Inquisitr

 
Thứ Năm | 31/08/2017 07:46

Một cuộc chiến tranh tiền tệ đã bắt đầu?

BOJ, Fed, ECB đều muốn thu hẹp chương trình kích thích, nhưng họ cũng không muốn làm đồng tiền của mình mạnh lên vì sẽ ảnh hưởng tới phục hồi kinh tế.

Trong những ngày cuối tuần vừa qua tại Jackson Hole, ngôn ngữ và động thái của các vị lãnh đạo ngân hàng trung ương (NHTW) hàng đầu thế giới cho thấy căng thẳng về tỷ giá hối đoái đang bắt đầu nóng lên.

Julia Coronado, chủ tịch và là người sáng lập của MacroPolicy Perspectives, cho biết: "Chúng ta có thể đang trở lại một cuộc chiến tranh tiền tệ”.

Coronado viện dẫn những tuyên bố từ thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda, lãnh đạo duy nhất của nhóm 3 ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới (Big 3) chịu nói chuyện với các phóng viên.

Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, ông Kuroda cho biết BOJ chưa dự tính thu hẹp lại các kế hoạch kích thích của mình.

Theo Coronado, ông Kuroda đã gửi đi một thông điệp rằng ông sẽ chào đón một đồng Yen yếu hơn.

Mặc dù đã từ chối nói về vấn đề này vào thời điểm diễn ra hội nghị Jackson Hole, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và BOJ thực tế đã cố gắng làm suy yếu đồng tiền của họ lúc mới nổ ra khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007. Việc áp dụng lãi suất thấp cùng với việc mua vào tài sản đã làm suy yếu các đồng tiền của họ.

Bây giờ, khi sức khỏe nền kinh tế toàn cầu đã được cải thiện, các NHTW đang cố đảo ngược và thu hẹp chương trình kích thích mà họ đã thực hiện trong thời gian khủng hoảng.

Một lần nữa, tỷ giá hối đoái lại là trung tâm của sự chú ý.

Các ngân hàng trung ương phải quan tâm đến tỷ giá vì nếu tiền tệ của họ mạnh lên, điều này có thể "làm yếu đi" đà phục hồi kinh tế của họ, Coronado cho biết.

Cuộc chiến tiền tệ này là điều nằm ngoài dự kiến. Quan điểm phổ biến là đồng USD sẽ mạnh lên bởi vì Fed là cơ quan đã đi tiên phong trong việc "bình thường hoá" chính sách tiền tệ bằng cách tăng tốc độ tăng lãi suất. Chủ tịch Fed Janet Yellen dự kiến ​​sẽ công bố quyết định thu hẹp bảng cân đối kế toán vào tháng tới.

Cả ECB và BOJ hy vọng rằng đồng USD sẽ mạnh lên trước sự hăm hở của Fed. Nhưng thực tế đồng USD đã yếu đi trong năm nay.

Hầu hết sức mạnh đã chuyển sang đồng Euro, khi mà tỷ giá EUR/USD đã tăng vượt mốc 1,20 lần đầu tiên kể từ cuối năm 2014.

"Đó không phải là những gì các nước khác mong đợi. Họ nghĩ rằng Fed sẽ giúp họ thoát ra khỏi kỉ nguyên nới lỏng tiền tệ", Coronado nói.

Coronado nói sự yếu đi của đồng USD không chỉ là vì chính sách tiền tệ. Các nhà đầu tư đang phản ứng trước năm đầu tiên đầy ghập ghềnh của chính quyền Donald Trump.

Bà nói: "Việc ông Trump chưa thể thực thi các chính sách tài khóa như đã hứa đã khiến các nhà đầu tư thể hiện sự thất vọng của mình vào đồng USD. Việc đồng USD suy yếu không chỉ là vì triển vọng các kế hoạch tài khóa mà còn thể hiện rằng nhà đầu tư đang cân nhắc lại về vai trò của Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu – nước Mỹ dưới thời Trump là một nguồn rủi ro", bà nói.

Chủ tịch ECB là ông Mario Draghi và chủ tịch Fed là bà Yellen, đã chọn cách im lặng về chính sách tiền tệ tại hội nghị Jackson Hole.

Steven Gallo, Giám đốc Chiến lược ngoại hối tại Châu Âu của BMO tại London, nói trong một email rằng ông Draghi đã tránh nói về chủ đề tỷ giá vì ông đánh giá rằng xu hướng tăng mạnh của đồng Euro hiện nay là không thể bị phá vỡ.

Vì vậy, chiến lược tốt nhất là "không nên thử thách đồng Euro", Gallo nói.

Đối với bà Yellen, đồng USD yếu dường như không được hoan nghênh vì nó làm cho điều kiện tài chính Mỹ trở nên nới lỏng hơn, trái với mục tiêu của quá trình thắt chặt của Fed.

Nhưng biên bản trong cuộc họp tháng 7 của Fed cho thấy các quan chức đã chia rẽ về các bước đi tiếp theo của chính sách tiền tệ.

Một số quan chức cho rằng Fed nên tăng lãi suất với tốc độ nhanh hơn. Nhưng những người khác cho rằng điều kiện tài chính nới lỏng hơn có thể là dấu hiệu  nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.

Bá Ước

Nguồn Market Watch