Moody cảnh báo mức độ rủi ro của ngành ngân hàng Việt Nam
Dịch vụ tư vấn Moody’s Investors Service vừa cho biết, mức xếp hạng tín dụng B1 và triển vọng tích cực của Việt Nam phản ánh kỳ vọng rằng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ sẽ tiếp tục giúp nền kinh tế của Việt Nam da dạng hóa nhiều hơn, khi so sánh với các nước có cùng xếp hạng.
Moody's lưu ý thêm rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam tiếp tục mạnh mẽ, cùng với sự ổn định về kinh tế vĩ mô và tình hình thế giới, là một điều kiện thuận lợi cho việc ổn định gánh nặng nợ của chính phủ.
Mức xếp hạng B1 đối với trái phiếu do Việt Nam phát hành thể hiện quy mô và tính đa dạng của nền kinh tế nước này so với các nước có cùng xếp hạng. Việt Nam cũng đã cải thiện các đánh giá về chất lượng thể chế trong 4 năm qua, đặc biệt là về hiệu quả của chính phủ, mặc dù có xuất phát điểm không cao.
Đánh giá chung trái phiếu chính phủ Việt Nam ở mức B1 Tích cực, báo cáo của Moody's cũng bao gồm các điểm cụ thể sau: Sức mạnh Kinh tế ở mức Cao (-); Sức mạnh Thể chế ở mức Thấp (+); Sức mạnh Tài chính ở mức Trung bình (-); Độ nhạy cảm với các Sự kiện Rủi ro ở mức Cao. Đây là bốn yếu tố chính trong Phương pháp Đánh giá Xếp hạng Trái phiếu Chính phủ của Moody's.
Tuy nhiên, Moody's cũng cho rằng hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn là một hạn chế quan trọng. Việc phục hồi nhu cầu trong nước từ năm 2015 cũng trùng hợp với sự tăng trưởng tín dụng nhanh chóng, đặt ra một thách thức cho một hệ thống ngân hàng vốn đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu vốn và các khoản nợ xấu triền miên.
Moody's cho rằng những tiến bộ của Việt Nam trong khả năng cạnh tranh và cải cách một phần là do sự gia nhập một số hiệp định thương mại tự do trong những năm gần đây. Nền kinh tế Việt Nam có thế mạnh trong một loạt các ngành, bao gồm hàng hoá mềm; các ngành sản xuất thâm dụnglao động như giày dép và hàng dệt may; và gần đây có thêm các ngành sản xuất có giá trị gia tăng vừa phải, bao gồm điện thoại di động và các thiết bị điện tử khác.
Về mặt tăng trưởng kinh tế, Moody's dự báo tăng trưởng GDP thực trong năm 2017 ở mức 6,5%, thấp hơn một chút so với mục tiêu của chính phủ là 6,7%. Sự cải thiện của môi trường bên ngoài đã giúp cải thiện xuất khẩu trong bốn tháng đầu năm, tăng 16,4% so với năm trước theo trị giá tính bằng USD, so với mức tăng 9,1% trong cả năm 2016.
Việc tăng cường sức cạnh tranh và tiến độ cải cách của Việt Nam đã thúc đẩy dòng vốn FDI chảy vào, đạt mức trung bình 5,2% GDP trong giai đoạn 2014-2016, cao hơn mức trung bình 3,1% của các nước xếp hạng B1.
Một nguy cơ đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam là sự bảo hộ tăng lên từ các đối tác thương mại chính; đây cũng là rủi ro ảnh hưởng đến hệ thống thương mại toàn cầu nói chung. Một sự thay đổi trong chính sách của Mỹ theo hướng bảo hộ sẽ làm thương mại toàn cầu giảm đáng kể và dài lâu, điều này sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam, vốn phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế.
Chỉ số sức mạnh Tài chính của Việt Nam được đánh giá "Trung bình (-)" do tỷ lệ nợ công khoảng 50% -55% GDP và khả năng chi trả nợ cao. Nó cũng bao hàm sự suy giảm của các chỉ số này trong những năm gần đây. Các biện pháp kiểm soát thâm hụt là đủ để ngăn chặn sự gia tăng nợ chính phủ từ mức của năm 2016, dù thâm hụt vẫn sẽ tăng nhẹ trong trung hạn.
Nợ công, bao gồm các khoản nợ do chính phủ bảo lãnh, đã ở mức 63,7% GDP vào năm 2016, gần sát giới hạn 65% của Chính phủ, khiến Việt Nam chậm phát hành các khoản bảo lãnh mới.
Độ nhạy cảm cao của Việt Nam đối với các sự kiện rủi ro tiếp tục bị chi phối bởi rủi ro trong ngành ngân hàng, vốn được coi là nghiêm trọng nhất trong số các quốc gia được Moody's xếp hạng ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, rủi ro thanh khoản của chính phủ được đánh giá là 'Thấp' do yêu cầu vay nợ vừa phải và tỷ lệ sở hữu nợ của nước ngoài ở mức thấp. Hơn nữa, chính phủ đã củng cố việc tiếp cận thị trường quốc tế, và đã phát hành nhiều trái phiếu bằng USD trong thập kỷ qua.
Quỳnh Như
Nguồn Moody's