Một số dự án FDI lớn sắp cập bến
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong quý I chỉ đạt 3,3 tỷ USD, chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2013, Bộ trưởng lý giải như thế nào về hiện tượng này và liệu đây có phải là tín hiệu đáng lo ngại về môi trường thu hút đầu tư tại Việt Nam hay không?
Bộ trưởng: Việc so sánh đầu tư nước ngoài theo quý không phản ánh được bản chất vấn đề. Quý I/2013 chúng ta có 2 dự án lớn đầu tư vào Việt Nam là dự án Samsung Thái Nguyên 2 tỷ USD và Hóa lọc dầu Nghi Sơn 2,8 tỷ làm cho tổng FDI quý I/2013 tăng vọt, đột biến. Tuy vậy đây là các dự án người ta đã đàm phán nhiều năm mới có đăng ký chính thức. Còn quý I năm nay không có dự án lớn như vậy. Nhưng nói như vậy ko có nghĩa là tình hình thu hút FDI sẽ sụt giảm so với năm 2013 mà trong năm 2014 chúng tôi dự báo tổng FDI không giảm so với năm 2013. Có một số dự án lớn cũng đang đàm phán để ký kết trong 2014.
Ngoài mục tiêu thu hút về vốn, hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài còn hướng tới hoạt động chuyển giao công nghệ, tuy nhiên đến thời điểm này chưa có báo cáo hoặc thống kê nào về hoạt động chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp FDI, xin Bộ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này?
BT: Hiện có khoảng 16.000 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, thì hầu hết là 100% vốn nước ngoài nên điều kiện để chuyển giao công nghệ cho đối tác liên doanh là ít. báo cáo cho biết việc chuyển giao công ngệ chưa nhiều, chỉ 5% thôi. Như vậy là thấp nhưng chúng ta ko bi quan chuyện này vì các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam có tác động gián tiếp tái cấu trúc các ngành nghề tại Việt Nam theo hướng nâng cao tính cạnh tranh.
Lo ngại về pháp lý vẫn đang gây tác động tiêu cực tới nhà đầu tư nước ngoài muốn đặt chân tới Việt Nam điển hình là vấn đề mua bán sáp nhập (M&A), hợp tác công tư PPP. Bộ trưởng có bình luận gì về vấn đề này?
BT: Môi trường kinh doanh tại Việt Nam vẫn chưa thực sự hoàn thiện vì Việt Nam vẫn là nước đang phát triển nên hệ thống luật pháp đang từng bước hoàn thiện dần. M&A là lĩnh vực mới nên các khung khổ pháp lý đang rải rác nhưng chưa có văn bản hoàn chỉnh riêng về lĩnh vực này. Trong thời gian tới khi sửa Luật đầu tư thì dự kiến có mục riêng về việc M&A vì đây là vấn đề nóng hổi trong thời gian tới khi đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và tái cấu trúc nền kinh tế.
Đối tác công tư PPP cũng là hình thức mới đối với Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang được Chính phủ giao là cơ quan chủ trì soạn thảo, đã tham khảo rất nhiều cơ quan, tập đoàn lớn của quốc tế có kinh nghiệm. Trong năm nay, nghị định về đối tác công tư chắc chắn sẽ được ban hành và được các nhà tài trợ quốc tế đánh giá là phù hợp với thông lệ quốc tế.
Trong nhiều năm qua, chúng ta đã dành nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài, trong khi nhà đầu tư trong nước phải đối mặt với núi thủ tục hành chính và ưu đãi ko rõ ràng. Trong thời gian tới có chuyển biến nào không về chính sách, chủ trương phát triển doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là khu vực tư nhân?
BT: Không thể nói doanh nghiệp nước ngoài được ưu đãi nhiều còn trong nước thì không mà phải nói là cả 2 bên đều có khó khăn và thuận lợi riêng. Nhưng phải nói công bằng là thời gian qua chúng ta trọng tâm và chú ý nhiều tới doanh nghiệp FDI vì họ có vai trò riêng trong khi chúng ta đang thiếu nguồn lực về vốn, kinh nghiệm, khoa học công nghệ. Tuy vậy, chúng ta phải thấy nếu không quan tâm đầy đủ đúng mức đến doanh nghiệp trong nước thì thu hút vốn nước ngoài có tốt bao nhiêu thì kinh tế Việt Nam sẽ không phát triển được mà bị lệ thuộc.
Do vậy, thời gian tới phải quan tâm đến doanh nghiệp trong nước, khối doanh nghiệp trong nước gồm 2 mảng. Thứ nhất là những doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) thì tập trung tái cấu trúc theo hướng thu hẹp hoạt động, cổ phần hóa mạnh mẽ. Nhưng điều cốt tử nhất với DNNN là phải nâng cao năng lực hoạt động. Thứ hai là quan tâm nhiều hơn đến khối doanh nghiệp dân doanh, bởi đây là lực lượng lớn nhất, đông đảo nhất. Thời gian qua chúng ta chưa quan tâm đầy đủ. Thời gian tới Chính phủ sẽ sửa Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư theo hướng ngành nghề nào Nhà nước ko cấm thì người dân và doanh nghiệp đều được tham gia.
Trước đó, chúng ta đã nói điều này, tuy vậy lần này phải biến điều này thành hiện thực. Trong Luật Doanh nghiệp giấy phép không phải đăng ký lĩnh vực đầu tư, trong Luật đầu tư không cần giấy cấp phép cho nhà đầu tư, nhiều giấy phép cũng được xóa bỏ. Chúng ta chỉ có trách nhiệm kiểm tra để người ta làm đúng luật. Một tư tưởng xuyên suốt là chúng ta sẽ sử dụng cơ chế thị trường để phân bổ nguồn lực để các thành phần kinh tế được tiếp cận với các nguồn lực ngang nhau, bởi hiện nay phân bổ nguồn lực chưa bình đẳng.
Nguồn Theo DVO