Thứ Tư | 30/05/2012 15:31

Một số nét chính của Dự thảo Luật Dự trữ quốc gia

Ngày mai (31/5), được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ trình bày tờ trình dự án Luật Dự trữ quốc gia trước Quốc hội.
Về nội dung chính của dự án Luật Dự trữ quốc gia, ông Phạm Phan Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho biết:

Dự thảo Luật Dự trữ quốc gia bao gồm 7 Chương và 63 Điều. Nội dung chính của Luật xoay quanh các quy định nhằm mục tiêu chủ động đáp ứng những yêu cầu cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh; góp phần bảo đảm an sinh xã hội để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.  

Dự thảo Luật quy định 5 chính sách của Nhà nước về dự trữ quốc gia bao gồm chính sách về: Phát triển dự trữ quốc gia; xây dựng, bố trí tổng mức dự trữ quốc gia đủ mạnh, đáp ứng kịp thời, hiệu quả mục tiêu của dự trữ quốc gia; phát triển khoa học công nghệ, hiện đại hóa hoạt động dự trữ quốc gia; chính sách tài chính, chính sách đãi ngộ phù hợp với đặc thù hoạt động của dự trữ quốc gia; khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dự trữ quốc gia.

Về nội dung quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực dự trữ quốc gia, dự thảo Luật có quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội; quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ ngành quản lý dự trữ quốc gia và của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các quy định này nhằm làm rõ trách nhiệm cụ thể phù hợp với phân công, phân cấp về quản lý dự trữ quốc gia, tạo điều kiện để các quy định của Luật liên quan đến dự trữ quốc gia được thực hiện thông suốt, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả dự trữ quốc gia.

Danh mục hàng dự trữ quốc gia được xác định dựa trên khả năng đáp ứng mục tiêu của dự trữ quốc gia gồm 5 nhóm như sau: Nhóm hàng bảo đảm an ninh kinh tế, an sinh xã hội; Nhóm hàng phục vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, cứu hộ, cứu nạn; Nhóm hàng phục vụ an ninh, quốc phòng và động viên công nghiệp; Nhóm hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh và cấp cứu cho người; Nhóm hàng phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, cây trồng và nuôi trồng thủy sản.

Dự thảo Luật cũng quy định chi cho tăng dự trữ quốc gia và mua bù hàng dự trữ quốc gia đã xuất trong năm kế hoạch thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên của ngân sách nhà nước. Điểm quan trọng ở đây là việc chuyển chi mua tăng và mua bù hàng dự trữ quốc gia hiện nay đang bố trí ở nhiệm vụ chi đầu tư phát triển sang nhiệm vụ chi thường xuyên cho phù hợp với bản chất của chi mua tăng, mua bù hàng dự trữ quốc gia hàng năm. Việc chuyển nguồn này cũng phù hợp với thực tế điều hành ngân sách nhà nước hiện nay là các khoản chi mua sắm trang thiết bị, tài sản không gắn với các dự án đầu tư của các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương được bố trí trong chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước (việc mua sắm các trang thiết bị, tài sản này vẫn thực hiện thông qua các hình thức đấu thầu, chào hàng cạnh tranh,...).

Việc chuyển chi mua tăng, mua bù hàng dự trữ quốc gia từ nhiệm vụ chi đầu tư phát triển sang nhiệm vụ chi thường xuyên của ngân sách nhà nước là cần thiết để thống nhất quản lý mua sắm các trang thiết bị, tài sản không gắn với các dự án đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước; bảo đảm bố trí kinh phí bảo quản, nhập xuất hàng dự trữ quốc gia đồng bộ với vốn mua tăng, mua bù hàng dự trữ quốc gia hàng năm để đáp ứng kịp thời yêu cầu thống nhất quản lý mua sắm trong thực thi nhiệm vụ. Đây là một trong các điều kiện để thực hiện cải cách mạnh về quy trình, thủ tục mua, bán, nhập, xuất sử dụng hàng dự trữ quốc gia trong các tình huống cấp bách đã thể hiện trong dự thảo Luật này.

Mặt khác, dự thảo Luật cũng quy định về nguyên tắc mua, bán hàng dự trữ quốc gia phải tuân theo các quy định của pháp luật về đấu thầu, đấu giá; bổ sung các trường hợp áp dụng chỉ định thầu và đấu giá cụ thể trong việc mua, bán hàng dự trữ quốc gia để phù hợp với đặc thù của hoạt động dự trữ quốc gia và thẩm quyền, trình tự thực hiện chỉ định thầu được thực hiện theo quy định của pháp luật đấu thầu...

Tính đến hết Quý II/2011 tổng mức dự trữ quốc gia đạt khoảng 0,4% GDP, trong đó: Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ nhà nước) giữ 36%, Bộ Công Thương (một số công ty xăng dầu) giữ 36%, Bộ Quốc phòng giữ 13%, Bộ Công an giữ 10%, Bộ NN và PTNT giữ 3%, Bộ Y tế giữ 0,5%, Bộ Giao thông Vận tải giữ 1%, Ban Cơ yếu Chính phủ giữ 0,3%, Đài Tiếng nói Việt Nam giữ 0,27%).
Mặt hàng dự trữ quốc gia chủ yếu là: lương thực (thóc. gạo), xăng dầu, muối ăn, trang thiết bị cứu hộ cứu nạn (xuồng cao tốc các loại, nhà bạt cứu sinh các loại, phao cứu sinh các loại, thiết bị chữa cháy đồng bộ), trang thiết bị và thuốc y tế, vắcxin phòng dịch gia súc các loại, các mặt hàng quốc phòng, an ninh…

Nguồn Vietnamplus


Sự kiện