Ảnh: up-co.vn

 
Bảo Trung Thứ Năm | 09/01/2020 10:00

Mở không gian startup trong trường đại học

Phong trào khởi nghiệp trong các trường đại học cần động lực mới.

Đại học Bách Khoa TP.HCM đã một lần nữa đưa thêm môn học khởi nghiệp vào giảng dạy, nhằm đi sâu thêm vào nhu cầu của thị trường chứ không chỉ dừng lại ở mức nhận thức.

Theo Báo cáo Bức tranh khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam 2019 do Cơ quan Thương mại và Đầu tư của Chính phủ Úc công bố, Việt Nam đứng thứ 3 Đông Nam Á về số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp. Cụ thể, nếu năm 2012, Việt Nam chỉ có khoảng 400 công ty khởi nghiệp sáng tạo, đến năm 2019, con số này là hơn 3.000.

Để cổ động phong trào khởi nghiệp trong sinh viên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tất cả các trường đại học phải có ít nhất một không gian làm việc sáng tạo chung (co-working space). Hiện có khoảng 70 điểm co-working space trong các trường đại học. Khi được hỏi về hoạt động khởi nghiệp tại các trường hiện nay, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa TP.HCM, đã nhận định trong những năm gần đây, hoạt động khởi nghiệp của sinh viên đã có bước tiến lớn so với những năm 2000. Hiện nay, hoạt động hỗ trợ tại các trường chưa đi vào chiều sâu mà mới chỉ dừng lại ở mức nâng cao nhận thức.

Nhìn nhận được những hạn chế, bên cạnh các hoạt động hỗ trợ cụ thể cho các doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua vườn ươm nằm trong trường, Đại học Bách Khoa đã đưa môn học khởi nghiệp vào chương trình đào tạo.

Ông Mai Thanh Phong chia sẻ: “Ban đầu, khi đưa chương trình vào đào tạo, trường đã gặp rất nhiều thách thức. Đầu tiên phải có lực lượng giảng viên đủ năng lực, đủ tốt vì việc này hoàn toàn mới. Do đó, trong các bước chuẩn bị, Trường đã mở các khóa bồi dưỡng giảng viên, không những cho Đại học Bách Khoa TP.HCM mà còn cho những trường khác trong cả nước”. Trước hết, Trường mới chỉ mở các khóa giảng dạy ở bậc cao học, sau đó, dần mở rộng cho sinh viên đại học dưới dạng môn học tự chọn cho các sinh viên có nhu cầu. Nếu thành công, Trường cũng đã có sẵn vườn ươm nhằm hỗ trợ cho các ý tưởng độc đáo, để có thể thương mại hóa một cách tốt nhất.

Đại học Bách Khoa TP.HCM đã phối hợp với thành phố, thông qua Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM xây dựng bộ giáo trình về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để đưa vào giảng dạy trong các trường trên diện rộng. Quá trình xây dựng bộ giáo trình này đã gần như hoàn tất và chuẩn bị nghiệm thu. Ngoài ra, Trường cũng đang trong quá trình mở rộng quy mô Vườn ươm Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ Đại học Bách khoa TP.HCM gấp 5 lần lên 3.000m2 để hàng ngàn cá nhân khởi nghiệp có không gian hoạt động đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Đầu năm 2019, Đại học Bách khoa TP.HCM đã cổ phần hóa Trung tâm Nghiên cứu công nghệ và thiết bị công nghiệp thành Công ty Cổ phần Khoa học Công nghệ Bách Khoa. Nhận định về bước đi này, ông Mai Thành Phong khẳng định việc thành lập doanh nghiệp trong trường đại học đang là xu thế hiện nay.

Việc chuyển đổi mô hình hoạt động này là một bước quan trọng trong việc thúc đẩy hơn nữa hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ trường đại học, để thu hút sự đầu tư của khối tư nhân, tăng thêm nguồn lực cho hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu của nhà khoa học.

Trong khi doanh nghiệp thành lập trường đại học để nuôi dưỡng nguồn nhân lực cho chính doanh nghiệp đó,  thì các công ty thuộc trường đại học công lập lại mang ý nghĩa giáo dục và hướng về cộng đồng, về xã hội nhiều hơn. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, thế hệ người trẻ ngày nay không muốn làm việc như ngày xưa, nhất là làm trong công ty không có danh tiếng tốt. Ông Phong chia sẻ: “Đây là một xu thế tất yếu của các trường đại học. Hiện nay, trên thế giới, các trường đại học từ Nhật, Hàn Quốc, Mỹ và tại khu vực cũng đã có Thái Lan, Malaysia, Singapore làm mô hình công ty trong trường đại học từ lâu. Còn ở Việt Nam thì việc này rất mới và còn gặp nhiều hạn chế về thủ tục và quy định thành lập”.

Qua 1 năm hoạt động, mô hình cổ phần này đã cho thấy xu thế thuận lợi hơn cho việc phát triển nghiên cứu khoa học. Ngoài việc là một kênh để giảng viên, sinh viên trong trường tham gia làm các dịch vụ khoa học công nghệ, đây còn là một thành phần đóng góp thêm cho việc phát triển kinh tế đất nước theo hướng thương mại hóa, công nghiệp hóa.