Một tỷ phú Trung Quốc có thêm 10 tỷ USD kể từ đầu năm
Giá trị tài sản ròng của ông Hui Ka Yan, chủ tịch công ty bất động sản Trung Quốc Evergrande, đã tăng khoảng 10 tỷ USD kể từ đầu năm lên khoảng 21,3 tỷ USD. Đây là kết quả tính toán của CNNMoney dựa trên dữ liệu từ Hurun Report, một nhóm nghiên cứu ở Thượng Hải .
Tài sản của ông Hui đã phình lên nhờ sự gia tăng đáng kinh ngạc của giá cổ phiếu Evergrande, vốn đã tăng gấp ba lần kể từ đầu năm. Hôm thứ Hai, cổ phiếu Evergrande tăng phi mã lên tới 23% trên thị trường chứng khoán Hồng Kông.
Ông Hui là cổ đông chính của Evergrande với 72% cổ phần, theo dữ liệu của FactSet. Theo Hurun, ông cũng có rất nhiều khoản đầu tư khác với trị giá khoảng 3 tỷ USD, bao gồm cổ phần tại câu lạc bộ bóng đá Trung Quốc Guangzhou Evergrande.
Rupert Hoogewerf, người sáng lập của Hurun, nói rằng việc tăng vọt tài sản trong một khoảng thời gian ngắn như vậy là rất hiếm hoi ở Trung Quốc. Một ví dụ gần đây khác là Wang Wei, người có giá trị tài sản ròng đã tăng vọt lên 27,5 tỷ USD vào tháng 3 sau khi công ty logistics SF Express của ông trở thành công ty đại chúng nhờ mua lại một công ty khác (reverse takeover) trên thị trường chứng khoán Thâm Quyến.
Vậy điều gì đứng đằng sau đà tăng phi mã giá cổ phiếu của Evergrande?
Diển biến giá cổ phiếu Evergrande trong 3 tháng qua. Nguồn: Google Finance. |
Theo Andrew Sullivan, giám đốc điều hành mảng giao dịch của Haitong Securities tại Hong Kong, đây là một năm tốt đẹp đối với các cổ phiếu bất động sản của Trung Quốc nói chung. Các nhà đầu tư cũng đặc biệt quan tâm đến các nhà phát triển bất động sản như Evergrande, vốn đang đẩy mạnh dự án tại xây dựng ở các thành phố nhỏ hơn.
Các nhà chức trách Trung Quốc đã đưa ra những hạn chế hoạt động giao dịch bất động sản tại các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải, nơi Evergrande cũng hoạt động, để cố gắng ghìm cương giá bất động sản tăng phi mã.
Evergrande cũng gần đây đã mua lại cổ phiếu của mình từ các nhà đầu tư trước khi có kế hoạch niêm yết bằng cửa sau (backdoor list, thông qua việc mua lại một công ty đang niêm yết) ở Trung Quốc đại lục, điều này giải thích một phần đà tăng này. Giá cổ phiếu tăng vọt của hãng cũng đã đặt sức ép lên các quỹ phòng hộ đang đánh cược cổ phiếu của công ty này sẽ giảm xuống.
Nhưng vẫn còn nhiều hoài nghi về tính bền vững trong mô hình kinh doanh của Evergrande, vốn được xây dựng trên một núi nợ nần. Nợ ròng của công ty đứng ở mức 49,3 tỷ USD vào cuối năm 2016, gần gấp đôi so với năm trước
Trong một báo cáo tháng trước, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch cảnh báo rằng chi phí lãi vay cao của Evergrande và các khoản chi cho các cổ đông sẽ ngăn cản công ty này giảm đáng kể nợ của mình.
Mạnh Đức
Nguồn CNN Money