Thứ Hai | 07/07/2014 11:28

Mở rộng thị trường xuất khẩu gạo

DN xuất khẩu gạo giờ đây cần tìm kiếm thị trường mới, chú trọng chất lượng và xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị thay vì bán gạo cấp thấp.
Chưa bao giờ yêu cầu đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước phải năng động hơn trong tìm kiếm thị trường mới, chú trọng chất lượng và xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị thay vì bán gạo cấp thấp, lại trở nên cấp bách và quan trọng như hiện nay.

Xuất khẩu sụt giảm

Tháng 6, khối lượng gạo xuất khẩu ước đạt khoảng 479.000 tấn với giá trị 212 triệu USD đã góp phần nâng lượng xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2014 đạt hơn 3,2 triệu tấn và 1,4 tỷ USD. Tuy nhiên, so sánh cùng kỳ năm 2013, xuất khẩu gạo cả nước đã giảm khoảng 10% về số lượng và 8% về giá trị.

“Những tháng đầu năm đáng chú ý nhất là nhu cầu thị trường Philippines đã có sự tăng trưởng đột biến lên gần 3 lần, đã đưa thị trường này chiếm đến gần 21% thị phần xuất khẩu. Dự kiến trong thời gian tới, nhằm ổn định dự trữ lương thực quốc gia, Philippines sẽ tiếp tục nhập khẩu thêm khoảng hơn 200.000 tấn gạo, góp phần giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn về đầu ra”, ông Nguyễn Hùng Linh, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho hay.

Ngoài Philippines, việc Malaysia bất ngờ chuyển thói quen mua gạo vụ đông xuân sang thu mua gạo vụ lúa mùa đã giúp nhiều doanh nghiệp có cơ hội bán 200.000 tấn gạo 5% tấm. Tuy nhiên, nhìn về tình hình xuất khẩu gạo các tháng cuối năm, Bộ Công Thương cho hay các doanh nghiệp sẽ tiếp tục chịu sức ép lớn về tiêu thụ. Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang nhiều thị trường khác như thị trường Trung Quốc, chiếm hơn 40% thị phần lại sụt giảm. Trong khi đó, “đối thủ” Thái Lan dù có những bất ổn về chính trị nhưng đang tăng cường cạnh tranh gay gắt về xuất khẩu gạo với Việt Nam.

Khai thông thị trường

Trong bối cảnh xuất khẩu gạo còn phải đối mặt với khó khăn, chưa bao giờ yêu cầu đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước phải năng động hơn trong tìm kiếm thị trường mới, chú trọng xây dựng chất lượng và thương hiệu để nâng cao giá trị thay vì bán gạo cấp thấp lại trở nên cấp bách và quan trọng như giai đoạn hiện nay.

Hiện hạt gạo Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường hơn 70 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản… Thời gian tới, theo các chuyên gia lương thực, sau khi đạt tới sự bão hòa về khối lượng tại những thị trường truyền thống, các doanh nghiệp cần tăng cường hoạt động khai phá để tạo sự tăng trưởng ở thị trường mới chứ không thụ động, trông mong vào ngành chức năng.

“Kết hợp với ngành nông nghiệp, Bộ Công Thương đang có những biện pháp cụ thể tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại, gia tăng xuất khẩu gạo. Cụ thể ngoài việc ký thỏa thuận ghi nhớ về xuất khẩu với các thị trường mới, Bộ đang xúc tiến ký đàm phán với những thị trường truyền thống để tăng lượng gạo xuất khẩu. Đến nay, việc xuất khẩu gạo qua đường cửa phụ, lối mở đã được đẩy mạnh và Bộ đã cho phép các thương nhân có đầy đủ giấy phép được phép XK qua đường này…”, bà Phan Thị Diệu Hà, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết.

Theo các chuyên gia trong ngành nông nghiệp, niềm vui của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cho đến lúc này là các hợp đồng tập trung đã đạt khoảng 1,2 triệu tấn, bao gồm hợp đồng 200.000 tấn với Philippines được chuyển từ năm 2013 sang và 800.000 tấn mới ký hồi tháng 4, cộng thêm 200.000 tấn vừa ký với Malaysia.

“Đó là chưa nói đến dự kiến Philippines sẽ mua thêm 200.000 tấn, Indonesia, Sri Lanca, Bangladesh… cũng đang có ý định mua. Và như vậy, nếu mọi chuyện thuận lợi, hợp đồng tập trung năm nay sẽ không dưới 1,5 triệu tấn cao hơn 2 lần so với năm 2013. Nhờ những thông tin thuận lợi này đã đẩy giá gạo chào bán của các doanh nghiệp Việt Nam theo hướng tăng trở lại, trung bình khoảng 10 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 6”, ông Nguyễn Hùng Linh cho biết thêm.

Nguồn Tin tức


Sự kiện