Ảnh: TL

 
Bảo Trung Thứ Sáu | 26/11/2021 22:47

Một Black Friday “đen tối”

Từ Mỹ đến Việt Nam, ngày “Thứ Sáu đen tối” năm nay đã thực sự đen tối với những nhà bán hàng.
 

Ở Mỹ, Black Friday là một trong những dịp mua sắm lớn nhất năm. Họ thường mua sắm để chuẩn bị cho dịp Giáng Sinh và năm mới. Thế nhưng năm nay, Black Friday có thể sẽ không sôi nổi, vì người mua lẫn người bán đều tranh thủ mua bán từ trước.

Nguyên nhân là vì chuỗi cung ứng thế giới gặp gián đoạn. Vấn đề đã khiến tình trạng thiếu hụt hàng hóa trở nên phổ biến hơn. Chẳng hạn, 90 triệu trong lô 200 triệu sản phẩm cho mùa lễ hội của Victoria’s Secret đã bị kẹt hàng. Hãng đồ chơi Basic Fun phải bỏ 160.000 xe tải Tonka ở lại Trung Quốc vì chi phí chuyển về quá đắt đỏ. Rất nhiều công ty khác cũng lâm vào tình trạng tương tự.

Khi nhà bán không có hàng, người tiêu dùng lập tức chịu ảnh hưởng. Nhiều người Mỹ đặt mua trang phục Halloween nhưng không đến kịp. Số liệu từ Adobe cho thấy có đến 2 tỷ tin nhắn báo hết hàng trong tháng 10.

Về phía nhà bán, họ đã tung ra các chương trình từ sớm để tránh tình trạng “nước đến chân mới nhảy”. Amazon, Target, Best Buy và Lowe đều triển khai các chiến dịch mua sắm từ tháng 10. Walmart trễ hơn một chút, đầu tháng 11. Còn Apple thì đăng thông báo trên website khuyến khích khách hàng mua sớm để có nhiều lựa chọn hơn.

Người bán bán sớm thì người mua cũng mua sắm sớm để không lâm vào cảnh không có gì cho Giáng Sinh và năm mới. McKinsey thống kê cho thấy có đến 45% người dân Mỹ bắt đầu mua sắm từ đầu tháng 10. Theo dữ liệu từ UPS, một nửa nhu cầu mua sắm cho mùa lễ hội đã “xong” vào ngày Thứ Hai sau Lễ Tạ Ơn. Hay nói cách khác, trước Black Friday, nhiều người đã mua sắm đủ.

 

Không chỉ “đủ”, mà theo nhiều chuyên gia, người tiêu dùng còn có hiện tượng trữ hàng, mua vượt mức cần thiết. Họ đặt đơn nhiều hơn, đề phòng trường hợp đơn này không đến thì còn có đơn khác. Điều này không hẳn là tín hiệu tốt cho các nhà bán, bởi người mua hoàn toàn có thể hoàn lại hàng nếu không còn nhu cầu.

Các nhà bán lẻ như Amazon, Best Buy và Macy cho phép người dùng kéo dài thời gian hoàn hàng thêm một tháng. Giờ đây họ còn có thêm chính trách cho phép trả hàng mua tháng 10 vào cuối hoặc giữa tháng 1 năm sau.

Những chính sách kiểu này sẽ gây nên làn sóng trả hàng ồ ạt. Đến nỗi ngày 2/1 hàng năm được gọi là “Ngày hoàn hàng quốc gia”. Theo thống kê, năm 2020 người tiêu dùng Mỹ đã hoàn đến 428 tỷ USD hàng hóa.

Những đơn trả hàng thông thường chỉ mất khoảng ba tuần để xử lý. Thế nhưng với làn sóng này, việc xử lý có thể sẽ kéo dài đến tháng 4 hoặc tháng 5. Khi đó các món hàng sẽ trở nên lỗi thời, vì toàn là hàng theo mùa. Mà đã lỗi thời thì không thể bán nữa, chỉ có thể thanh lý, tiêu hủy hoặc cho vào bãi rác.

Có thể nói các đơn vị bán hàng ở Mỹ không chỉ chịu một Black Friday ảm đạm, mà còn phải chuẩn bị tinh thần cho một đợt xử lý hàng hoàn trả khổng lồ vào đầu năm sau.

Ảnh: TL

Ở Việt Nam, vì dịch COVID, nhiều thương hiệu đã tổ chức Black Friday từ rất sớm (19/11) và kéo dài đến tận cuối tháng 11. Việc này giúp tạo điều kiện để người tiêu dùng có thêm thời gian mua sắm

Chẳng hạn, thương hiệu thời trang nữ Shein giảm đến 70%, miễn phí vận chuyển cho đơn từ 499.000đ. Thương hiệu thời trang Couple TX giảm 50%. Thương hiệu giày dép túi xách Juno cũng triển khai những chương trình giảm giá tương tự.

Không chỉ các thương hiệu thời trang, nhiều trung tâm thương mại, siêu thị cũng hưởng ứng Black Friday. Các chương trình đưa ra rất đa dạng, từ mua 1 tặng 1, tặng phiếu mua hàng cho đến bốc thăm trúng thưởng.

Chẳng hạn Takashimaya TP.HCM có chương trình giảm giá 50% cho một số gian hàng, hoặc SC VivoCity triển khai tặng phiếu mua hàng 50.000đ cho hóa đơn từ 200.000đ

 

Mặc dù khuyến mãi nhiều, thế nhưng khách hàng cũng không quá mặn mà với đợt sale lớn này. Tuy nhiên nếu phân tích kỹ, đây không phải là điều đáng ngạc nhiên.

Thứ nhất, Black Friday bắt nguồn từ Phương Tây, là dịp mua sắm cho kỳ nghỉ Giáng Sinh và năm mới. Còn người Việt không có khái niệm “nhất định phải mua” vào dịp này. Thay vào đó nhu cầu mua sắm của người Việt sẽ đạt đỉnh vào dịp gần Tết Nguyên Đán.

Thứ hai, người tiêu dùng đã trải qua rất nhiều đợt khuyến mãi ngay trước đó. Khi nới lỏng giãn cách, các thương hiệu, cửa hàng ăn uống, siêu thị... đã tung ra nhiều khuyến mãi để đẩy nhanh tiêu thụ hàng tồn kho và kích cầu kinh doanh. Không chỉ vậy, đợt sale 11.11 tại Việt Nam cũng rất lớn với sự quảng bá rầm rộ của các sàn thương mại điện tử. Do đó đa số khách hàng cần gì thì cũng đã mua vào những đợt khuyến mãi này.

 

Thứ ba, ngày nay người tiêu dùng đã “thông minh” và nâng cao yêu cầu rất nhiều. Họ hướng đến những sản phẩm chất lượng, cao cấp hơn. Vậy nên chỉ có giảm giá, khuyến mãi thì chưa chắc đã đủ thu hút.

Qua các đợt khảo sát thị trường, ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty Tân Quang Minh - Bidrico - cũng cho rằng: “Có sự thay đổi rõ rệt trong “văn hóa chi tiêu” khiến bức tranh thị trường tiêu dùng cuối năm ảm đạm. Người dân kén chọn hơn, tìm những sản phẩm có chất lượng, giá cả phù hợp hơn. Họ có xu hướng tiết kiệm và chi tiêu đúng mục đích.”

Ông Nguyễn Đặng Hiến khẳng định, đây là thời điểm phải giành nhau, tranh thủ từng cơ hội nhỏ nhất. Chính vì vậy, đơn vị nước giải khát này còn phải tung ra gói giảm giá tới 25% chưa từng có nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Thứ tư, một số nhà bán lẻ tại TP.HCM cho hay sau dịch, nhiều khách hàng xác định tâm lý sống chung với dịch nên thắt chặt chi tiêu. Do đó một số bộ phận không dám mua sắm quá nhiều vào các dịp khuyến mãi này.

Với những nguyên nhân này, mùa Black Friday tại Việt Nam năm nay cũng ảm đạm chẳng kém Mỹ.

Theo các nhà bán lẻ, để những đợt sale lớn như vậy thu hút sự quan tâm của nhiều người, thì cần có sự phối hợp chặt chẽ từ việc sản xuất cho đến việc đưa sản phẩm ra thị trường và cả quá trình giao hàng. Bởi lẽ người tiêu dùng hiện nay không chỉ quan tâm giá cả, mà họ còn rất để tâm đến chất lượng sản phẩm và chất lượng dịch vụ vận chuyển.