Moody's lần đầu đưa ra đánh giá về Ngân hàng Bưu điện Liên Việt
Moody's vừa đưa ra báo cáo đánh giá và xếp hạng tín dụng lần đầu tiên dành cho LPB.
Xếp hạng cụ thể như sau:
1. Xếp hạng tiền gửi dài hạn bằng đồng Việt Nam ở mức B2; triển vọng tích cực;
2. Xếp hạng tiền gửi ngoại tệ dài hạn ở mức B2; triển vọng ổn định;
3. Xếp hạng nhà phát hành nợ dài hạn bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ ở mức B2; triển vọng tích cực;
4. Xếp hạng tiền gửi, và nhà phát hành nợ ngắn hạn bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ không ở mức đánh giá tốt nhất (Not Prime);
5. Xếp hạng tín dụng cơ sở (BCA) và BCA điều chỉnh ở mức b2;
6. Xếp hạng rủi ro đối tác ở mức B1 (cr) / NP (cr).
Moody’s cho biết đánh giá triển vọng tiền gửi bằng đồng Việt Nam và nhà phát hành nợ bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ là tích cực, phù hợp với triển vọng tích cực đối với xếp hạng nhà phát hành nợ dành cho Chính phủ Việt Nam. Triển vọng về xếp hạng tiền gửi ngoại tệ của ngân hàng là ổn định. Triển vọng chung của LPB là ổn định.
Cơ sở của việc đánh giá xếp hạng
Moody’s đánh giá tín dụng cơ sở của LPB ở mức b2, và một phần nhờ triển vọng tích cực của trái phiếu Chính phủ Việt Nam (xếp hạng B1).
Việc Moody’s đánh giá tín dụng cơ sở của LPB ở mức b2 phản ánh những cải thiện về chất lượng tài sản và chỉ số sinh lời của ngân hàng. Tuy nhiên, Moody's lưu ý rằng vốn hóa của LPB sẽ suy yếu theo thời gian do ngân hàng này theo đuổi chính sách tăng trưởng tín dụng nhanh cũng như đánh giá cơ cấu tài sản nợ có ở mức vừa phải.
Các chỉ số đánh giá chất lượng tài sản của LPB đã được cải thiện vào năm 2016 và đã ổn định kể từ đó. Nợ có vấn đề được điều chỉnh vào thời điểm cuối năm 2016 là 4,2% giảm từ mức 6,5% vào cuối năm 2015. Đến cuối tháng 6 năm 2017, con số này là 4,4%. Theo định nghĩa của Moody’s, nợ có vấn đề điều chỉnh bao gồm nợ cần chú ý, nợ xấu, và các khoản nợ xấu đã được bán cho Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC).
Moody’s nhận định chất lượng tài sản của LPB năm 2016 được cải thiện chủ yếu nhờ tiền thu hồi từ trái phiếu VAMC. Tuy nhiên, Moody's nhận định rằng rủi ro tài sản của LPB vẫn ở mức cao trong 12 đến 18 tháng tới, do tín dụng tăng trưởng 42% vào năm 2016 và 36% vào năm 2015, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của ngành ngân hàng Việt Nam. Tổng dư nợ cho vay tăng 16% trong nửa đầu năm 2017.
Danh mục cho vay của ngân hàng tập trung vào doanh nghiệp và bán lẻ, chiếm 54% và 32% tổng dư nợ cho vay vào cuối tháng 6 năm 2017. Moody’s lưu ý cho vay doanh nghiệp của ngân hàng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực xây dựng và bất động sản, mặc dù LPB đang chuyển hướng sang ngành bán lẻ.
Moody’s cũng đề cập đến những thay đổi gần đây của LPB lien quan đến lãnh đạo và cổ phần của ngân hàng. Tháng 6 năm 2017, Tập đoàn Him Lam đã thoái 15% cổ phần tại ngân hàng. Điều này là phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm chấm dứt tình trạng sở hữu chéo giữa các ngân hàng. Ông Dương Công Minh, cựu Chủ tịch của Ngân hàng, đã từ chức và chuyển sang làm chủ tịch của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (xếp hạng tín dụng Caa1-, Caa2).
Giống như các ngân hàng khác ở Việt Nam, tăng trưởng tín dụng nhanh của LPB cũng tạo ra áp lực tiêu cực lên các tỷ lệ vốn của ngân hàng. Vào cuối tháng 6 năm 2017, tỷ lệ vốn lõi của ngân hàng (TCE) trên Tổng tài sản đã điều chỉnh rủi ro (RWA) giảm xuống còn 6,4% từ mức 7,7% vào cuối năm 2016. Moody’s giải thích rằng tổ chức này giả định hệ số rủi ro 100% cho các chứng khoán do Chính phủ phát hành, phù hợp với tiêu chuẩn toàn cầu của tổ chức.
Đánh giá về cơ cấu tài sản nợ có
Moody’s đánh giá cơ cấu tài sản nợ - có của LPB là vừa phải. Các khoản cho vay dài hạn (tài sản có) của ngân hàng chủ yếu là vào lĩnh vực xây dựng và bất động sản. Trong khi đó, vốn huy động (tài sản nợ) của ngân hàng chủ yếu dựa vào tiền gửi ngắn hạn. Điều này làm suy yếu cơ cấu quản lý tài sản nợ có của LPB. Vào cuối tháng 6 năm 2017, huy động bởi tiền gửi từ khách hàng chiếm 76% tổng tài sản của ngân hàng, tuy nhiên, phần lớn lượng tiền huy động trên là từ các khách hàng doanh nghiệp, vốn thường có nhu cầu rút tiền cao hơn khách hàng cá nhân. Moody’s kì vọng rằng cơ cấu vốn của LPB sẽ cải thiên hơn khi ngân hàng thu hút được nhiều khoản tiền gửi tiết kiệm dài hạn hơn với chi phí thấp, nhờ vào mạng lưới bưu điện rộng lớn ở Việt Nam.
Tình hình thanh khoản chung của ngân hàng là rất tích cực, khi tài sản có tín thanh khoản cao chiếm 39% tổng tài sản hữu hình của ngân hàng vào cuối năm 2016. Tuy nhiên, 18% tài sản có tính thanh khoản cao như vậy đang được cầm cố cho các khoản vay khác. Moody’s nhận định rằng điều này có thể làm suy yếu tính thoanh khoản chung của ngân hàng. Moody's hy vọng rằng tỷ lệ tài sản có tính thanh khoản cao của ngân hàng sẽ suy giảm theo thời gian khi ngân hàng tăng cho vay.
Về hỗ trợ của Chính phủ đối với LPB, Moody's áp dụng giả định hỗ trợ vừa phải tương tự như đối với các ngân hàng tư nhân khác ở Việt Nam. Theo Moody’s, giả định như vậy chủ yếu là do LPB chỉ chiếm khoảng 1,9% tài sản hệ thống ngân hàng vào cuối năm 2016.
Việc tăng hạng hay hạ bậc trong tương lai
Moody’s cũng cho biết tổ chức này sẽ xem xét nâng xếp hạng tín dụng cơ sơ của ngân hàng và các xếp hạng dài hạn nếu tỷ lệ nợ xấu được điều chỉnh giảm xuống dưới 4%, và tỷ lệ TCE vượt quá 10%. Việc giảm cho vay bất động sản và xây dựng cũng sẽ có lợi cho việc nâng hạng tín dụng cơ sở.
Mặt khác, xếp hạng dài hạn của LPB có thể bị hạ bậc nếu tỷ lệ nợ có vấn đề - theo điều chỉnh của Moody's – tăng lên trên mức 7% tổng dư nợ, hoặc nếu tỷ suất lợi nhuận trên tài sản hữu hình giảm xuống dưới 0,7%. Việc xếp hạng cũng có thể bị điều chỉnh nếu Moody’s đánh giá rằng có sự suy yếu đáng kể trong cơ cấu tài sản nợ có của ngân hàng.