Một số thay đổi cơ bản của Pháp luật về ngoại hối
Về tổng thể, Pháp lệnh Ngoại hối 2013 đã sửa đổi, bổ sung 22 điều; bổ sung 3 điều mới; bãi bỏ 1 điều; và sửa đổi 2 tên Chương. Các thay đổi chủ yếu của Pháp lệnh 2013 gồm 5 nhóm:
Pháp lệnh 2013 đã sửa đổi, bổ sung một số thuật ngữ quan trong nhằm bảo đảm thống nhất với các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD), Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Đầu tư...
Thứ hai, Pháp lệnh 2013 đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về giao dịch vãng lai bao gồm: Bổ sung quy định về việc không được gửi ngoại hối trong bưu gửi; Quy định rõ trách nhiệm của người có mang theo ngoại tệ, đồng Việt Nam và vàng khi xuất, nhập cảnh; Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) quy định về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu ngoại tệ tiền mặt của TCTD được phép để tạo cơ sở pháp lý cho việc kiểm soát hoạt động này.
Thứ ba, Pháp lệnh 2013 cũng sửa đổi, bổ sung các quy định về giao dịch vốn.
Về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam: Pháp lệnh 2013 quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh trong việc mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp tại một tổ chức tín dụng được phép để thực hiện dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam;
Bổ sung quy định đối với việc sử dụng nguồn thu hợp pháp của nhà đầu tư nước ngoài và quy định thẩm quyền của NHNN trong việc ban hành quy định về các giao dịch chuyển vốn hợp pháp khác (bảo lãnh, đặt cọc, ký quỹ…) liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.
Pháp lệnh 2013 cũng bổ sung quy định về việc sử dụng nguồn thu hợp pháp của nhà đầu tư nước ngoài là người không cư trú và giao thẩm quyền của NHNN ban hành quy định về các giao dịch chuyển vốn hợp pháp khác liên quan đến hoạt động đầu tư gián tiếp tại Việt Nam
Về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, Pháp lệnh 2013 đã sửa đổi một số điều nhằm quy định phù hợp, chặt chẽ hơn các nội dung liên quan đến đầu tư trực tiếp ra nước ngoài liên quan đến các nội dung nguồn vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài; chuyển vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài; chuyển vốn, lợi nhuận từ hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài về Việt Nam.
Pháp lệnh 2013 bổ sung quy định về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, theo đó tổ chức tín dụng được phép thực hiện đầu tư gián tiếp ra nước ngoài theo quy định của pháp luật về đầu tư và quy định của NHNN; các đối tượng khác khi được phép đầu tư gián tiếp ra nước ngoài phải thực hiện việc mở và sử dụng tài khoản, chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài, chuyển vốn gốc, lợi nhuận hợp pháp và các khoản thu nhập hợp pháp khác từ hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài về Việt Nam theo quy định của NHNN Việt Nam.
Về vay và trả nợ nước ngoài, liên quan đến việc vay, trả nợ nước ngoài của người cư trú, Pháp lệnh 2013 đã mở rộng đối tượng được vay, trả nợ nước ngoài, bao gồm cả “hợp tác xã”, “liên hiệp hợp tác xã”. Đồng thời, bổ sung nguyên tắc các giao dịch chuyển vốn hợp pháp khác liên quan đến hoạt động vay, trả nợ nước ngoài thực hiện theo quy định.
Về cho vay và thu hồi nợ nước ngoài, Pháp lệnh 2013 bổ sung thêm quy định về TCTD, tổ chức kinh tế được thực hiện bảo lãnh cho người không cư trú. Theo đó, các tổ chức kinh tế chỉ được thực hiện cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép và thực hiện việc mở và sử dụng tài khoản, chuyển vốn ra và thu hồi nợ nước ngoài, đăng ký cho vay, thu hồi nợ nước ngoài và các giao dịch chuyển vốn khác liên quan đến các hoạt động cho vay, thu hồi nợ nước ngoài theo hướng dẫn của NHNN.
Thứ tư, khắc phục bất cập trong quy định về sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam. Pháp lệnh 2013 đã quy định cụ thể trên lãnh thổ Việt Nam, các hoạt động “báo giá”, “định giá”, “ghi giá” không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của NHNN.
Ngoài ra, Pháp lệnh 2013 bổ sung đối tượng được mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài đối với cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện của Việt Nam hoạt động tại Việt Nam.
Đồng thời, Pháp lệnh 2013 cũng sửa đổi Điều 25 và bổ sung quy định về việc giao thẩm quyền cho NHNN quy định việc mở và sử dụng tài khoản đồng Việt Nam của người không cư trú là tổ chức, cá nhân và người cư trú là cá nhân nước ngoài.
Thứ năm, Pháp lệnh 2013 sửa đổi, bổ sung các quy định về thị trường ngoại tệ, cơ chế tỷ giá hối đoái và quản lý Dự trữ ngoại hối Nhà nước; hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật NHNN Việt Nam và Luật các TCTD 2010.
Về thị trường ngoại tệ, cơ chế tỷ giá hối đoái và quản lý vàng là ngoại hối, Pháp lệnh 2013 bỏ thành viên tham gia thị trường ngoại tệ là “bàn đổi ngoại tệ” vì đây chỉ là đơn vị được tổ chức tín dụng uỷ nhiệm thực hiện giao dịch với khách hàng. Đồng thời, quy định NHNN công bố tỷ giá hối đoái, quyết định chế độ tỷ giá, cơ chế điều hành tỷ giá.
Thêm vào đó, Pháp lệnh 2013 sửa đổi quy định NHNN quản lý vàng thuộc Dự trữ ngoại hối nhà nước và quản lý vàng trên tài khoản ở nước ngoài của người cư trú theo quy định của pháp luật.
Về quản lý Dự trữ ngoại hối Nhà nước, Pháp lệnh 2013 bổ sung quy định vàng do NHNN Việt Nam quản lý; toàn bộ số ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước phải được gửi tại NHNN và trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ của NHNN Việt Nam về quản lý Dự trữ ngoại hối nhà nước và bổ sung quy định về sử dụng dự trữ ngoại hối cho phù hợp với Luật NHNN.
Về hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối, Pháp lệnh 2013 sửa đổi, bổ sung quy định nguyên tắc các đối tượng là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức khác được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối ở trong nước và nước ngoài sau khi được NHNN Việt Nam chấp thuận bằng văn bản; giao thẩm quyền cho NHNN Việt Nam quy định về phạm vi kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối ở trong nước và nước ngoài, điều kiện, trình tự, thủ tục chấp thuận kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối.
Nguồn Dân Việt/SBV