Trao đổi thương mại Việt Nam-Séc có nhiều dấu hiệu tích cực
Mối quan hệ về đầu tư giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc ngày càng phát triển
Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Séc Hồ Minh Tuấn cho biết giao dịch thương mại giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc tăng liên tục ở mức trên 15% trong những năm gần đây và dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều trong năm 2018 sẽ đạt khoảng 1,2 tỉ USD, cao gấp 2 lần so với năm 2013.
Là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và có mối quan hệ truyền thống hữu nghị với Việt Nam, Cộng hòa Séc có thế mạnh và sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực chế tạo máy, khai khoáng, công nghệ chế biến thực phẩm, nông sản, sản xuất bia.
Cộng hòa Séc coi Việt Nam là đối tác thương mại truyền thống và tiềm năng, là cầu nối để xuất khẩu sản phẩm của nước này sang thị trường Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Do đó, Cộng hòa Séc mong muốn các cơ quan chuyên môn của Việt Nam giới thiệu địa chỉ tin cậy để các doanh nghiệp Séc lựa chọn làm đối tác đầu tư tại Việt Nam.
Thời gian tới, Việt Nam và Cộng hòa Séc có điều kiện thuận lợi đẩy mạnh hợp tác kinh tế trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do song phương (EVFTA) chuẩn bị được ký kết, phê chuẩn và đi vào thực hiện.
Hiệp định sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của EU, trong đó có Séc, đầu tư lâu dài tại Việt Nam cũng như gia tăng xuất khẩu sang thị trường Việt Nam với các mặt hàng máy móc, thiết bị, dược phẩm, hóa chất, phương tiện vận tải...
Việt Nam cũng sẽ gia tăng xuất khẩu sang EU các sản phẩm giày, dép, dệt may, nông nghiệp nhiệt đới, thủy sản, đồ gỗ, hàng tiêu dùng công nghiệp.
Trong khi đó, Thứ trưởng Công nghiệp và Thương mại Cộng hòa Séc Vladimir Bartl cho biết Việt Nam đã xuất khẩu qua Cộng hòa Séc các mặt hàng như cà phê, hạt tiêu, hoa quả, chè, cao su, hải sản, giày dép, dệt may, thủ công mỹ nghệ..., trong khi Séc xuất khẩu sang Việt Nam các mặt hàng như điện tử, máy móc, hóa chất, các sản phẩm từ sữa, dược phẩm, cơ khí...
Ông Bartl khẳng định nhìn vào cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu, doanh nghiệp hai bên có thể nhận thấy tiềm năng, cơ hội giao thương giữa hai nước.
Ông nhấn mạnh Việt Nam là đối tác truyền thống của Cộng hòa Séc trong gần 70 năm qua và hiện đã trở thành một trong những quốc gia chính xuất khẩu hàng hóa sang Séc từ nay đến năm 2020.
Trong năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu hai chiều đạt hơn một tỉ USD và hiện Séc nhập siêu từ Việt Nam trên 800 triệu USD. |
Ông Bartl cho biết Cộng hòa Séc đã đầu tư và phát triển tại nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam, đặc biệt thành phố Đà Nẵng có nhiều cơ hội mở rộng hợp tác đầu tư trong lĩnh vực cơ khí, chế tạo, công nghệ sinh học, công nghệ nano.
Bên cạnh đó, cũng theo đánh giá của ông Jaromir Dudak, chuyên viên cấp cao phụ trách thị trường châu Á, Bộ Công Thương Séc, EVFTA sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả Séc và Việt Nam, nhất là góp phần gia tăng đáng kể thương mại giữa hai nước cũng như đầu tư của Séc vào Việt Nam.
Séc coi Việt Nam là đối tác thương mại truyền thống và tiềm năng, là cầu nối để xuất khẩu sản phẩm của Séc sang thị trường Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Do đó, Séc mong muốn các cơ quan chuyên môn của Việt Nam giới thiệu địa chỉ tin cậy để các doanh nghiệp Séc lựa chọn làm đối tác đầu tư tại Việt Nam.
Nhận định về vấn đề này, ông Jan Petr Roman, Vụ trưởng Vụ châu Á và chính sách thương mại Bộ Nông nghiệp Séc, cho rằng EVFTA sẽ tạo cơ hội để Việt Nam và Séc nói riêng, cũng như EU nói chung tiếp cận thị trường của nhau một cách hiệu quả, cải thiện thể chế và gia tăng dòng chảy thương mại kể cả trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm.
Điều này sẽ có ảnh hưởng tích cực đối với hợp tác song phương giữa Việt Nam và Séc.
Nguồn TTXVN