Moody's và MSCI: Hệ thống tài chính Trung Quốc còn nhiều lỗ hổng
Dù các lãnh đạo Trung Quốc đã nhiều lần khẳng định sự cần thiết phải kiềm chế đòn bẩy và mở cửa thị trường cho các nhà đầu tư quốc tế, nhưng theo các báo cáo hôm thứ Tư từ Moody's và MSCI thì có vẻ khoảng cách từ lời nói tới hiện thực vẫn còn xa vời.
Moody's Investors Service bất ngờ hạ bậc xếp hạng tín dụng của trái phiếu chính phủ Trung Quốc, cho thấy mối lo ngại về việc tín dụng tiếp tục tăng trưởng quá nóng tại nước này.
Trước đó cùng ngày, MSCI cho biết Trung Quốc vẫn còn nhiều việc phải làm để đưa các cổ phiếu tại Đại lục lên chuẩn thị trường mới nổi. Với thời hạn 20/6 sắp tới để quyết định xem có nên đưa các cổ phiếu Trung Quốc vào các chỉ số MSCI hay không, "vẫn còn rất nhiều vấn đề để giải quyết", CEO Henry Fernandez của MSCI cho biết. Trước đây, MSCI đã từng 3 lần từ chối làm việc này.
Điều cả hai tổ chức này nhấn mạnh là: các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang cố kiểm soát quá mức thị trường tài chính nước này. Rất ít nhà phân tích kì vọng những cải cách lớn sẽ được thực hiện trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 vào cuối năm nay. Dù các quan chức Trung Quốc đã tuyên bố cần kiềm chế tín dụng, việc đảm bảo nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5 % vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Moody's nhấn mạnh rằng việc giới lãnh đạo Trung Quốc cố theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế, có nghĩa là tỷ lệ đòn bẩy cao sẽ tiếp tục được duy trì. MSCI thì lo ngại chính phủ Trung Quốc sẽ hạn chế các sản phẩm tài chính quốc tế có bao gồm các cổ phiếu của nước này.
Ông Luc Froehlich, một lãnh đạo của Fidelity International, cho biết: "Việc hạ bậc tín dụng kỳ này là dấu hiệu mới về những thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt.”
Trong khi Trung Quốc ít có khả năng phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính toàn diện với tốc độ tăng trưởng vẫn ở mức vững chắc, nước này vẫn còn lâu mới giành được một vị thế trên thị trường tài chính toàn cầu cho tương xứng với vị thế nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.
Nhưng các chính sách hiện nay cũng có điểm lợi: Trung Quốc vẫn kiểm soát chặt dòng vốn và duy trì nhiều rào cản thị trường, điều này đồng nghĩa với việc không phải lo ngại về sự lệ thuộc vào các dòng vốn nước ngoài, không giống các trường hợp như Brazil. Những biến động chính trị gần đây ở nền kinh tế lớn nhất châu Mỹ Latinh đã khiến dòng vốn ròng tháo chạy khỏi các quỹ đầu tư của Brazil suốt 6 tuần liền.
Khối lượng giao dịch trái phiếu tại Trung Quốc (màu xanh) và Mỹ (màu vàng). Ảnh Bloomberg |
Moody's cho biết một lý do tại sao họ dự đoán tỷ lệ đòn bẩy sẽ tiếp tục leo thang là vì "hoạt động kinh tế Trung Quốc chủ yếu được tài trợ bằng nợ vay, trong khi không có một thị trường vốn chủ sở hữu lớn, cũng như thiếu thặng dư đủ lớn trong khu vực doanh nghiệp lẫn chính phủ". Tổng dư nợ tín dụng của Trung Quốc hiện bằng 258% GDP, theo ước tính mới nhất của Bloomberg.
Nhà quản lý Marie Diron của Moody's nói với Bloomberg Television rằng: "Sự kết hợp giữa tăng trưởng chậm lại và nợ nần cao hơn tạo ra một số nghĩa vụ nợ tiềm ẩn cho chính phủ Trung Quốc”.
Mục tiêu hiện nay của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là nâng cao uy tín quốc tế của Trung Quốc, đặt nước này ở vị trí dẫn đầu trào lưu toàn cầu hoá, cũng như là nguồn cung cấp tài chính cho các dự án phát triển dọc theo Con đường Tơ lụa. Trung Quốc cũng muốn thúc đẩy việc sử dụng đồng Nhân dân tệ làm ngoại tệ dự trữ, và do đó chính phủ nước này đã tăng cường mở cửa thị trường trái phiếu đối với giới đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, tỷ lệ phần trăm của các khoản thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ (NDT) trên toàn cầu thông qua hệ thống SWIFT đã giảm xuống 1,8% vào ngày 31/3/2017, từ mức đỉnh 2,8% vào tháng 8/2015. Một thước đo khác là dự trữ bằng NDT của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu chỉ đứng ở mức 1,1% vào cuối năm 2016. Việc MSCI từ chối đưa các cổ phiếu Trung Quốc vào nhóm hạng A trong năm nay sẽ là một lời nhắc nhở rằng tham vọng của Trung Quốc vẫn còn lâu mới thành hiện thực.
Việc Moody's hạ bậc trái phiếu đến đúng vào lúc mà Trung Quốc đang muốn mở cửa thị trường trái phiếu cho các nhà đầu tư nước ngoài, bằng cách tạo điều kiện dễ dàng hơn để đầu tư vào thị trường nội địa thông qua Hồng Kông. Theo nhà kinh tế học Tom Orlik của Bloomberg, điều này có thể làm cho việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là với tốc độ cải cách cơ cấu chậm tại Trung Quốc.
Orlik nói: "Các bước tiến vẫn còn khá chông chênh và trong một số khía cạnh, họ đang đi sai hướng. Các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả đang ngày càng chiếm tỷ trọng lớn hơn trong GDP. Tỷ lệ đòn bẩy trên toàn nền kinh tế tiếp tục tăng, với mức tăng trưởng tín dụng vượt xa tăng trưởng GDP. "
Dù sao cũng có một điều tốt là Trung Quốc không phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn nước ngoài: nợ nước ngoài chỉ chiếm khoảng 12% GDP nước này, theo tính toán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Theo Investec Asset Management, tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài sở hữu trái phiếu Trung Quốc là khá thấp ở mức 3%, so với mức trung bình có thể lên tới 30% tại các thị trường mới nổi khác.
Tuy nhiên, việc Moody's hạ bậc tín dụng Trung Quốc cho thấy nước này cần thực hiện cải cách mạnh mẹ để tạo một nền tảng vững chắc hơn cho nền kinh tế. Trong khi chính phủ Trung Quốc đã hứa sẽ kiềm chế những rủi ro về tài chính, tín dụng giá rẻ vẫn tiếp được bơm tràn lan vào nền kinh tế. Nhiều công ty phát triển bất động sản tại Trung Quốc cũng đã hối hả phát hành trái phiếu bằng đồng USD trong thời gian gần đây.
Lượng trái phiếu phát hành bằng đồng USD của các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc đã tăng mạnh trong quý 1/2017. Ảnh Bloomberg |
Hao Hong, chiến lược gia trưởng tại Bocom International Holdings, bình luận rằng đối với các nhà đầu tư nước ngoài, việc chính phủ Trung Quốc cố gắng cân bằng giữa thực hiện cải cách và đảm bảo đạt được các mục tiêu tăng trưởng là một yếu tố tạo ra nhiều sự bất định.
Ông Hong nói: "Thị trường nội địa Trung Quốc hoạt động khác với thị trường toàn cầu mà các nhà đầu tư nước ngoài đã quen".
Bá Ước
Nguồn Bloomberg