Mối nguy lớn từ thủy điện trên sông Mekong
Việc các quốc gia theo đuổi giấc mơ thịnh vượng bằng cách khai phá nguồn lợi tài nguyên chia sẻ chung, gây ra những tổn thất lớn cho các quốc khác có liên quan luôn là một thách thức không dễ giải quyết. Điển hình là các công trình thủy điện dọc theo dòng sông Mê Kông.
Sau 2 công trình thủy điện Don Sahong và Xayaburi gây nhiều tranh cãi, mới đây, theo thông tấn xã Lào, chính phủ nước này tiếp tục tham vọng phát triển năng lượng của riêng mình khi cho phép các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư 357 dự án thủy điện mới.
Đây thật sự là những “quả bom nổ chậm” ngay trên đầu các quốc gia ở vùng hạ lưu sông Mê Kông, đặc biệt đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, vốn là vựa lúa và nông sản chính của phía Nam Việt Nam.
Tổng công suất của tất cả các nhà máy thủy điện này lên tới 26.147 megawatts một năm, biến Lào trở thành trung tâm năng lượng quan trọng của khu vực ASEAN. Lượng điện năng này không những đáp ứng hoàn toàn nhu cầu điện năng của Lào, mà có thể xuất khẩu sang các quốc gia lân cận bị thiếu hụt như Thái Lan. Ðây rõ ràng là một lĩnh vực kinh doanh có thể mang lại hàng tỉ USD cho quốc gia triệu voi.
Lào vừa cho phép các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư 357 dự án thủy điện mới - Ảnh: theecologist.org |
Con số hơn 350 dự án thủy điện thực sự rất tham vọng. Trước mắt, từ đây đến năm 2019, Chính phủ Lào đặt ra mục tiêu sẽ hoàn thành 45 dự án để đưa tổng công suất phát điện của Lào lên 10.000 megawatts một năm. Hiện con số thủy điện của Lào chỉ mới dừng lại ở 29, với tổng công suất 3.200 megawatts.
Về khía cạnh kinh tế, chiến lược phát triển hệ thống năng lượng là điều cần thiết đối với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Lào. Năm 1975, Lào chỉ có 3 nhà máy thủy điện có tổng công suất 32 megawatts. Tỉ lệ dân cư tiếp cận với điện năng chỉ dưới 10%. Ngày nay, đã có hơn 88% dân số Lào có thể sử dụng điện và quốc gia này cũng xuất khẩu một phần điện năng.
Tuy vậy, trong bối cảnh 10 quốc gia Đông Nam Á không còn là những thành viên kinh tế đơn lẻ, mà đang tích cực chuẩn bị để thành lập Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) vào cuối năm nay, rõ ràng chính sách phát triển năng lượng của Lào nên hài hòa, kết nối với các quốc gia láng giềng. Ở khía cạnh này, có thể thấy chủ trương xây dựng thêm 357 thủy điện của Lào thật sự là một điều quan ngại cho các quốc gia còn lại trong Ủy ban hợp tác sông Mê Kông là Việt Nam, Campuchia và Thái Lan.
Thực trạng hợp tác lỏng lẻo là điều dễ thấy ở khu vực Đông Nam Á. Lịch sử cho thấy, dù đã tham vấn ý kiến của các bên chịu ảnh hưởng, Lào vẫn cương quyết theo đuổi những mục tiêu của riêng mình. Năm 2012, quốc gia này đã xây dựng dự án thủy điện Xayaburi trị giá 3,8 tỉ USD trên nhánh chính của Mê Kông, bất chấp phản đối của Việt Nam và Campuchia.
Gần đây, Lào vẫn tự triển khai một dự án thủy điện khác gây tranh cãi là Don Sahong, cũng nằm trên nhánh chính của sông Mê Kông. Theo Tổ chức sông ngòi quốc tế, đập Don Sahong có nguy cơ đe dọa đến kế sinh nhai của người bản địa. Dự án này cũng gây ra những thay đổi lớn về tài nguyên cá, đặc biệt là nguy cơ tuyệt chủng của loài cá heo nước ngọt Irrawaddy vốn còn rất ít. Và nghiêm trọng nhất là ảnh hưởng lớn đến an ninh lương thực và kinh tế cho khu vực hạ lưu sông Mê Kông.
Nhưng không chỉ có Lào, Campuchia cũng có những động thái tương tự. Quốc gia này đang nhập khẩu điện nên rất muốn xây dựng một hệ thống năng lượng đủ sức đảm bảo nhu cầu cho riêng mình. Hiện chính quyền của Thủ tướng Hunsen có kế hoạch từ đây đến năm 2020 sẽ hoàn thành 12 nhà máy thủy điện và nhiệt điện, giúp giá điện giảm khoảng 0,1 USD/kilowatt. Trong số đó, dự án thủy điện Areng đang tạm dừng triển khai do gặp phản đối từ tổ chức quốc tế Mẹ thiên nhiên (Mother Nature).
Nhưng đáng ngại hơn là tại thượng nguồn sông Mê Kông, Trung Quốc cũng dự kiến bổ sung thêm 11 đập thủy điện với những dự án khủng như Mãn Loan 1.500 megawatts, Tiểu Loan 4.200 megawatts, Nọa Trác Độ 5.860 megawatts. Trung Quốc không phải là thành viên trong Ủy ban sông Mê Kông nên không cần quan tâm đến thái độ của các nước khác.
Là một quốc gia nằm cuối dòng sông Mê Kông, nhiều khả năng Việt Nam sẽ gánh chịu những thiệt hại khó tưởng tượng nổi khi hàng loạt dự án thủy điện kể trên được hoàn thành.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Hữu Thiện, nguyên Trưởng nhóm tư vấn đánh giá tác động môi trường hệ thống đập trên dòng chính Mê Kông, sản lượng cá nước ngọt của hạ lưu con sông này là 2,1 triệu tấn, chiếm 20% tổng lượng cá nước ngọt thế giới. “Ðập thủy điện có vị trí đặc biệt như Don Sahong sẽ chặn đúng dòng duy nhất mà cá có thể di cư dễ dàng quanh năm”, ông Thiện cho biết.
Ngoài ra, nhiều loài sinh vật và thực vật vẫn phụ thuộc vào tín hiệu dòng sông như nước lên mới di cư, sinh sản, trổ bông... Nếu các đập trên Mê Kông được xây dựng, mùa khô có thể bị chuyển thành mùa nước hoặc ngược lại rất đột ngột, khiến cho đặc điểm hệ sinh thái ven sông bị biến đổi hoàn toàn.
Còn theo bà Lâm Thị Thu Sửu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Xã hội, điều phối viên mạng lưới sông ngòi Việt Nam, khi các đập thủy điện dòng chính sông Mê Kông hoàn thành, lượng phù sa hằng năm khoảng 160 triệu tấn của con sông này sẽ giảm chỉ còn 1/4. Mất phù sa kết hợp với hiện tượng giảm bồi lắng ven biển sẽ dẫn đến việc mất cơ hội mở rộng lãnh thổ ở đồng bằng sông Cửu Long.
Ước tính sẽ có 14 triệu nông dân và ngư dân bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp do có thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản từ sông Mê Kông. Khoảng 107.000 người phải chịu tác động trực tiếp vì mất nhà cửa, đất đai và buộc phải tái định cư.
Ðáng nói hơn, các đánh giá tác động này hiện chỉ mới tính đến những dự án thủy điện đã lên kế hoạch trước đó. Còn đối với danh sách 357 đập thủy điện mà Lào mới bổ sung gần đây, hiện vẫn chưa có tổ chức nào lên tiếng cũng như thẩm định những tác động về kinh tế và môi trường. Viễn cảnh lợi ích của người này chính là thiệt hại của người khác đang ngày càng hiện rõ.
Sơn Nguyễn