Thứ Năm | 11/12/2014 10:32

Moody's nâng triển vọng ngân hàng Việt Nam từ “tiêu cực” lên “ổn định”

Xếp hạng phản ánh môi trường hoạt động và tình hình kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định cũng như sức ép thanh khoản thấp hơn trong hệ thống.

Cơ quan xếp hạng Moody's vừa công bố báo về xếp hạng của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Theo đó, triển vọng xếp hạng của hệ thống ngân hàng Việt Nam được nâng từ tiêu cực lên ổn định.

Xếp hạng phản ánh tính ổn định môi trường hoạt động của ngân hàng cũng như tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam ngày càng tăng, trong khi đó sức ép thanh khoản đối với hệ thống ngân hàng ngày càng giảm.

“Sự cải thiện trong ổn định kinh tế vĩ mô đã giúp củng cố tính thanh khoản của hệ thống. Gần đây, tình hình tăng trưởng tiền gửi cũng được cải thiện nhờ chính sách của Chính phủ nhằm giảm tiền gửi bằng ngoại tệ và vàng. Ngoài ra, các ngân hàng cũng giảm dần phụ thuộc vào nguồn vốn liên ngân hàng vốn làm tăng rủi ro thanh khoản hệ thống bởi lãi suất liên ngân hàng cao đồng nghĩa với việc tình trạng đóng băng thanh khoản của một ngân hàng có thể nhanh chóng lan sang các ngân hàng khác”.

Báo cáo của Moody’s đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam dựa trên 5 yếu tố gồm: Môi trường hoạt động (ổn định), nguồn vốn và thanh khoản (đang cải thiện), chất lượng tài sản và vốn (giảm), khả năng sinh lời và hiệu quả (giảm), mức độ hỗ trợ đối với hệ thống (ổn định).

Báo cáo của Moody’s chỉ ra, môi trường hoạt động của ngân hàng Việt Nam bắt đầu ổn định sau một vài năm tín dụng tăng trưởng quá nhanh. Lạm phát và lãi suất giảm đáng kể so với 2 năm trước, trong khi sức ép tỷ giá giảm.

Ngoài ra, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng, cán cân tài khoản vãng lai chuyển từ thâm hụt sang thặng dư và việc hướng ưu tiên chính sách từ tập trung tăng trưởng sang ổn định kinh tế đã đóng góp đáng kể vào cải thiện môi trường hoạt động của ngân hàng.

Báo cáo cũng chỉ ra, mặc dù lãi suất giảm nhưng tăng trưởng tín dụng cũng chậm lại do tăng  trưởng xuất khẩu chưa bù đắp lại mức suy giảm trong nhập khẩu. Nhờ đó, thanh khoản trong hệ thống ngân hàng được cải thiện, tăng trưởng tiền gửi vượt tăng trưởng huy động.

Mặc dù những tiêu chuẩn quản lý trong hệ thống ngân hàng đã có sự cải thiện thời gian gần đây góp phần tăng triển vọng phục hồi khả năng thanh toán của các ngân hàng, nhưng phần lớn các khoản nợ xấu còn lại cho thấy quá trình phục hồi sẽ chỉ diễn ra từ từ.

Theo Moody’s, các khoản dự phòng nợ xấu và nguồn vốn dường như chưa đủ để đối phó với rủi ro thua lỗ do các khoản nợ xấu. Hơn nữa các lựa chọn huy động vốn vẫn còn hạn chế do năng lực huy động vốn nội bộ của ngân hàng còn yếu, ngân sách chính phủ hạn hẹp và những hạn chế về room khối ngoại tại các ngân hàng.

Về khả năng sinh lợi nhuận, Moody’s cho rằng, khả năng sinh lời của các ngân hàng Việt Nam tiếp tục chịu sức ép do nhu cầu đối với các khoản vay mới còn thấp và tỷ lệ lãi cận biên trung bình giảm. Khả năng này sẽ được cải thiện nếu giá bất động sản và/hoặc phân khúc bán lẻ thúc đẩy nhu cầu đối với các khoản vay mới. Cho vay bán lẻ cũng tạo cơ hội cho hệ thống ngân hàng tuy nhiên nhu cầu tiêu thụ nội địa vẫn hạn chế đà tăng trưởng của ngành bán lẻ.

Moody's cũng xếp hạng đối với 9 ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam chiếm khoảng 40% tài sản của toàn hệ thống tính đến 30/6/2014. Tín dụng cơ bản trung bình của các ngân hàng này được xếp hạng ở mức caa1, trong khi sức mạnh tài chính độc lập trung bình ở mức E.

Xếp hạng tiền gửi bằng nội tệ của Việt Nam được đánh giá ở mức B2.

Nguồn DVO/Moody's