Một loạt đại gia di động đã phải bán mình
Thương hiệu Siemens biến mất
Chắc hẳn không nhiều người còn nhớ tới điện thoại mang thương hiệu Siemens. Đây cũng từng là một cái tên được nhắc tới nhiều trong làng di động trước năm 2000. Cho ra đời điện thoại đầu tiên vào năm 1985 và sản xuất điện thoại màn hình mầu đầu tiên trên thế giới vào năm 1997, nhưng đến năm 2005, công ty Đài Loan BenQ đã mua lại Siemens và thương hiệu BenQ-Siemens ra đời. Một năm sau, chi nhánh sản xuất điện thoại tại Đức đã phải phá sản do tình trạng thua lỗ quá nặng.
HP thâu tóm Palm
Một cái tên từng được nhắc tới nhiều trong lĩnh vực điện thoại di động phải kể tới là Palm – từng tạo ra thị trường thiết bị điện toán cầm tay đầu tiên với chiếc PDA Palm Pilot vào những năm 1990. Vào cuối năm 1999, Palm đã trở thành một biểu tượng chuẩn mực trên thị trường Mỹ. Trong những năm 2000, sự thành công của các sản phẩm thiết bị hỗ trợ cá nhân bắt đầu “lấn” sang di động.
Khoảng giữa năm 2002, hai nhà sáng lập Palm, Jeff Hawkins và Donna Dubinsky đã thiết lập giấy phép đăng ký cho hệ điều hành Palm OS tạo tiền đề cho việc sản xuất sản phẩm lai giữa di động và thiết bị hỗ trợ cá nhân (PDA) ,đầu tiên với thiết kế mở gập, màn hình màu. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của công ty bắt đầu lao dốc từ đó khi nhiều hãng di động nhảy vào tranh đua trên thị trường này.
Năm 2009, hãng cho ra đời hệ điều hành WebOS cùng chiếc điện thoại Palm Pre. Nền tảng này được đánh giá rất cao trên điện thoại di động, đặc biệt là những tính năng đa nhiệm và giao diện thân thiện với người dùng. Nhưng cuối cùng HP đã bỏ ra 1,2 tỷ USD để mua Palm với tham vọng chen chân vào thị trường điện thoại thông minh đầy hứa hẹn. Sau một thời gian phát triển, WebOS thất bại và LG đã mua lại chỉ để chạy trên …TV. Palm biến mất không để lại dấu vết.
Google mua lại Motorola
Bộ phận thiết bị điện thoại không dây của Motorola là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực điện thoại di động. Từng được biết tới với cái tên Bộ phận liên lạc cá nhân (PCS) trước năm 2004, hãng đã đi đầu với xu hướng “điện thoại nắp gập” với sản phẩm để đời MicroTAC cũng như “điện thoại vỏ sò” StarTAC vào giữa những năm 1990. Công ty đã có sự hồi sinh ngoạn mục vào giữa những năm 2000 với điện thoại nắp gập RAZR trong khi Nokia đang loay hoay với điện thoại dạng thanh. Tuy nhiên, công ty đã bị mất thị phần đáng kể trong nửa cuối thập kỷ đó. Cuối cùng, họ đã phải bán mình cho Google. Thương vụ này hoàn tất vào tháng 5/2012.
Đối với Google, đây là thương vụ chi bạo tay nhất của họ nhằm mua lại bộ phận di động của Motorola với giá lên đến 12,5 tỷ USD. Motorola hiện là 1 trong số 39 hãng sản xuất thiết bị Android trên thị trường, với việc mua lại bộ phận di động của Motorola, Google hy vọng sẽ giúp tăng cường nền tảng Android trong tương lai.
Bản thân Google từng giải thích quyết định mua lại Motorola Mobility chỉ là giải pháp mà hãng này muốn tăng cường sự phòng vệ cho hệ điều hành Android bằng chính kho bằng sáng chế khổng lồ mà Motorola Mobility đang nắm giữ.
Sự ghép đôi Sony - Ericsson tan rã
Năm 2001, thế giới chứng kiến cuộc “hôn phối” giữa Ericsson - một tên tuổi lớn trong làng điện thoại di động với Sony - số một thế giới về thiết bị điện tử. Tất nhiên, những đứa con Sony-Ericsson đã nổi như cồn sau đó với những mẫu điện thoại cơ bản T100, K700i. Nhưng khi smartphone ra đời, Sony-Ericsson đã hụt hơi, để Apple, LG, HTC, Samsung qua mặt. Cuối cùng, Sony đã mua lại toàn bộ 50% cổ phiếu còn lại tại Sony Ericsson với giá 1,5 tỷ USD khiến thương hiệu Sony Ericsson hoàn toàn biến mất. Toàn bộ điện thoại sau này được tạo ra chỉ mang tên Sony từ đầu năm 2012.
Microsoft “nuốt chửng” Nokia
Nokia vốn là một thương hiệu rất mạnh trên thị trường toàn cầu, công ty đã 14 năm nắm giữ ngôi “vương” trong thị trường điện thoại. Trước những năm 2000, gần như mọi người đều yêu thích điện thoại dạng thanh của Nokia. Nhưng đầu những năm 2000, khi Motorola tung ra thị trường điện thoại nắp gập Motorola Razr, việc lưỡng lự không chuyển sang dòng điện thoại nắp gập từ sớm đã khiến cho Nokia phải trả giá bằng toàn bộ thị trường Mỹ.
Hơn một thập kỷ sau đó, sự có mặt của Nokia tại thị trường này là hoàn toàn nhạt nhòa. Đặt biệt khi iPhone đầu tiên ra đời vào năm 2007, làm thay đổi quan niệm của mọi người về smartphone. Trong khi đó, Nokia vẫn mải mê trên đỉnh cao với thị phần bỏ xa đối thủ nên không nhận ra nguy cơ sắp đến.
Sai lầm hơn khi công ty từ bỏ Symbian để bắt tay với Microsft sử dụng Windows Phone như nền tảng chính cho sản phẩm của mình. Kết thúc của việc hợp tác này là Microsoft đã chi gần 7,2 tỷ USD để mua lại mảng kinh doanh thiết bị của Nokia.
Tiếp theo sẽ là… BlackBerry?
Tình hình kinh doanh của BlackBerry hiện cũng không mấy khả quan, công ty đã thua lỗ 4 trong 5 quý gần đây nhất, thị phần sụt giảm nghiêm trọng từ 50% xuống chỉ còn 3% ở thị trường chính yếu là Mỹ. Ngày 12/8/2013, BlackBerry tuyên bố, Hội đồng quản trị của hãng đã thành lập một ủy ban đặc biệt và thuê ngân hàng JP Morgan Chase xem xét các lựa chọn, bao gồm hợp tác chiến lược, liên doanh với công ty khác hoặc bán đứt công ty.
Liệu BlackBerry có là thương hiệu di động tiếp theo bị sụp đổ trong thời gian tới?
(Theo VnMedia)