Morthercare phân chia lại thị trường mẹ và bé?
Mothercare, nhà bán lẻ của Anh trong ngành hàng mẹ và bé bắt đầu cuộc chinh phục thị trường Việt Nam bằng cửa hàng đầu tiên được mở trong tháng 4.
Cửa hàng này của Mothercare dự kiến đặt tại Crescent Mall. Theo thông tin từ Mothercare, trên diện tích 286m2, đây sẽ là nơi hội tụ đầy đủ các dòng sản phẩm tiêu chuẩn Anh dành cho mẹ trong suốt thai kỳ lẫn giai đoạn ở cử và bé sơ sinh đến 5 tuổi. Mothercare đã đặt chân vào Việt Nam vì nhận ra cơ hội hấp dẫn từ thị trường Việt Nam. Theo Cục Dân số, năm 2016, Việt Nam có khoảng 7,5 triệu trẻ em ở độ tuổi 0-4 tuổi và hơn 10 triệu phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ.
Việt Nam còn là quốc gia đạt tỉ lệ hộ gia đình có trẻ em cao nhất Đông Nam Á, với 12% hộ gia đình có con dưới 1 tuổi và 20% hộ gia đình có con từ 1-2 tuổi. Với đặc điểm này, Việt Nam hiện là thị trường đầy tiềm năng cho các công ty cung cấp dịch vụ, sản phẩm liên quan đến bà mẹ, trẻ em. Doanh thu của thị trường sản phẩm và dịch vụ dành cho trẻ em tại Việt Nam từng được dự báo có thể đạt quy mô 5 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng lên tới 30-40%.
Đây có lẽ là lý do để vài năm gần đây, ngành hàng mẹ và bé trở nên sôi động, thu hút sự chú ý của doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư. Đặc biệt, xu hướng của người tiêu dùng đã dịch chuyển từ mô hình truyền thống, mô hình siêu thị sang chuỗi bán hàng sản phẩm dành riêng cho mẹ và bé một cách rõ rệt. Điển hình là sự tấn công và vươn lên mạnh mẽ của hàng loạt tên tuổi như Bibo Mart, Kids Plaza, Con Cưng, Shoptretho, TutiCare... Trong đó Con Cưng đang dẫn đầu về độ phủ, với 286 siêu thị, Bibo Mart với 139 cửa hàng, Kids Plaza với 68 cửa hàng, Shoptretho với 37 cửa hàng, TutiCare với 28 cửa hàng...
Cùng với sự hiện diện của những tên tuổi trong nước, các hãng nước ngoài cũng tìm cách thâm nhập thị trường Việt Nam. Thương hiệu Soc&Brothers của Nhật, kể từ khi thành lập năm 2007 tại Việt Nam đến nay, đã thiết lập được 7 cửa hàng. Về phần Mothercare, tuy mới xuất hiện nhưng với tiềm lực lớn, đây sẽ là đối thủ đáng gờm cho các công ty Việt Nam. Bởi Mothercare là tập đoàn bán lẻ hàng mẹ và bé nổi tiếng thế giới, có lịch sử hoạt động hơn nửa thế kỷ, đã xây dựng được 1.300 cửa hàng tại 61 quốc gia khắp châu Âu, Trung Đông và Châu Mỹ Latinh. Riêng tại châu Á, Mothercare đã mở 237 cửa hàng tại Trung Quốc đại lục, Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia... Bất kỳ món đồ nào mà mẹ bỉm sữa và các em bé cần đều được tìm thấy tại đây. Phía Mothercare hy vọng sẽ gặt hái thành công ở Việt Nam như đã từng thành công ở các thị trường khác.
Theo Nielsen, với tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng mạnh tại Việt Nam, nhu cầu của các bậc cha mẹ đối với những sản phẩm dành cho con sẽ ngày càng cao về cả số lượng và chất lượng. Tại các thị trường phát triển, nơi mà tỉ lệ sinh thấp và các loại sản phẩm chăm sóc em bé đang bão hòa, tăng trưởng sẽ được thúc đẩy bởi sự đổi mới và cao cấp hóa sản phẩm, trong khi ở các thị trường đang phát triển, nhu cầu gia tăng sẽ là động lực tăng trưởng lớn nhất.
Trên thực tế, miếng bánh ngành hàng mẹ và bé ở Việt Nam tuy ngon nhưng có rất nhiều rào cản. Bằng chứng là nhiều tên tuổi, từng tạo được tiếng tăm trong ngành này đã lặng lẽ rút lui khỏi thị trường. Đó là Kids World, Deca, Beyeu, Babysol… Sự ra đi của các thương hiệu đình đám một thời cho thấy, đây là một ngành cạnh tranh gay gắt và đòi hỏi độ nhạy cảm cao. Con Cưng, do sinh sau đẻ muộn so với Bibo Mart, Kids Plaza, đã tìm hướng đi khác và đã vượt lên 2 tên tuổi này. Đó là nhờ Con Cưng đã hướng ưu tiên vào thị trường TP.HCM và miền Nam. Bibo Mart tuy có tìm cách mở rộng cửa hàng vào TP.HCM nhưng hiện số lượng cửa hàng ở khu vực này của Bibo Mart chỉ bằng một nửa của Con Cưng. Hệ thống Con Cưng cũng đã chiếm lĩnh các thị trường Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Vũng Tàu, An Giang, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đồng Tháp...
Bibo Mart cũng theo đuổi chiến lược mở rộng về quy mô. Tốc độ tăng quy mô cửa hàng dự kiến sẽ còn đẩy mạnh để đến cuối năm 2019, chuỗi này có thể đạt tới 500 cửa hàng. Kinh nghiệm từ bà Trịnh Lan Phương, CEO của Bibo Mart, cho hay, doanh nghiệp trong ngành này phải chịu đi và chịu chi. Ở Bibo Mart là mạnh tay chi tiền để chiêu mộ nhân sự ở các tập đoàn lớn nước ngoài và đầu tư hàng triệu USD cho công nghệ, triển khai hệ thống ERP, kho hàng, mảng trực tuyến, CRM. Kids Plaza chinh phục thị trường bằng các dịch vụ chăm sóc khách hàng như đưa đầu số hotline miễn phí đi vào hoạt động, giao hàng thần tốc trong vòng 2 giờ đồng hồ, cho phép đổi trả hàng trong vòng 45 ngày, hoàn tiền ngay trong 5 phút...
Cả Kids Plaza, Bibo Mart, Con Cưng đều chú ý đến những trải nghiệm, tạo giá trị cộng thêm như mở các lớp tiền/hậu sản miễn phí, lớp ăn dặm... cho khách hàng. Các hoạt động đầu tư này đều đòi hỏi vốn lớn và đó là lý do Con Cưng cũng đã nhận thêm vốn và hỗ trợ từ Quỹ Đầu tư tăng trưởng Việt Nam Daiwa-SSIAM II. Tương tự, năm ngoái, Bibo Mart cũng bắt tay với ACA Investments (thuộc tập đoàn Nhật Sumitomo) để nhận từ quỹ đầu tư này những hợp tác hỗ trợ về tài chính, nhân lực. Tháng 2 năm nay, Kids Plaza đã nhận vốn rót từ Vietnam Investments Group.
Nhưng nguồn vốn này, so với nguồn lực tài chính của các tập đoàn bán lẻ ngoại vẫn rất khiêm tốn. Ngoài ra, như Mothercare còn tự thiết kế, sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn ở Anh. Vì thế, trong cuộc đua chinh phục khách hàng thuộc tầng lớp trung lưu và chuộng hàng ngoại, Mothercare và các hãng bán lẻ nước ngoài sẽ có lợi thế hơn.