nhiều nhà băng bạn, ngân hàng ông sẽ tổ chức ĐHCĐ thường niên 2016 sớm hơn, trong tháng 3, chậm nhất là 2 tuần đầu của tháng 4. Kết quả kinh doanh năm 2015 của ngân hàng về cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đưa ra, trong đó lợi nhuận đạt hơn 150 tỷ đồng.
Do ngân hàng đang ở giai đoạn cuối của quá trình tái cấu trúc nên chủ trương của HĐQT là chưa tính đến việc chia cổ tức cho cổ đông, mà tập trung mọi nguồn lực cho việc trích lập dự phòng, xử lý nợ xấu, đẩy mạnh tái cơ cấu.
Tại ĐHCĐ 2016, HĐQT sẽ trình cổ đông thông qua việc chọn đối tác nước ngoài để bán trên 50% cổ phần. Hiện kế hoạch này đã được sự chấp thuận về mặt chủ trương và nhiều khả năng ngân hàng sẽ sớm hoàn tất việc tìm kiếm đối tác ngoại.
“Bán cổ phần cho đối tác ngoại, ngân hàng chúng tôi sẽ nâng cao được năng lực tài chính so với mức vốn 14.000 tỷ đồng hiện nay. Đồng thời, sự kết hợp cùng đối tác ngoại sẽ là lợi thế cho ngân hàng trong việc đẩy mạnh chiến lược bán lẻ thời gian tới”, vị thành viên HĐQT nêu trên nói và chia sẻ, trong giai đoạn khó khăn vừa qua, các cổ đông luôn đồng lòng cùng ban lãnh đạo ngân hàng và kỳ vọng vào sự tăng trưởng.
Trong khi đó, một lãnh đạo cấp cao của Nam A Bank cho hay, các năm trước, Ngân hàng luôn tiến hành họp ĐHCĐ vào cuối tháng 3. Năm nay, dự kiến thời gian tổ chức ĐHCĐ của Nam A Bank cũng trong tháng 3. Năm 2015, Ngân hàng hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức 360 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Nam A Bank, nguồn thu đóng góp vào lợi nhuận phần lớn của các ngân hàng hiện nay đều đến từ tín dụng và ở Nam A Bank cũng vậy. Trong năm qua, nếu Ngân hàng được mở “room” tăng trưởng tín dụng, thì khả năng tăng trưởng dư nợ còn cao hơn, song mục tiêu của Nam A Bank là kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp và đẩy mạnh cho vay nhỏ lẻ.
Được biết, tại ĐHCĐ thường niên đầu năm 2015 và ĐHCĐ bất thường trong tháng 7/2015 nhân sự cấp cao của Nam A Bank có sự biến động khi ông Nguyễn Quốc Toàn thôi nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT, người mới lên thay là ông Phan Đình Tân. Thực tế, nhân sự luôn là điểm “nóng” trong các kỳ ĐHCĐ ngành ngân hàng, bên cạnh vấn đề nợ xấu, dự phòng, lợi nhuận, cổ tức…
Tại ĐHCĐ bất thường của Eximbank cuối năm 2015, vấn đề nhân sự đã “đốt nóng” không khí đại hội khi thay cả Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc, cùng với đó là các thành viên HĐQT và Ban kiểm soát mới. Hiện tại, ông Lê Minh Quốc giữ ghế “nóng” Chủ tịch Eximbank, ông Trần Tấn Lộc giữ vị trí quyền Tổng giám đốc.
Theo một nguồn tin đáng tin cậy, trong cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2016 sắp tới, nhân sự cấp cao của Eximbank có thể tiếp tục biến động. Đây là ngân hàng có biến động về nhân sự nhiều nhất ở các vị trí chủ chốt trong hơn 2 năm qua khi thị trường khó khăn.
Hiện Eximbank chưa công bố kết quả kinh doanh năm 2015, song kế hoạch lợi nhuận trước thuế ở mức 1.000 tỷ đồng nhiều khả năng không đạt được, do Ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro. Lợi nhuận đạt được dự kiến ở con số trăm tỷ đồng.
Tương tự, Sacombank cũng khó có thể hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2015 ở mức trên 3.000 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2015, nhà băng này công bố đạt được 2.140 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Trong khi đó, quý IV/2015, Sacombank hoàn tất việc sáp nhập SouthernBank, gánh thêm khoản nợ xấu trên 4.000 tỷ đồng nên phải dành nguồn lực lớn để trích lập dự phòng rủi ro.
Sau khi hoàn tất việc sáp nhập SouthernBank, thị trường dự đoán Sacombank sẽ sớm tiến hành ĐHCĐ bất thường, song đến thời điểm này vẫn chưa tổ chức, dù ĐHCĐ thường niên của Sacombank thường diễn ra khá sớm, cuối quý I hoặc đầu quý II. Điểm nóng trong ĐHCĐ năm nay của Sacombank được dự báo là nhân sự và xử lý nợ xấu SouthernBank để lại. Hiện ông Trầm Bê đã rời vị trí Phó chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank, nhưng thị trường nhận định, các vị trí nhân sự chủ chốt của ngân hàng này nhiều khả năng tiếp tục có sự biến động sau kỳ ĐHCĐ sắp tới.
Tại một số ngân hàng khác như: VietA Bank, NCB, Kienlongbank, Saigonbank…, vấn đề tăng vốn điều lệ để nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm tránh sáp nhập đang được các cổ đông quan tâm. Thực tế, trong năm qua, các nhà băng có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng thất bại với kế hoạch tăng vốn lên 3.500 - 4.000 tỷ đồng do cổ đông không mặn mà với việc rót thêm tiền mua cổ phiếu. Vì vậy, khả năng sáp nhập, bán lại tiếp tục là vấn đề mà các ngân hàng nhỏ, yếu kém phải đối mặt.
Thậm chí, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Phước Thanh cho biết, chủ trương của NHNN là đẩy mạnh tái cơ cấu, lành mạnh hệ thống ngân hàng nên sắp tới sẽ hướng đến việc cho phá sản, từ quỹ tín dụng đến ngân hàng nhỏ yếu kém. Trong ĐHCĐ năm nay, một số thương vụ M&A giữa ngân hàng nhỏ sáp nhập vào nhà băng lớn dự kiến được thông qua như PGBank sáp nhập vào Vietinbank, kế hoạch này đã được trình ĐHCĐ của hai ngân hàng trong năm ngoái.
Với thương vụ M&A mà thị trường dự báo từ năm ngoái giữa Saigonbank và Vietcombank, hiện vẫn chưa có thông tin từ ban lãnh đạo hai ngân hàng. Tại ĐHCĐ năm 2015, HĐQT Saigonbank không đưa ra thông tin về việc sẽ sáp nhập, mà tập trung nguồn lực để tái cấu trúc, nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh. Tuy nhiên, kế hoạch tăng vốn từ hơn 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng của Saigonbank thất bại khi kết thúc năm 2015, nhà băng này vẫn chưa thể phát hành cổ phiếu tăng vốn.
Nguồn Đầu tư chứng khoán