Mở rộng Tân Sơn Nhất “quá tốn kém” so với xây Long Thành
Dù chỉ có nửa buổi sáng 26/2 để xem xét dự án sân bay Long Thành, song Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn dành thời gian nghe ý kiến của nhiều cơ quan liên quan trước khi thảo luận.
Báo cáo một số vấn đề lớn còn nhiều ý kiến về dự án này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết đã xem xét sự cần thiết đầu tư sân bay Long Thành trong khi vẫn có ý kiến đề nghị chuyển hoạt động quân sự tại sân bay Tân Sơn Nhất sang sân bay quân sự Biên Hòa để dành toàn bộ quỹ đất tại Tân Sơn Nhất cho mục đích khai thác hàng không dân dụng.
Theo Ủy ban Kinh tế, phương án cải tạo, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất sẽ phát sinh nhiều bất cập mới.
Vì, để nâng được công suất sân bay này lên 40 - 50 triệu hành khách/năm, thì phải xây dựng thêm một nhà ga hành khách công suất 15 - 25 triệu hành khách/năm (sử dụng đất quốc phòng hiện quản lý để mở rộng).
Đồng thời cũng cần xây dựng thêm một đường cất, hạ cánh dài 4.000 m, rộng 60 m cách đường cất, hạ cánh hiện hữu 1.035 m về phía Bắc, cùng các công trình phụ trợ và hệ thống đường lăn kết nối. Và để làm công trình này thì cần phải thu hồi đất dân cư ngoài khu vực sân bay và đất quốc phòng hiện tại của sân bay Tân Sơn Nhất.
Chi phí đầu tư theo phương án này quá tốn kém so với phương án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành. Theo báo cáo của Chính phủ thì tổng chi phí ước tính khoảng 9,1 tỷ USD, bao gồm cả chi phí giải tỏa, di dời khoảng 140.000 hộ dân với khoảng 500.000 nhân khẩu, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu trình bày.
Bên cạnh “quá tốn kém”, Ủy ban Kinh tế còn nêu không ít các bất cập khác của phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.
Như sân bay này nằm trọn trong nội thị Tp HCM, khu vực dân cư và thương mại có mật độ dân số rất cao nên không đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn bay, tiếng ồn, khí thải...
Mặt khác, theo tiêu chuẩn về phát triển bền vững của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) thì sân bay trong thành phố sẽ không được phép hoạt động vào ban đêm (từ 0h đến 5h), do đó cũng không thể khai thác hết công suất thiết kế.
Bất cập khác được dẫn theo báo cáo của Bộ Quốc phòng, đó là Tân Sơn Nhất là vị trí quan trọng về quốc phòng, có các đơn vị quân đội đóng quân, đi kèm với hạ tầng, phương tiện hậu cần kỹ thuật, là căn cứ quân sự dự bị chiến lược, nên không thể dành toàn bộ đất cho mục đích khai thác dân sự của sân bay Tân Sân Nhất.
Cho rằng việc đầu tư xây dựng sân bay Long Thành là cần thiết, song Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị rà soát, tính toán lại diện tích của dự án xem có cần thiết sử dụng đến 5.000 ha đất không, vì một phần lớn diện tích không liên quan trực tiếp đến dự án là 2.250 ha.
Có ý kiến đề nghị nếu cần thiết phải sử dụng đến 5.000 ha đất thì Chính phủ trình Quốc hội quyết định cơ chế thu hồi đất một lần để tạo quỹ đất thực hiện quy hoạch cả 3 giai đoạn. Đối với phần đất chưa sử dụng, Nhà nước giao cho Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tiếp tục sử dụng trồng cao su để tránh lãng phí, Chủ nhiệm Giàu phản ánh.
Được mời phát biểu, Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết, Bộ Quốc phòng đã có báo cáo về phương án thay đổi quy mô sử dụng đất thực hiện dự án giảm từ 5.000 ha xuống còn 2.750 ha.
Theo ông Tuấn, các dự án sân bay luôn phải kết hợp khai thác dân sự với quốc phòng và đều bố trí đơn vị phòng không để bảo vệ sân bay, với Long Thành cũng như vậy.
Khu vực xây dựng sân bay Long Thành sẽ được bố trí phần khai thác cho máy bay quân sự tương đương máy bay A321, một trận địa pháo phòng không để bảo vệ sân bay. Tại vị trí này, đất quốc phòng còn để làm một khu vực dự trữ hậu cần kỹ thuật của lực lượng phòng không không quân phục vụ công tác tác chiến, ông Tuấn nói.
"Việc dành quỹ đất cho quốc phòng trong phạm vi sân bay như vậy là cần thiết, vậy có cần duy trì việc thu hồi toàn bộ 5.000 ha đất tại Long Thành, Đồng Nai như ban đầu, hay chỉ thực hiện trước với 2.750 ha để phục vụ trực tiếp sân bay dân sự?", Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hỏi lại.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng trả lời, tổng số đất cho dự án theo nhu cầu là 5.000 ha, nhưng cần thiết tách riêng đất dành hàng không dân dụng, còn số đất dành cho quốc phòng được làm đề án riêng, tránh việc hiểu sai là nước ngoài cũng làm sân bay như thế mà chỉ cần diện tích sử dụng thấp hơn so với Long Thành.
Nguồn VnEconomy