Thứ Sáu | 25/09/2015 09:28

Mua bán nợ xấu sẽ sôi động cuối năm?

Với mục tiêu đưa nợ xấu về dưới 3%, bằng nhiều cách khác nhau, cả hệ thống NH đang nỗ lực để xử lý rốt ráo nợ xấu.

Mua ban no xau se soi dong cuoi nam?Nợ xấu của hệ thống ngân hàng trước tái cơ cấu và hiện nay

Từ chỗ nợ xấu tuyệt đối vào tháng 9/2012 lên tới 465.000 tỷ đồng, tương đương nợ xấu toàn hệ thống chiếm tỷ lệ trên 10%, sau ba năm xử lí, nợ xấu tính đến tháng 6/2015 đã giảm về mức đáng kể chỉ còn 159.313 tỷ đồng tương đương 3,72%. Tuy nhiên, so với đích đến 3%, dù chỉ còn phải quẳng gánh nợ xấu tuyệt đối 0,72% hoặc nhỉnh hơn để đưa nợ xấu về mức an toàn, hệ thống NH vẫn đang phải phấn đấu hết tốc lực. Nhiều chính sách cũng được ban ra với những cơ chế mở rộng để nợ xấu có thể thực sự được dọn dẹp.

“Đặt lại” vai trò VAMC ?

Theo báo cáo của CTCK NH Đầu tư Phát triển (BSC), tính đến tháng 6/2015, Cty quản lý tài sản và xử lí nợ của các TCTD VAMC đã có đóng góp nhất định trong xử lí nợ xấu. Cụ thể, lũy kế từ khi thành lập đến nay, VAMC đã mua nợ xấu từ các TCTD đạt 143.800 tỷ đồng. Như vậy, trong số 465.000 tỷ đồng nợ xấu tuyệt đối, VAMC đã mua nợ, tạm thời “nhốt kho” nợ xấu được hơn 1/3. Phần xử lí lớn hơn khoảng 167.900 tỷ đồng thực hiện bởi chính các TCTD, trong quá trình họ tái cơ cấu, tự thu hồi nợ, sử dụng quỹ dự phòng rủi ro, nguồn phải thu nợ khó đòi để thanh toán, hoàn nhập quỹ dự phòng rủi ro hoặc bù đắp, làm bốc hơi các khoản nợ…

Một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng của hệ thống NH tính đến giai đoạn hiện nay rất tốt (trên 9%), nhưng lợi nhuận của các NH không tăng vọt nhiều chính một phần bởi động thái phải bù đắp phần chênh lệch này vào chi phí hoạt động trong quá trình xử lí nợ.

Theo đó, nói một cách khác, VAMC hay cả DATC, dù đã hết sức cố gắng nhưng trên thực tế không thể thể hiện được hết vai trò dẫn dắt. Việc bóc tách nợ xấu của các TCTD ra khỏi bảng cân đối tài sản của họ, ngoài việc cần bàn tay của VAMC trợ lực, vẫn cần điều quan trọng không kém là thời gian. Bản thân người đứng đầu hệ thống NH cũng nói rằng “thực tế ngay cả các công ty quản lý tài sản ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia… cũng phải mất 10-15 năm mới xử lý căn bản số nợ xấu mua được từ các NHTM”.

Rõ ràng điều gì cũng có quá trình và nợ xấu ở VN càng cần có quá trình, nhất là khi VAMC chưa có cơ chế “hoàn hảo” để tạo được một thị trường mua bán nợ thực sự sôi động. Việc VAMC chỉ mới bán được 2-3% /tỷ lệ nợ xấu đã mua, theo con số mà Thống đốc Nguyễn Văn Bình đưa ra vào kỳ họp QH tháng 6/2015, cho thấy VMAC chỉ mới hoàn thành một phần vai trò của mình. Và bản thân họ, cũng như các TCTD, cũng cần có một quá trình để được nối dài tay, để có cơ chế mở rộng cho việc xử lí nợ xấu đi đến hiệu quả. Đặc biệt, khi VAMC dường như đang ỷ lại so với mục tiêu đặt ra sẽ mua lại 500 – 700 tỷ đồng nợ xấu theo giá thị trường và đang xin phép NHNN tăng vốn điều lệ thêm 1.500 tỷ đồng, trong khi tiến độ thu hồi nợ xấu đến nay còn quá chậm (chỉ thu hồi được 6.500 tỷ đồng nhưng lại có đến 142.000 tỷ đồng nợ xấu cần được mua lại).

Cơ chế mở rộng với “trái phiếu thế hệ thứ 2”

Một cơ chế mở rộng để phá sức “ì” này và thực sự hình thành thị trường mua bán nợ đã được NHNN nới cửa khi VAMC vừa được NHNN cho phép phát hành trái phiếu mới, thay cho trái phiếu đặc biệt trước đây. Trái phiếu mới này được VMAC sử dụng để mua nợ xấu thấp hơn giá trị sổ sách, có giao dịch không giới hạn và tính “thanh khoản” cao khi các TCTD có thể dùng giao dịch với nhau hoặc với NHNN. Điểm đặc biệt là trái phiếu mới có hệ số rủi ro ưu đãi bằng 0 khi tính tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR). Trong khi đó, lưu ý rằng với trái phiếu đặc biệt của VAMC đã phát hành lần 1, hệ số này là 20% . Chắc chắn với việc không phải trích lập dự phòng rủi ro 20% khi đổi nợ lấy trái phiếu được phát hành mới, các nhà băng sẽ chuộng “trái phiếu thế hế thứ 2” – theo cách gọi của CTCK Bản Việt (VCSC) hơn hẳn so với trái phiếu cũ. Đây cũng là yếu tố kích hoạt các TCTD có động lực đổi nợ lấy trái phiếu thế hệ thứ 2 mạnh mẽ hơn, nhất là với những khoản nợ mà trước đây VAMC có thể từ chối vì không thống nhất được về giá trị nội tại so với giá trị sổ sách, hay nói cách khác là những khoản nợ “xương xẩu” chưa được VAMC chấp thuận xử lí.

Ông Ngô Hoàng Long và bà Nguyễn Lê Hoàng Yến, chuyên viên cao cấp của VCSC cho rằng theo cơ chế phát hành trái phiếu thế hệ thứ 2, VAMC được khuyến khích xử lý các khoản nợ xấu phức tạp hơn trên bảng cân đối kế toán của các NH. Thông tư 14/2015, với chủ điểm về “trái phiếu thế hệ thứ 2” này cũng giúp VAMC giữ quyền sở hữu trực tiếp tài sản thế chấp và chủ động hơn trong việc bán nợ xấu cho các nhà đầu tư. “Tuy nhiên, các quy định hiện hành trong một số lĩnh vực như BĐS vẫn hạn chế sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, khiến cơ hội tiếp cận thị trường mua bán nợ xấu vẫn chưa rộng mở đối với toàn bộ nhà đầu tư. Vì vậy, chúng tôi cho rằng tình hình thu hồi nợ xấu sẽ không có sự cải thiện đang kể trừ khi có khung pháp lý phù hợp”, chuyên viên VCSC lưu ý.

Cũng cần phải nói thêm là với mức dự phòng bằng 0, các TCTD tham gia đổi nợ lấy trái phiếu thế hệ thứ 2 có thể phải chịu xóa nợ lớn hơn và ngay lập tức. Có nghĩa trên bảng cân đối tài sản của các TCTD, nợ xấu sẽ nhanh chóng sạch sẽ hơn, tài sản của các NH sẽ thành số dương và tổng vốn chủ sở hữu sẽ tăng lên khi hoàn nhập tài sản trái phiếu. Nợ xấu theo đó, sẽ được giảm nhanh với tốc độ khác hẳn trước đây – điều mà ngành NH đang rất cần khi chỉ còn chưa tới 4 tháng nữa là kết thúc năm.

Có lẽ cũng vì vậy mà “mũi tên” Thông tư 14 đã được NHNN ban hành một thời điểm hiệu lực gần như ngay lập tức vào ngày 15/10/2015. Theo đó, thị trường mua bán nợ đang được kì vọng sẽ nhộn nhịp hơn, ít nhất nhộn nhịp ở khâu “bắt nhốt” nốt các khoản nợ xấu cũng như, hệ thống sẽ được tiếp máu thanh khoản tốt để bù đắp chênh lệch huy động so với mức tăng trưởng tín dụng đang có. Lãi suất không căng có thể cũng sẽ “mục tiêu phụ” của “mũi tên” này.

Cần tiếp tục mở rộng khung pháp lý

Để đưa nợ xấu về mức an toàn, nhiều chính sách được ban hành với những cơ chế mở rộng để nợ xấu có thể thực sự được dọn dẹp.

Từ bắt nhốt , bóc tách đến xử lí rốt ráo dù vậy vẫn là một con đường không ngắn. Điểm sáng trên con đường này khiến thị trường hy vọng VAMC sẽ hoàn thiện vai trò của mình tốt hơn, là những cơ chế chính sách hỗ trợ… ở các lĩnh vực khác hiện cũng đã bắt đầu thông thoáng. Ví dụ Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi cho phép người nước sở hữu nhà ở là một cơ chế mở cửa có thể giúp VACM tăng độ hấp dẫn khi mời gọi nhà đầu tư nước ngoài vào tham gia mua nợ.

Song điểm vướng vẫn là người nước ngoài không được nhận chuyển nhượng tài sản BĐS liên quan đến đất đai. Muốn mua nợ xấu, mà các tài sản thế chấp có giá trị chủ yếu đều quan đến tài sản BĐS, người nước ngoài chỉ có liên doanh, ủy thác với doanh nghiệp, cá nhân tại Việt Nam để các tổ chức, cá nhân người Việt đứng ra mua lại các khoản nợ đó. Đây là một rủi ro và nấc trung gian hạn chế sự nhộn nhịp của thị trường mua bán nợ và khiến các khoản nợ của VAMC khó chuyển hóa sớm thành tiền.

Ngoài ra, việc mua bán nợ xấu không phải cứ VAMC đồng ý giá thấp dưới sổ sách, hay NH chủ nợ tạm thời gật đầu là được. Luật Phá sản (sửa đổi) vẫn giữ nguyên tắc tiến hành hội nghị chủ nợ, theo đó các chủ nợ (từ chủ nợ nhỏ nhất đến chủ nợ lớn nhất) đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Nếu trong số các chủ nợ, có ai không đồng ý bán nợ, tái cơ cấu DN mà yêu cầu phá sản thì khoản nợ đó sẽ không thể được nhấc ra khỏi bảng cân đối sổ sách của NH.

Sự mở rộng khung pháp lý mà VCSC đề ra như một “điều kiện”, hiểu theo cách đó, vẫn là điều kiện tiên quyết để sức mạnh của trái phiếu thế hệ thứ 2 từ VAMC và quyết tâm của hệ thống NH không bị hạn chế ở “quyết tâm ý chí”.

Mua ban no xau se soi dong cuoi nam?Bảng xếp hạng chỉ số sức mạnh tài chính cơ sở của 9 NH – theo đánh giá Moody’s

Theo báo cáo cập nhật đến 18/9/2015 của hãng đánh giá tín nhiệm hàng đầu thế giới Moodys, trong số 9 nhà băng được họ đánh giá là VietinBank, VIB, BIDV, Sacombank, Techcombank, ACB, MB, VPBank và SHB, sự thay đổi các chỉ số sức mạnh tài chính và chất lượng các khoản vay ở mỗi một NH khá kháu nhau. BIDV với 20% dư nợ cho vay thuộc về DNNN, khối mà chất lượng tín dụng và thông tin thường khó chuẩn xác, cùng tỷ lệ 2,3% nợ thuộc nhóm “có vấn đề” (nhóm 3,4,5) theo quan điểm của Moodys, sẽ khiến NH dễ bị tổn thương và mất thời gian để khắc phục.

Trong khi đánh giá Vietinbank cùng VIB là 2 NH có chỉ số cao nhất trong 9 NH, với một số các điểm “lợi thế” tuy được nhấn mạnh là tốt hơn đối thủ nhưng cũng có thể hiểu là nền tảng để các NH này không phải nặng gánh khi xử lí nợ xấu, VIB có các điểm tích cực: chiến lược hạn chế cho vay các khách hàng rủi ro, phát triển một cách thận trọng và trích lập dự phòng cao, chất lượng vốn chủ sở hữu tốt hơn các NH đối thủ, nhiều tài sản có tính thanh khoản cao, quản trị doanh nghiệp và quản trị rủi ro tốt, khẩu vị rủi ro hợp lý, thì một số các NH có tổng tài sản lớn lại vẫn phải “đón” những nhận xét nghi ngại.

VD Sacombank, Moodys cho rằng nếu không bán 5.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC để đưa nợ xấu về mức 1,5% cuối 2014, đảo ngược lại thì nợ xấu của Sacombank là 5,1%. Cùng với đó,việc Sacombank có các tài sản khác mà hãng xem là có vấn đề, bao gồm tài sản nợ khó đòi, các khoản phải thu từ kinh doanh chứng khoán và các khoản phải thu từ thanh lý chứng khoán….Những tài sản này khiến các khoản vay có vấn đề và trái phiếu VAMC sẽ chiếm tới 7% của dư nợ tín dụng tại Sacombank cuối năm nay, Moodys lưu ý.

Đừng để nợ xấu cứ giảm… ảo!

Các NH nên giảm, hoặc tốt nhất là xoá lãi của các khoản nợ xấu của DN. Nợ không chồng thêm nợ, một số DN sẽ có cơ hội trả nợ tốt hơn là nhận định của ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn- Chuyên gia Tài chính Đầu tư. Theo ông Hoàn, còn có khá nhiều nguyên do khiến nợ xấu chưa thể chuyển hoá thành tiền mặt để các NH khi xoá nợ – bán nợ.

– Ông nhìn nhận, đánh giá thế nào về bức tranh nợ xấu của NHVN hiện nay?

Sau ba năm xử lí, nợ xấu hiện đã “đẹp” và tích cực hơn? Nếu so năm 2011 với thời điểm hiện nay, xét về con số, nợ xấu của các ngân hàng đã giảm rất tích cực. Những vấn đề hệ thống ngân hàng gặp phải như thanh khoản, nay cũng đã được cải thiện đáng kể. Chất lượng tín dụng cũng có vẻ được nắn dòng, ít tăng đột biến vào các lĩnh vực mang tính chất đầu cơ hoặc vào tài sản ảo. Ngay cả các chính sách điều hành cũng ít “giật cục” hơn. Nhưng, điều đó cũng không nói lên rằng nợ xấu đã được xử lý ổn thoả và các ngân hàng đã bước hẳn sang một giai đoạn không còn vướng bận về “cục máu đông”. Nói thẳng ra là nợ xấu của hệ thống NH, để được nhấc ra khỏi cân đối tài sản của mỗi nhà băng đang đựơc xử lý bằng cách chuyển từ “kho con” sang “kho tổng”- từ NH sang VAMC, chưa thực sự chuyển hoá thành tiền, cho dù là giá trị chuyển hoá bị giảm bớt vì chiết khấu xoá dần sau mỗi lần bán nợ.

– Theo ông, với tình hình nợ xấu như trên thì có tác động gì, như thế nào đến thị trường tín dụng dành cho DN?

Cũng xét trên bề mặt con số thì tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng năm nay tốt hơn hẳn so với các năm gần đây. Đây là thành quả của tái cấu trúc nền kinh tế, với các chỉ số vĩ mô đang khởi sắc hơn và DN cũng có nhu cầu vay tín dụng để phục hồi sản xuất kinh doanh. Song cần lưu ý rằng vẫn có một bộ phận không nhỏ DN bị “treo” nợ xấu, không vay được tín dụng mới để sản xuất kinh doanh. Con số các DN hoạt động cầm chứng hoặc đình trệ, phá sản không nhỏ trong 8 tháng 2015 nói lên điều đó. Ngoài ra cũng cần lưu ý tăng trưởng tốt của hệ thống tín dụng năm nay, có đuọc tính bao gồm trái phiếu, trong đó có trái phiếu đổi nợ của VAMC hay không?

– VACM vừa được mở rộng theo cơ chế mới, theo Thông tư 14 ban hành ngày 28/8 của NHNN, được phát hành “trái phiếu thế hệ thứ 2″ nhằm mua nợ thấp hơn giá trị sổ sách… Theo ông, điều này có thể cải thiện hiệu quả của VMAC trong xử lí nợ thời gian tới?

Tôi nghĩ là hy vọng có thể cải thiện phần nào. Vấn đề xử lý nợ xấu của ta đang vướng mắc ở chỗ dòng tiền mặt (cash). Việc chuyển hoá nợ xấu từ kho này sang kho kia cần một nấc chuyển hoá cao hơn, thật hơn là bán lại nợ xấu. Trước đây, VAMC mua nợ xấu với tỷ lệ chiết khấu 70%/ giá trị sổ sách. Với giá này thì khi muốn bán lại mà không quá lỗ, VAMC khó có cơ chế chiết khấu tốt để hấp dẫn người mua nợ xấu. Chưa kể còn nhiều nguyên nhân khác đặc biệt liên quan đến thị trường BĐS khiến nợ xấu cũng khó mua bán theo cơ chế thị trường. Nay nếu được mua dưới giá trị sổ sách, khả năng VAMC điều chỉnh chiết khấu cao để bán nợ hy vọng có thể xảy ra. Có một so sánh không biết có khập khiễng hay không, song ở nước ngoài, để xử lý nợ xấu, các tổ chức bán nợ sẵn sàng chiết khấu cao trên dưới 50%/ giá trị các khoản nợ gốc của họ sau khi đã được AMC chiết khấu lần 1, miễn là nhà đầu tư sẵn sàng trả tiền mặt, tức là họ có thể nhận được tiền thật, kể cả là NH hay AMC. Ở ta thì chuyển hoá nợ xấu đang hạn chế… tiền thật.

Vậy, cần làm gì để nợ xấu xử lí nhanh và hiệu quả hơn, thưa ông?

Chìa khoá nằm ở… thị trường BĐS và các vấn đề có liên quan như thanh khoản, tín dụng BĐS, chính sách… Bởi phần lớn các khoản nợ xấu của ta, có giá trị nhất và có tài sản đảm bảo thế chấp, đều là tài sản BĐS. Nhiều DN và NH thực sự cũng không muốn bán nợ xấu giá thấp, bởi bán nợ xấu không đủ đắp khoản nợ đang chôn tại chính NH, họ vẫn muốn “neo” nợ xấu ở đó, chờ thị trường giá lên mong bán được giá hơn. Còn các nhà đầu tư “bự”, muốn mua các khoản nợ xấu “ngon”, một phần do không có người bán, phần do các quy định, cũng không dễ hoặc dám thoả thuận nhận mua nợ và tái cấu trúc bán lại.

Nguồn diễn đàn doanh nghiệp