Mua bán vàng miếng trên thị trường không nhất thiết phải vàng 1 lượng
Đặt cọc: Biện pháp ngừa rủi ro
Dù Thông tư hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của Ngân hàng Nhà nước đang nhận được sự quan tâm của dư luận.đang còn ở Dự thảo song đã nhận được nhiều sự quan tâm từ phía dư luận. Đã có một vài ý kiến hiểu chưa đúng về quan hệ mua bán được quy định trong Dự thảo.
Lãnh đạo vụ chức năng của ngân hàng nhà nước (NHNN) cho biết, Dự thảo Thông tư này xác lập quan hệ giao dịch mua bán vàng của NHNN với tư cách ngân hàng Trung ương. Chính vì vậy, các yêu cầu, điều kiện mua, bán vàng miếng phải cao hơn nhiều so với các giao dịch bình thường trên thị trường.
Về cơ bản, Dự thảo Thông tư phù hợp với hướng dẫn giao dịch hối đoái giữa NHNN và các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định tại Thông tư 02/TT-NHNN ban hành ngày 27/2/2012. Sự khác biệt là giao dịch ngoại tệ đơn giản hơn, hơn nữa sự kết nối mạng giữa NHNN với tổ chức tín dụng rất tốt nên chỉ cần vào mạng SWIFT sẽ biết được các giao dịch này.
Còn với vàng miếng thì ngoài các tổ chức tín dụng còn có cả doanh nghiệp được cấp phép hoạt động kinh doanh vàng. “Và khi đã cấp phép cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vàng thì NHNN phải giao dịch với doanh nghiệp với tư cách người mua bán cuối cùng”, vị này khẳng định.
Điều 7, Dự thảo Thông tư quy định: NHNN mua, bán vàng miếng SJC hàm lượng 99,99% loại 1 lượng do NHNN cho phép sản xuất hoặc tổ chức sản xuất.
Đại diện Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) cho rằng, đây là sự tiêu chuẩn hóa trong việc mua, bán với NHNN để tránh việc khó khăn trong khâu kiểm định. “Tuy nhiên, đây là việc mua, bán vàng miếng của các tổ chức với NHNN chứ không phải mua bán trên thị trường. Trên thị trường Dự thảo Thông tư quy định tổ chức tín dụng, doanh nghiệp có thể mua bán tất cả các loại vàng SJC trọng lượng khác nhau”
Đối với vấn đề đặt cọc được quy định tại Điều 12 Dự thảo Thông tư thì khi đăng ký mua, bán với NHNN chính là cam kết không thể hủy bỏ của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, trừ khi NHNN có quy định khác.
Vậy nếu doanh nghiệp không thực hiện giao dịch thì mất tiền cọc. Liệu quy định như vậy có làm khó cho doanh nghiệp, tổ chức tín dụng? Đại diện NHNN cho rằng, việc này liên quan tới vấn đề phòng ngừa rủi ro.
Giả sử, NHNN đã chốt bán 1 tấn vàng thì ngay lập tức NHNN phải mua luôn trên tài khoản nước ngoài tương đương với lượng vừa bán ra. Nếu tổ chức tín dụng hay doanh nghiệp thay đổi mà chỉ mua 500 kg vàng, trong khi NHNN lại nhập về 1 tấn vàng thì ai sẽ chịu rủi ro? Ngoài ra, vấn đề này còn liên quan tới quản lý dự trữ ngoại hối của Nhà nước với các quy định ngặt nghèo nữa.
Không thu phí chuyển đổi vàng của dân
Theo một đại diện của NHNN, ngoài Quyết định về việc NHNN mua, bán vàng miếng đang chờ thẩm định của Bộ Tư pháp trước khi được Thủ tướng Chính phủ thông qua, NHNN cũng đang hoàn thiện hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến giao dịch vàng: Quyết định ban hành quy trình đấu thầu; Quy trình nghiệp vụ NHNN về giao dịch với đối tác nước ngoài; Quyết định nội bộ của NHNN về giao nhận vàng khi mua bán; quy trình về ủy thác nhập khẩu, xuất khẩu vàng miếng và vàng nguyên liệu...
Hiện một vấn đề nữa là nhiều người dân gửi vàng tại các tổ chức tín dụng, trong đó có cả vàng phi SJC, đến kỳ đáo hạn, lại muốn nhận vàng SJC nên các tổ chức tín dụng đang thực hiện chuyển đổi.
Số lượng vàng phi SJC mà các tổ chức tín dụng đề nghị được chuyển đổi khoảng 9 tấn. Để thực hiện việc chuyển đổi nhanh, NHNN đã trình Chính phủ phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện quy trình tạm xuất vàng phi SJC và tái nhập vàng nguyên liệu để dập thành vàng SJC; kèm theo các quy định về thuế, thủ tục hải quan.
“Nhưng các chi phí chuyển đổi từ vàng phi SJC sang vàng SJC do tổ chức tín dụng chịu, không được thu của người dân”, một quan chức của NHNN khẳng định.
Thông tin “đồn thổi” việc tạm xuất tái nhập vàng có thể tác động căng thẳng tới thị trường ngoại tệ là không có cơ sở, bởi về nguyên tắc, các tổ chức tín dụng đã có tài khoản ở nước ngoài. Còn nếu tổ chức tín dụng có ký quỹ đặt cọc thì cũng chỉ ở mức 15% - 20% số vàng họ tạm xuất, tái nhập thì không thể ảnh hưởng gì tới trạng thái tài khoản của tổ chức tín dụng.
Hơn nữa khi tổ chức tín dụng xuất lô vàng này xong, nhập về mới chuyển đổi tiếp lô vàng khác chứ không phải làm một lúc cả gần 9 tấn vàng nên sẽ không có tác động gì lớn tới thị trường.
“Giả sử nếu không chuyển đổi thì 9 tấn vàng này vẫn nằm trong kho của tổ chức tín dụng, trong khi tổ chức tín dụng lại phải đi mua vàng SJC trả cho khách sẽ làm tăng cầu. Do vậy sau khi chuyển đổi người dân có thể gửi lại ngân hàng hoặc bán ra thị trường thì cũng có thể tác động tới nguồn cung trên thị trường” - một chuyên gia ngân hàng bình luận.
Nguồn Thời báo ngân hàng