Moody's: Các ngân hàng Việt Nam đang cạn dần vốn cấp 1
Theo hãng đánh giá tín dụng Moody's cho biết, các ngân hàng của Việt Nam (vốn được xếp hạng tín dụng B1+) sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu vốn trong 12-18 tháng tới, và tình hình này vẫn tiếp tục là một gánh nặng chính đối với ngành.
Phân tích này của Moody's được đưa ra trong một báo cáo vừa công bố với tựa đề "Các ngân hàng - Việt Nam: Thiếu vốn vẫn là gánh nặng", do Daphne Cheng là tác giả.
Cheng, một nhà phân tích của Moody’s, cho biết: "Tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh của các ngân hàng sẽ khiến chúng càng thêm thiếu vốn, theo kịch bản cơ bản của chúng tôi rằng sẽ có tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở Việt Nam trong 12-18 tháng tới”.
Moody's dự phóng tăng trưởng GDP thực của Việt Nam sẽ đạt mức trung bình là 6,4% vào năm 2017 và 2018, tăng từ mức 6,2% vào năm 2016. Mức tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt 26% trong năm 2017 và 2018, tương ứng với tăng trưởng năm 2016.
Moody's cũng ước tính vào cuối năm 2016, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã thiếu hụt vốn khoảng 9,5 tỷ USD, tương đương 4,6% GDP. Moody's định nghĩa sự thiếu hụt vốn là lượng vốn bên ngoài mà các ngân hàng cần có để đẩy tỷ lệ vốn cấp 1 lên 8%, sau khi đã sử dụng các khoản dự phòng tài chính để bù đắp các khoản lỗ dự kiến cho các khoản nợ xấu, và trích lập dự phòng cho trái phiếu VAMC (tỷ lệ trích lập khoảng 20%) sau khi hoán đổi nợ xấu. Ước tính này dựa trên việc phân tích của các ngân hàng Việt Nam được Moody xếp hạng, chiếm 53% tổng tài sản toàn hệ thống ngân hàng vào cuối năm 2016.
Kịch bản cơ bản của Moody's về tình hình vốn của các ngân hàng Việt Nam kết luận rằng hệ thống sẽ thiếu hụt vốn từ 5,1 đến 6,1 tỷ USD vào cuối năm 2017, chiếm 2,5-3% GDP. Phân tích của Moody's dựa trên các giả định rằng: 1) tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng vẫn sẽ ổn định; 2) sẽ không có sự gia tăng trong giao dịch bán nợ cho VAMC; 3) thu nhập cốt lõi của các ngân hàng vẫn sẽ ổn định; 4) ngân hàng sẽ phân bổ chứng khoán VAMC hiện tại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong 5 năm hay 10 năm (giá trị trái phiếu sẽ về 0 khi đáo hạn), chứ không phải là không ghi nhận giá trị trái phiếu này trên bảng cân đối kế toán này khi bán nợ cho VAMC.
Trong trường hợp đó, nếu không được tiếp vốn bên ngoài, tỷ lệ vốn cấp 1 của các ngân hàng Việt Nam sẽ giảm xuống khoảng 6,1% trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31 tháng 12 năm 2017, từ mức bình quân 7,8 % trong năm tài chính 2016.
Các kết luận về tình trạng thiếu hụt vốn của các ngân hàng Việt Nam cho thấy chiến lược của chính phủ, vốn dựa vào lợi nhuận của ngân hàng để thu hẹp sự thiếu hụt vốn, có thể bị ảnh hưởng bởi những hạn chế về chu kỳ và cơ cấu. Trong đó, yếu tố chu kì là do tăng trưởng tín dụng cao và đang hồi phục, và yếu tố cơ cấu là do tình trạng thâm hụt ngân sách của chính phủ.
Cheng cho biết thêm: "Khả năng phát triển vốn của các ngân hàng là khá yếu do tỷ lệ lãi biên khiêm tốn của hệ thống, thu nhập từ phí thấp, và chi phí dự phòng vẫn còn rất lớn. Trong những trường hợp này, các ngân hàng sẽ mất nhiều năm để bù đắp cho sự thiếu hụt vốn của hệ thống thông qua việc tạo ra vốn nội bộ."
Moody's chỉ ra rằng cơ cấu vốn của các ngân hàng đã tiếp tục suy giảm. Ví dụ: vào cuối năm 2016, các ngân hàng được Moody's xếp hạng đã báo cáo tỷ lệ vốn cấp 1 trung bình là 7,8%, theo chuẩn Basel I, giảm so với mức 8,5% vào cuối năm 2015 và 10,7% vào cuối năm 2013.
Mạnh Đức
Nguồn Moody's