Mua bán nợ xấu: Quan trọng vẫn là tiền đâu?
Điểm mấu chốt trong xử lý nợ xấu của VAMC là mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành. Trái phiếu đặc biệt được phát hành bằng đồng Việt Nam có thời hạn tối đa 5 năm và lãi suất bằng 0%; được sử dụng để vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Dù vậy, tổ chức tín dụng đã bán nợ xấu hàng năm vẫn phải trích lập dự phòng tối thiểu bằng 20% giá trị mệnh giá trái phiếu. Khi hết thời hạn nếu nợ xấu không được VAMC xử lý thì tổ chức tín dụng phải mua lại khoản nợ xấu bằng chính trái phiếu đặc biệt. Trường hợp nợ xấu được xử lý, tổ chức tín dụng được nhận lại một phần khoản tiền thu được từ việc bán nợ và trả lại trái phiếu cho VAMC.
Công ty này cũng được thực hiện các hoạt động như: thu hồi nợ, đòi nợ và xử lý, bán nợ, tài sản bảo đảm; cơ cấu lại khoản nợ, điều chỉnh điều kiện trả nợ, chuyển nợ thành vốn góp, vốn cổ phẩn của khách hàng vay...
Tài sản bị treo, doanh nghiệp lấy gì thế chấp
Theo ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, VAMC ra đời, trước hết sẽ góp phần trong sạch bảng tổng kết tài sản của các ngân hàng. Giải quyết được vấn đế này các doanh nghiệp (DN) sẽ có điều kiện tiếp cận vốn tốt hơn.
Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế lại cho rằng, theo quy định, các khoản nợ xấu muốn được VAMC mua phải đáp ứng các điều kiện như có tài sản bảo đảm, tài sản bảo đảm phải hợp pháp và có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ...
Nợ xấu của DN là nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Khi các tổ chức tín dụng bán nợ xấu cho công ty VAMC thì cũng phải chuyển tài sản đảm bảo của các DN sang cho VAMC.
Tài sản đảm bảo của các DN thường là nhà xưởng, đất đai, máy móc hàng hóa... Nhiều DN đến nay đã thế chấp hết cho các tổ chức tín dụng rồi, không còn nữa vì vậy muốn tiếp tục vay vốn với các DN này là không thể.
Theo ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, nợ xấu của DN tuy đã sạch nhưng muốn vay vốn ngân hàng thì DN vẫn phải tuân thủ đầy đủ các quy định như lập dự án, thuyết trình và đặc biệt là phải có tài sản đảm bảo.
"Không có tài sản đảm bảo thì không thể vay được. Như vậy VAMC ra đời nhưng vẫn không giải quyết triệt để vấn đề khơi thông vốn cho DN", ông Kiêm nói.
Các ý kiến cũng băn khoăn về giá trị của trái phiếu đặc biệt này khi nó có lãi suất 0% thì có ý nghĩa hay không? Bởi về nguyên tắc đã là trái phiếu thì phải có lãi.
Ngoài lãi suất 0%, theo quy định, trái phiếu của VAMC phát hành có giá trị trong 5 năm và mỗi năm tổ chức tín dụng bán nợ phải trích lập dự phòng rủi ro 20% cho khoản trái phiếu này. Khi đã bán và nhận trái phiếu thì nợ xấu trong bảng kế toán của các ngân hàng sẽ không còn nữa. Vậy tại sao lại phải trích lập dự phòng rủi ro 20%/năm?
Theo quy định chỉ khi để nợ trong nội bảng kế toán thì các tổ chức tín dụng mới phải trích lập dự phòng rủi ro. Khi đã bán nợ xấu cho VAMC rồi tức là nợ đã được đưa ra ngoại bảng kế toán thì không có căn cứ để trích lập dự phòng rủi ro. Vừa bán đi nợ xấu thu trái phiếu về thì rủi ro thuộc khoản nào mà phải trích? Vấn đề này các ngân hàng sẽ phải giải quyết như thế nào?.
Chính điều này cũng khiến cho một số ngân hàng tỏ ra không hào hứng với bán nợ cho VAMC vì không chuyển sang VAMC hay chuyển sang VAMC thì các ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu.
Quan trọng vẫn là tiền đâu?
Số trái phiếu đặc biệt này khi cần các tổ chức tín dụng có thể mang lên cầm cố tại NHNN để được tái cấp vốn.
Tuy nhiên câu hỏi đặt ra ở đây là: Thực chất có phải NHNN dùng nguồn tiền phát hành thông qua nghiệp vụ cho vay tái cấp vốn để mua lại nợ xấu? Mức cầm cố sẽ là bao nhiêu và lãi suất cho vay tái cấp vốn được áp dụng như thế nào với những trái phiếu có lãi suất 0%?
Ngoài ra do phụ thuộc vào hạn mức cho vay tái cấp vốn, kế hoạch cung ứng tiền, nếu hạn mức, hết kế hoạch rồi thì NHNN có cho vay không? Và cho vay có ảnh hưởng đến lạm phát không? Cũng là những băn khoăn của nhiều nhà kinh tế về Công ty VAMC mới thành lập.
Bình luận về vấn đề này, một số ý kiến cho rằng, mấu chốt vẫn là bơm tiền. Những ngân hàng có nợ xấu cao sẽ nhận được nguồn tiền để tiếp tục tồn tại, điều này có thể gây ra rủi ro cho nền kinh tế khi tiền được NHNN bơm cho các tổ chức tín dụng để trám lỗ hổng nợ xấu.
(Theo VEF)