Thứ Hai | 08/09/2014 15:02

Một vòng thị trường thẻ ATM của các ngân hàng

Các hạn mức giao dịch tại Vietcombank hiện đang dẫn đầu trong nhóm ngân hàng chúng tôi khảo sát.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 4/2014, tín dụng trong toàn hệ thống tổ chức tín dụng tăng 0,62% so với cuối năm 2013.

Việt Nam hiện có dân số hơn 90 triệu, trong đó, hơn 50% thuộc độ tuổi lao động và mức độ tập trung về đô thị đang tăng là thị trường tiềm năng tiêu thụ cho ngân hàng bán lẻ.

Để phát triển thị trường bán lẻ, các ngân hàng đã có nhiều ưu đãi trong việc mở thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ.

Phí mở thẻ khác nhau

Khảo sát 3 ngân hàng thương mại: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Agribank, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - VCB, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV cho thấy, hiện BIDV có mức phí mở thẻ cao nhất.

BIDV có 2 mức hạng thẻ: thẻ Etrans (hạng thẻ rút tiền 50 triệu/ngày) có phí phát hành 55.000 đồng, phí duy trì thẻ 50.000 đồng và 33.000 đồng phí thường niên; Thẻ Hamony (hạng thẻ rút tiền 80 triệu/ngày) có mức phí phát hành và duy trì gấp đôi thẻ Etrans, riêng phí duy trì thẻ giống nhau.

Vietcombank và Agribank hiện áp dụng mức phí thẻ giống nhau: thu 50.000 đồng phí làm thẻ và 50.000 đồng phí duy trì số dư tài khoản. Riêng Vietcombank sẽ miễn phí phát hành thẻ từ ngày 15/8/2014.

Khảo sát 4 ngân hàng cổ phần: Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam - Techcombank, Ngân hàng TMCP An Bình - ABBank, Ngân hàng TMCP Đại Dương - Oceanbank, Ngân hàng TMCP Á Châu –ACB, Techcombank có mức phí mở thẻ cũng như mức phí áp dụng các giao dịch cao nhất.

Tại Techcombank, khách hàng phải nộp 110.000 đồng phí phát hành, 50.000 đồng số dư duy trì thẻ và 66.000 đồng phí thường niên.

ACB thực hiện phát hành thẻ miễn phí, nhưng bắt buộc số dư tài khoản là 100 nghìn đồng, cao gấp đôi các ngân hàng khác. ABB áp dụng mức thu phí 55.000 đồng làm thẻ và 50.000 đồng số dư cố định trong thẻ

Áp dụng mức phí phát hành thẻ rẻ nhất thuộc về OceanBank với 20.000 đồng, kèm theo 11.000 đồng số dư trong tài khoản. OceanBank cũng là ngân hàng thực hiện miễn phí rút tiền nội, ngoại mạng tại cây ATM, miễn phí chuyển tiền nội mạng, ngoại mạng áp dụng mức phí 5.500 đồng/giao dịch.

Các ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài như ANZ, Citibank, việc làm thẻ ATM thông thường không chỉ là dùng CMT photo để mở thẻ như các ngân hàng trong nước mà còn cần đem theo sổ hộ khẩu gia đình.

Việc phát hành thẻ tại ANZ, Citibank không mất phí, nhưng phí duy trì hàng tháng được quy định ở mức 200.000 đồng. Riêng tại ANZ, ngân hàng quy định số dư tài khoản trung bình hàng tháng của khách hàng trên 50 triệu đồng, nếu không đạt được con số này thì khách hàng phải trả mức phí duy trì hàng tháng như trên. Các hình thức giao dịch rút tiền và chuyển tiền tại 2 ngân hàng trên cũng được miễn phí.

Các mức phí rút tiền và chuyển tiền
Hiện tại, ACB và ABB thực hiện miễn phí rút tiền và chuyển tiền tại máy ATM trong cùng hệ thống. Riêng ACB áp dụng mức giá khá cao đối với việc giao dịch khác hệ thống: phí rút tiền 0,03%, tối thiểu 15.000 đồng, tối đa 1 triệu đồng; phí chuyển khoản 0,01%, tối thiểu 15.000 đồng, tối đa 500 nghìn đồng.

Techcombank có phí rút tiền nội mạng 2.200 đồng/giao dịch, ngoại mạng 3.300 đồng/giao dịch.

Tecombank cũng áp dụng tính phí chuyển khoản theo vùng: chuyển khoản cùng hệ thống, cùng tỉnh không mất phí; cùng hệ thống, khác tỉnh mất phí 9.000 đồng/giao dịch. Chuyển khoản khác hệ thống, cùng tỉnh tính phí 0,035%/giao dịch, mức phí giao động từ 20.000 – 1 triệu đồng tùy theo số tiền chuyển đi.

Phí rút tiền nội mạng và ngoại mạng được áp dụng chung cho VCB và BIDV với rút tiền nội mạng 1.100 đồng/giao dịch, ngoại mạng 3.300 đồng/giao dịch. Phí rút nội mạng rẻ nhất thuộc về Agribank với 1.000 đồng/giao dịch.

Mức phí áp dụng đối với dịch vụ chuyển tiền tại máy ATM của 4 ngân hàng cũng khác nhau. Agribank áp dụng phí chuyển tiền nội mạng 0,03%/giao dịch, tối thiểu 3.300 đồng, ngoại mạng 0,05%/giao dịch, tối thiểu 8.800 đồng/giao dịch. Vietcombank áp dụng chính sách chuyển tiền 3.300 đồng/giao dịch đối với cả 2 hình thức chuyển tiền nội mạng và ngoại mạng.

BIDV lại áp dụng chính sách cùng tỉnh và khác tỉnh giữa người gửi và người nhận. Theo đó, BIDV áp dụng mức phí cao hơn, chuyển khoản cùng hệ thống sẽ áp dụng mức phí 0,05%, tối thiểu 2.000 đồng/giao dịch; khác hệ thống, cùng thành phố được miễn phí, ngoài thành phố áp dụng từ 0,01% - 0,05%, số tiền dao động từ 10 – 500 nghìn đồng.
Hạn mức giao dịch
Các hạn mức giao dịch tại Vietcombank hiện đang dẫn đầu trong 9 ngân hàng thực hiện khảo sát. Ngân hàng này cho phép chuyển khoản tối đa 300 triệu/ngày, rút tiền 100 triệu/ngày.

Vị trí thứ 2 thuộc về OceanBank với tổng số tiền chuyển khoản tối đa trong ngày là 200 triệu đồng (đối với giao dịch nội mạng) và 100 triệu đồng( giao dịch ngoại mạng).

Những ngân hàng nước ngoài như ANZ, Citibank lại có hạn mức chuyển khoản thấp nhất trong các ngân hàng trên. ANZ quy định giao dịch tối đa 20 triệu đồng/ngày, Citibank 30 triệu đồng/ngày.

Tuy nhiên, ANZ và Citibank lại cho phép mức rút tiền khá cao trong 1 lần giao dịch: ANZ là 50 triệu đồng, Citibank là 15 triệu đồng.

Trong khi đó, các ngân hàng trong nước phần lớn dừng lại ở mức rút tiền cao nhất là 5 triệu đồng/giao dịch.

Nguồn Theo DVO


Sự kiện