Mô hình kinh doanh bia tươi cho Tây balô tăng trưởng mạnh
Giữa dòng xe lưu thông trên một trong những con đường sầm uất tại TP.HCM, vài vị khách nước ngoài rẽ vội vào con hẻm để né sự ồn ào giờ tan tầm. Bước vội lên bậc cầu thang sắt, Bill Chapman đẩy cánh cửa gỗ và bước vào không gian náo nhiệt bên trong. Bill tìm đến bởi cho rằng đây mới là nơi anh tìm thấy những điều gần gũi với bản thân nhất tại Việt Nam.
Căn phòng Bill vừa bước vào có gần 50 người chen chúc. Trên tầng 2 cũng có gần 60 khách đang trò chuyện rôm rả với nhau. Trong không gian chật hẹp đó, không có thể loại âm nhạc nào có thể át được những câu chào hỏi, bàn luận về trận bóng tối hôm trước bằng tiếng Anh và tiếng Pháp.
Bill là người Canada, hiện nay đang dạy tại một trung tâm ngoại ngữ ở quận 1. Như thói quen, mỗi tuần anh đến 2 lần. Nhân viên ở đây khi thấy Bill, liền tự động mở ống dẫn bia và mang đến cho anh một khay gồm 6 ly với 6 hương vị khác nhau như mùi tắc, dừa, hoa nhài... Nhấp ngụm bia hương vị chanh dây, Bill nói rằng anh đến thường xuyên bởi bia ở đây là bia tươi, có nhiều hương vị để thưởng thức và mùi vị bia luôn được thay đổi xoay vòng.
“Gặp đồng hương trong một không gian thế này, tôi cảm thấy giống như những quán bia tại đất nước của mình”, Bill chia sẻ.
Nói là giống, bởi vì thay cho những tiếng đếm “một, hai, ba... dzô” là tiếng cụng ly và “cheer” nhẹ nhàng. Không gian cũng đơn giản, chỉ là một quầy bia. Khách có thể là thanh niên hay những người lớn tuổi, vừa nhấm nháp bia tươi vị vừa ăn phần hambuger cùng mấy mẫu khoai tây chiên còn nóng. Một vài anh chàng tụ lại và bàn về việc họ sẽ về nước như thế nào, hay cùng chú ý đến một cô gái Việt Nam vừa bước ngang qua. Cũng có cặp đôi vừa dạo qua khu phố Nguyễn Huệ và ghé vào để tránh nắng, uống bia và bàn kế hoạch sẽ tham quan ở đâu vào buổi chiều.
Nhìn chung, văn hóa uống bia của Tây khác ta rất nhiều. Chữ “nhậu” gần gũi và thực tế nhất với người Việt, bởi uống bia nhiều mà “phá mồi” cũng nhiều. Vui người Việt cũng nhậu, buồn cũng nhậu, và không vui không buồn thì miễn thích là vẫn tụ tập lại nhậu để rồi cũng kéo theo nhiều hệ quả khác.
Nhưng nói như vậy không có nghĩa rằng uống bia kiểu Tây không có mặt tiêu cực. Tuy nhiên, vẫn phải nhìn nhận rằng văn hóa uống của Tây có nhiều điểm khá thú vị. Ví dụ như không gian đơn giản, cách uống và thưởng thức vị bia. Lãnh đạo một hãng bia nổi tiếng tại Việt Nam từng cho rằng, bia tươi là một sản phẩm rất có tiềm năng. Bởi đây là loại bia cho hương vị khá trọn vẹn và có thể pha chế được thêm nhiều hương vị, vận chuyển cũng dễ dàng.
Ông Đinh Xuân Được, Giám đốc Âu Việt Group, thì tin rằng bia tươi là dòng bia dành cho việc thưởng thức. “Ly phải thật lạnh và sạch. Bia tươi rất đậm đà hương vị, khi rót từ hệ thống và uống ngay mới thật sự là thưởng thức bia. Dù bia hết lạnh, khi uống vẫn cảm nhận được mùi thơm và đậm đà. Còn người Việt cho thêm đá vào cũng làm phần nào mất đi hương vị vốn có của bia tươi chính hiệu”, ông giải thích.
Còn nhớ, bia tươi kiểu Tây được du nhập vào Việt Nam từ những năm 1990, nhưng thực sự chưa tạo nhiều ấn tượng. Tăng trưởng là có, nhưng chưa đến mức đáng kể bởi người tiêu dùng trong nước đã quen với bia chai truyền thống. Thậm chí, loại bia này hiện vẫn chưa có mặt tại một số tỉnh thành.
“Những năm 2012-2014 là thời điểm bùng nổ của bia tươi, được bán dưới dạng bia tháp tại các mô hình Beer Garden, Beer Club hay Beer House. Nhìn chung, thu hút được khách nước ngoài nhất là Beer House. Ðó là mô hình nhà có quầy phục vụ bia tươi, bàn ghế đơn giản, món ăn đơn giản, khách đứng và thưởng thức bia”, ông Được nói thêm.
Ðơn cử, quán quen của Bill Chapman là một mô hình Beer House, với bia tươi do Công ty Bia Thủ công sản xuất tại nhà máy ở Long An. Theo Ryan Andrew Davenport, đại diện Công ty, hiện nay doanh nghiệp này đang cung ứng sản phẩm cho hơn 50 địa điểm phục vụ khách nước ngoài trên toàn quốc, tập trung tại TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Hà Nội. Riêng tại TP.HCM, loại bia thủ công này đã có mặt tại hơn 20 điểm, chủ yếu ở quận 1, 2 và 7.
Còn theo nhân viên tại Beer House nói trên, các ngày trong tuần điểm này đón 100-200 khách, cao điểm là trên dưới 300 người. Lượng bia tiêu thụ trung bình khoảng 200 lít/ngày.
Ðây cũng là một lĩnh vực kinh doanh có thể thu lãi lớn. Ông Được, Âu Việt Group, cho rằng với mỗi chai bia truyền thống, người bán có thể thu lãi được vài ngàn đồng. Nếu sản phẩm này được bán tại các nhà hàng, có thể nâng mức lãi lên được khoảng 10.000-20.000 đồng mỗi chai. Còn bia tươi lại dễ “làm giá” nên kinh doanh sẽ có lợi nhuận cao hơn so với bia chai gấp nhiều lần, tùy theo địa điểm. “So với thời gian trước, việc kinh doanh bia tươi hiện đã bùng nổ gấp 5 lần”, ông Được nói.
Mô hình kinh doanh của Công ty Bia Thủ công là một điển hình. Công ty này tạo hẳn một sân chơi dành cho người nước ngoài ngay giữa lòng thành phố, cung cấp sản phẩm bia thu hút được đông đảo lượng khách này.
Tương tự Bill Chapman, Joseph Randle (Anh) mới đến Việt Nam du lịch được 2 tuần và cũng đã trở thành khách quen tại Beer House. Anh cho biết những ngày đầu mới đến, ban ngày tham quan, buổi tối anh lại ngồi uống bia ở Bùi Viện. “Những ngày sau tôi cảm thấy không còn hứng thú bởi điểm tham quan tại TP.HCM đã đi hết. Từ khi được giới thiệu đến Beer House này, tôi cảm thấy đỡ nhàm chán hơn”, anh nói.
Rõ ràng, các mô hình kinh doanh bia tươi vẫn còn khá nhiều triển vọng trong thời gian tới, nếu biết tập trung vào những khách hàng có nhu cầu thật sự. “Những mô hình như vậy cũng sẽ giúp cho các địa điểm du lịch có thêm chỗ để phục vụ du khách đến Việt Nam”, ông Được kết luận.
Hoàng Quân