Moody's nâng hạng 8 ngân hàng Việt Nam
Đồng thời, Moody’s đã thay đổi triển vọng của tín dụng với đồng nội tệ và trái phiếu phát hành bằng đồng nội và ngoại tệ của các tổ chức tài chính này từ “tích cực” sang “ổn định”.
Động thái này diễn ra sau khi Moody’s công bố thay đổi xếp hạng lên B1 đối với trái phiếu chính phủ do Việt Nam phát hành, đồng thời đánh giá lại triển vọng kinh tế từ “tích cực” sang “ổn định” vào ngày 28/4/2017.
Các nhà băng được đánh giá lại bao gồm: Vietcombank, Vietinbank, BIDV, ABBank, ACB, MBBank, VIB và Techcombank.
Xếp hạng tín dụng cơ sở (baseline credit assetment – BSA) của 8 ngân hàng không được xét đến trong lần xem xét lại này của Moody’s.
Bên cạnh đó, xếp hạng tín nhiệm của 7 ngân hàng khác tại Việt Nam không có sự thay đổi khi Moody’s đánh giá lại thứ bậc xếp hạng và triển vọng kinh tế Việt Nam. 7 ngân hàng đó bao gồm: HDBank (B2 - ổn định); SHB (B2 - ổn định); Sacombank (B3 – tiêu cực); TPBank (B2 - ổn định); Maritime Bank (B3 – tích cực); VPBank (B3 - ổn định); OCB (B2 - ổn định).
Theo công bố của Moody’s, lý do căn bản để đánh giá lại xếp hạng tín dụng của 8 ngân hàng Việt Nam là sự thay đổi về xếp hạng trái phiếu chính phủ do Việt Nam phát hạng và triển vọng kinh tế từ “tích cực” sang “ổn định” đã được Công ty thực hiện ngày 28/4 vừa qua.
Trong đó, xếp hạng của trái phiếu do Việt Nam phát hành được nâng lên B1 là nguyên nhân chính khiến Moody’s đánh giá lại thứ bậc tín dụng và trái phiếu do các ngân hàng kể trên phát hành, bởi mức độ mạnh hơn của tín dụng quốc gia ảnh hưởng tích cực tới việc cung cấp các biện pháp hỗ trợ nhà băng trong thời gian chịu nhiều áp lực.
Cùng với đó, việc Moody’s đánh giá triển vọng từ “tích cực” sang “ổn định” là tín hiệu cho thấy Chính phủ Việt Nam có khả năng cao hơn trong việc cung cấp các hỗ trợ cho nhà băng.
Nguồn Tin nhanh chứng khoán