Mô hình tăng trưởng nào cho ngân hàng Việt Nam?
Đầu năm 2012, ít ai nghĩ rằng tình hình ngân hàng sẽ tồi tệ như hiện nay. Đúng một năm sau, các kỳ vọng lạc quan dần biến mất, một phần là vì hoạt động cho vay bị tắc lại nhiều hơn những gì người ta có thể tưởng tượng.
Tăng trưởng tín dụng cả năm chỉ đạt ở mức gần 7%. Năm qua, phần lớn tiền ngân hàng được dùng vào việc mua trái phiếu. Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), có tới 89% thành viên tham gia thị trường trái phiếu là ngân hàng; riêng ngân hàng trong nước chiếm 78%. Nghĩa là đã có sự thay đổi trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng trong năm qua. Thế nhưng, báo cáo tài chính của các ngân hàng cho thấy lợi nhuận vẫn chủ yếu đến từ hoạt động cho vay. Phải chăng mô hình hoạt động của các ngân hàng đang gặp vấn đề? (Ở đây, tạm thời không bàn đến các yếu tố nợ xấu, sở hữu chéo hay các hậu quả của nó).
Có thể nhìn vào mảng kinh doanh vàng của Ngân hàng Á Châu (ACB). Tại đại hội cổ đông bất thường diễn ra hồi cuối năm 2012, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng Giám đốc ACB, cho biết từ năm 2008 cho đến 8 tháng đầu năm 2012, kinh doanh vàng của ACB vẫn khá tốt, với tổng lãi lên đến hơn 2.381 tỉ đồng. Tuy nhiên, việc phải đóng trạng thái vàng theo khuyến cáo của Ngân hàng Nhà nước trong quý III/2012 đã dẫn đến khoản thua lỗ hơn 1.700 tỉ đồng (do chênh lệch giữa giá vàng trong và ngoài nước có lúc lên đến hơn 4 triệu đồng/lượng).
Kinh doanh vàng mang lại nhiều lợi nhuận nhưng đi kèm theo đó là rủi ro lớn tương ứng. Nhưng điều quan tâm đối với ACB là việc lựa chọn kinh doanh vàng liệu có đúng đắn. Giả sử ACB không kinh doanh vàng nữa hay đổi hướng hoạt động thì sẽ như thế nào?
Thế giới: Ngân hàng thương mại quay lại
Nếu nhìn ở góc độ này, có thể so sánh sự khó khăn trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng Việt Nam với các ngân hàng đầu tư trên thế giới hiện nay.
Trong 10 năm vừa qua, ngân hàng đầu tư - những ngôi sao nhạc rock vào thời kỳ trước khủng hoảng tài chính toàn cầu theo cách ví von của tờ The Economist - đã phát triển nhiều loại sản phẩm để tự doanh và các dịch vụ có liên quan đến các giao dịch trên thị trường tài chính. Cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán, khoản lợi nhuận mang lại đủ sức khiến cho hàng loạt các ngân hàng thương mại, bán lẻ lần lượt chuyển sang mô hình ngân hàng đầu tư hay bổ sung thêm lĩnh vực ngân hàng đầu tư vào hoạt động của ngân hàng mình.
Nhưng ngày nay đã khác. Theo thống kê của The Economist, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của các ngân hàng đầu tư lớn đang suy giảm, hầu hết đều thấp hơn chi phí vốn. Tăng trưởng lợi nhuận chỉ đến từ việc cắt giảm chi phí. Trong 9 tháng đầu năm 2012, doanh thu đã giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Có 2 nguyên nhân chính cho sự sa sút của hệ thống ngân hàng đầu tư thế giới. Một là sự suy giảm về lượng khách hàng giao dịch các loại chứng khoán. Hai là các quy định mới về vốn và thanh khoản đang bắt đầu tác động xấu đến lợi nhuận, buộc ngân hàng phải giảm quy mô tài sản và giảm giao dịch.
Trên thực tế, mô hình ngân hàng đa năng (ngân hàng kết hợp cung cấp nhiều loại dịch vụ, bao gồm cả dịch vụ ngân hàng và các dịch vụ tài chính khác) như ngân hàng Thụy Sĩ UBS cũng gặp nhiều rắc rối. Trong 9 tháng đầu năm 2012, ngoại trừ hoạt động ngân hàng bán lẻ và doanh nghiệp, quản lý tài sản, những mảng hoạt động dịch vụ khác (bao gồm cả ngân hàng đầu tư) của UBS đều bị lỗ nặng.
Có lẽ vì vậy mà năm qua, UBS đã lên kế hoạch cắt giảm 10.000 nhân sự. Nhưng đáng chú ý là việc UBS tuyên bố sẽ tập trung trở lại vào mảng dịch vụ quản lý tài sản thay vì tiếp tục kinh doanh ở mảng ngân hàng đầu tư.
Một số khác lại có xu hướng quay trở về mô hình truyền thống: ngân hàng thương mại. Đặc điểm chung của mảng kinh doanh này là tập trung cung cấp dịch vụ huy động và cho vay bán lẻ và bán buôn đến hộ gia đình và doanh nghiệp.
Nghiên cứu của nhóm chuyên gia kinh tế tại DGA International Affairs thuộc Banco de Espana về mô hình hoạt động của các ngân hàng quốc tế lớn giai đoạn 2006-2010 cho thấy, cơ cấu tài sản của nhóm ngân hàng thương mại ít thay đổi. Trong khi đó, hầu hết các ngân hàng đầu tư lại đang dần chuyển sang mô hình ngân hàng thương mại. Barclays, BNP Paribas và Deutsche Bank đã bắt đầu tăng dần cơ cấu cho vay bán lẻ và doanh nghiệp từ sau năm 2008, trừ UBS.
Việt Nam: Ngân hàng thuơng mại, rồi sao nữa?
Sự “rớt đài” của dịch vụ ngân hàng đầu tư là bài học đắt giá cho các ngân hàng. Ở Việt Nam, ngân hàng vẫn có thể cầm tiền gửi huy động từ dân cư để đầu tư vào các loại chứng khoán, hay bất động sản. Việc này rất nguy hiểm một khi giá tài sản sụt giảm. Nhưng may mắn là toàn bộ các ngân hàng đều hoạt động theo mô hình ngân hàng thương mại với các chức năng ngân hàng truyền thống. Ở đó, miếng bánh lợi nhuận chủ yếu vẫn là khoản chênh lệch lãi suất giữa vốn huy động và vốn cho vay.
Nhưng mô hình này hiện cũng mang lại nhiều rắc rối. Lợi nhuận tăng trưởng dựa trên tín dụng là không bền vững và dễ gặp phải rủi ro về lãi suất. Sự sụt giảm mạnh lợi nhuận trong năm 2012 là minh chứng rõ ràng nhất. Hoạt động cho vay không tăng trưởng, khách hàng vay nợ cũng gặp khó khăn trong thanh toán, làm gia tăng nợ xấu. Ngân hàng buộc phải trích lập dự phòng và giảm lợi nhuận, thậm chí có thể giảm cả vốn chủ sở hữu.
Tất cả những điều này cho thấy, việc phát triển mô hình ngân hàng bán lẻ hiện đại cũng là một hướng đi đáng để cân nhắc. Theo đó, nguồn thu mang lại từ khách hàng cá nhân sẽ cao và ổn định hơn nhờ dân số đông, mức thu nhập và tiềm năng tăng trưởng tiêu dùng cao. Nguồn thu còn có thể đến từ việc bán nhiều loại sản phẩm cho cùng một khách hàng. Có lẽ vì thế mà những năm gần đây, các ngân hàng trong nước đều định hướng mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu.
Một đặc điểm của ngân hàng bán lẻ là sự mở rộng kênh phân phối thông qua việc hình thành các chi nhánh hoặc phòng giao dịch. Hoặc các kênh giao dịch trực tuyến giúp các khách hàng cá nhân tiếp cận dễ dàng hơn dịch vụ ngân hàng.
Vài năm trở lại đây, các ngân hàng đã đầu tư khá nhiều vào hệ thống bán lẻ. Số lượng ngân hàng cung cấp dịch vụ internet banking tăng gấp 9 lần trong giai đoạn 2005-2011, lên mức 45 ngân hàng. Số lượng thẻ ngân hàng phát hành tính đến hết quý III/2012 là 47,2 triệu thẻ, gấp 9,5 lần so với năm 2006. Lượng máy ATM cũng tăng gấp 6,5 lần.
Lợi điểm của những giao dịch trực tuyến này là có chi phí biên (chi phí bỏ ra thêm để thực hiện tiếp giao dịch thứ hai) gần bằng 0. Nhưng còn chiến lược mở rộng chi nhánh liệu có mang lại hiệu quả, khi chi phí thuê mặt bằng, chi phí nhân sự là rất tốn kém?
Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) là một ví dụ. Lợi nhuận lũy kế 9 tháng đầu năm 2012 của ngân hàng này chủ yếu đến từ việc cắt giảm hơn 45% chi phí nhân sự. ACB cũng đang thực hiện chiến lược cắt giảm chi phí khi cho biết sẽ giảm mạnh nhân sự thử việc, tạm ngưng kế hoạch mở rộng thị trường.
Duờng như con đường các ngân hàng Việt Nam đang đi đều có những nét tương đồng, ở cả mô hình hoạt động lẫn mục tiêu phấn đấu. Để tồn tại, có lẽ ngân hàng cần phải tập trung vào chiến lược cạnh tranh bằng cách cải thiện hiệu quả chi phí.
Về vấn đề này, ông Lê Trí Thông, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á, cho rằng mô hình tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng Việt Nam đã “đụng trần”. Muốn vượt qua giai đoạn này, cần dựa trên tư duy mới và mô hình quản trị mới, để kịp thời thích ứng với thị trường.