Mối quan hệ vàng-USD đang dần thay đổi
Thị trường vàng đang dịch chuyển về châu Á, và mối quan hệ USD-vàng đã và đang thay đổi.
Trong báo cáo ra hôm thứ Năm 26/3, Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết, mối quan hệ giữa vàng và USD hết sức “phức tạp” và mối quan hệ này dự đoán sẽ “giảm” khi thị trường dịch chuyển dần sang châu Á.
Trong một báo cáo mới đây, Juan Carlos Artigas, giám đốc nghiên cứu đầu tư tại WGC cho biết, dù thực tế việc giá vàng được định bằng USD đang thu hút rất nhiều sự quan tâm, song mối quan hệ này đang bị phóng đại.
Diễn biến của vàng đôi khi liên quan đến USD với việc kim loại quý này thường giao dịch trái chiều với biến động của đồng bạc xanh.
Nhưng “những thay đổi trên thị trường toàn cầu và cấu trúc thị trường vàng sẽ làm giảm ảnh hưởng của USD lên giá vàng trong dài hạn”, ông Artigas cho biết.
Một phần những thay đổi này là sự trỗi dậy của châu Á với tư cách trung tâm giao dịch vàng, dần thay thế thị trường phương Tây truyền thống.
Những năm gần đây, giới đầu tư và thương nhân ngày càng quan tâm hơn đến các trung tâm thương mại và giao dịch tại phương Đông, kể cả việc thành lập Sàn Giao dịch Vàng Thượng Hải, Sàn Giao dịch Vàng Singapore cũng như việc CME tung ra sản phẩm châu Á ở Hong Kong.
Nhu cầu vàng bên ngoài nước Mỹ rõ ràng không có mối liên hệ với diễn biến của USD với nhu cầu của Trung Quốc có thể tăng khi USD mạnh lên, theo ông Artigas.
Số lượng các giao dịch vàng bằng các đồng tiền khác không phải USD có thể tăng lên khi thị trường vàng “giảm hoạt động theo mô hình trục bánh xe-và-nan hoa … và có cấu trúc tăng cường trao đổi mạng lưới khu vực”.
Năm 2013, thị trường châu Á chiếm gần 80% nhu cầu vàng vật chất toàn cầu, được thể hiện trong biểu đồ dưới đây:
Ông Artigas cho biết, năm 2013 lượng vàng bán ra từ các quỹ ETF ở phương Tây khá khiêm tốn, trong khi nhu cầu vàng tại phương Đông, nhất là Trung Quốc, lại tăng rất mạnh.
Tuy vậy, sự dịch chuyển từ phương Tây sang phương Đông sẽ không hoàn toàn xóa bỏ mối liên hệ giữa kim loại quý và đồng bạc xanh.
USD vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng, kể cả khi thế giới dịch chuyển từ dự trữ bằng một đồng tiền sang hệ thống đa tiền tệ. Mỹ vẫn là thị trường lớn thứ 3 thế giới về nhu cầu tiêu dùng/đầu tư và có lĩnh vực tài chính thịnh vượng.
Các ngân hàng trung ương toàn cầu đang đa dạng hóa dự trữ ngoại tệ từ USD sang các đồng tiền khác và sang vàng. Từ năm 2000, tỷ trọng USD trong dự trữ ngoại tệ toàn cầu giảm từ 61% xuống 55% năm 2014, theo WGC. Trong khi đó, tỷ trọng euro tăng từ 15% lên 22% và các đồng tiền khác, kể cả đôla Canada và đôla Úc cũng tăng.
Nguồn DVO/Market Watch/Kitco