Mở chứng khoán phái sinh: Thành viên vừa mừng… vừa lo
Chặt để thanh lọc và kiểm soát
"Thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS) chứa đựng nhiều rủi ro, chính vì thế UBCKNN xây dựng dự thảo Nghị định và Thông tư về phát triển TTCKPS với định hướng thận trọng nhất và theo sát những biến động về cơ cấu, tổ chức của TTCKPS toàn cầu", Phó chủ tịch UBCKNN Nguyễn Thành Long cho biết tại Hội thảo khung pháp lý về chứng khoán phái sinh (CKPS) và TTCKPS.
Đáng lưu ý là so với dự thảo mà UBCKNN đưa ra lấy ý kiến hồi cuối tháng 8/2014, các điều kiện tham gia của các thành viên thị trường được nâng cao hơn. DN kinh doanh CKPS trong dự thảo phải có vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu tối thiểu là 600 tỷ đồng thay vì 500 tỷ đồng theo dự thảo trước đó. Ngoài ra, là phải đáp ứng các điều kiện về tình hình tài chính, chủ yếu là các chỉ tiêu về an toàn tài chính theo quy định.
Về nhân sự, những người hoạt động trong lĩnh vực này phải có chứng chỉ đào tạo về CKPS, hệ thống công nghệ và vật chất phải đảm bảo vận hành TTCKPS. Điều kiện quan trọng khác là công ty chứng khoán (CTCK) không đang trong quá trình hợp nhất, giải thể, phá sản, kiểm soát hoặc kiểm soát đặc biệt… và phải được UBCKNN chấp thuận bằng văn bản thì mới được tham gia tự doanh CKPS.
Đối với môi giới CKPS, điều kiện vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu cũng đã tăng từ 700 tỷ đồng lên 800 tỷ đồng trở lên. Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển TTCK cho biết, việc đưa ra các điều kiện về mặt định lượng hoặc các tiêu chuẩn định tính là chọn lọc trong số lượng các CTCK hiện có để đảm bảo về quy mô vốn, đảm bảo chất lượng để tham gia vào thị trường ban đầu. "Có thể có câu hỏi tại sao chúng ta đưa ra các tiêu chí về vốn điều lệ và vốn chủ các nghiệp vụ tự doanh hay môi giới là 600 hay 800 tỷ đồng… Ở đây chúng tôi lựa chọn trên cơ sở lọc ra một số lượng nhất định các CTCK tốt nhất để tham gia từ đầu trên TTCKPS", ông Sơn nói.
Dự thảo luật cũng khá thận trọng khi đưa thêm quy định: tuỳ thuộc vào đều kiện thị trường và mục tiêu phát triển TTCKPS ở từng thời kỳ, sau khi được Bộ Tài chính chấp thuận, UBCKNN có thể tạm ngừng việc chấp thuận thực hiện các hoạt động kinh doanh CKPS. "Đây là điều khoản đưa ra để tránh sự bùng nổ thái quá của các CTCK. Số lượng thành viên quá lớn sẽ gây ra những điều không tốt cho thị trường như chuyện chúng ta có tới hơn 100 CTCK trong điều kiện quy mô thị trường còn rất nhỏ bé như vừa qua", ông Sơn cho hay.
Thành viên thị trường vừa mừng… vừa lo
Ông Lê Anh Tuấn, đại diện Quỹ Dragon Capital cho rằng, dự thảo Nghị định và Thông tư ra đời rất đúng thời điểm vì thị trường tài sản cơ sở đã tạo điều kiện cần và đủ cho sự phát triển TTCKPS. Điều kiện cần là sự phát triển về chất về lượng thị trường niêm yết trong thời gian qua. Điều kiện đủ là nhu cầu về sản phẩm phái sinh đối với NĐT trong và ngoài nước tăng cao trong thời gian qua. Bên cạnh đó, dự thảo đưa ra rất chi tiết nhưng cũng khá linh động cho sự thay đổi mang tính thị trường trong 2 năm tới. "Nhìn chung có sự kế thừa những điểm tốt của các thị trường phát triển, nhưng đồng thời cũng có sự thích ứng mang tính rất Việt Nam", ông Tuấn nói.
Ông Dan Leo Viking Svensson, Giám đốc Quản lý danh mục Quỹ đầu tư trái phiếu VdeF thuộc Tập đoàn Dragon Capital lại tỏ ra băn khoăn khi cho rằng, mặc dù đã có cái nhìn tổng quan về CKPS nhưng đi trực tiếp vào các sản phẩm cụ thể thì không phải là vấn đề đơn giản.
"Đưa ra sản phẩm hợp đồng tương lai TPCP là lựa chọn tốt để khởi đầu. Tuy nhiên với hợp đồng tương lai tài chính tiền tệ - một trong những hợp đồng lớn nhất và đóng góp rất quan trọng trong việc quản trị rủi ro của các ngân hàng, thì chúng ta vẫn chưa hình thành loại lãi suất phục vụ tốt cho giao dịch này. Việc thanh toán bù trừ, quản trị rủi ro với TTCKPS là cực kỳ quan trọng với hợp đồng tương lai trái phiếu, nhưng xác định tài sản cơ sở là một vấn đề không đơn giản", ông Dan cho hay.
Phó TGĐ CTCK TP. Hồ Chí Minh - ông Trịnh Hoài Giang thì cho rằng, những đơn vị như của ông đang đứng trước sự thay đổi lớn trên thị trường với vai trò cung cấp dịch vụ cho NĐT và với vai trò người kinh doanh mua bán trên thị trường. Song ông cũng tỏ ra lo lắng khi NĐT sẽ giao dịch không cần gắn liền với tài sản cơ sở. Thứ nữa là NĐT có thể sử dụng đòn bẩy rất cao. Tức là giá trị hợp đồng rất lớn so với giá trị tiền đặt cọc, ký quỹ. Và như vậy đây là thị trường rất rủi ro với NĐT, ông Giang nói.
Về phía ngân hàng, ông Trần Kiều Hưng, trưởng bộ phận kinh doanh trái phiếu của BIDV cho biết, là những NĐT có tổ chức chuyên nghiệp với tổng tài sản lớn và có trạng thái danh mục lớn, nhiều NHTM mong muốn có TTCKPS ra đời để bảo hiểm cho trạng thái của mình. Số liệu tổng hợp cho biết đến 2013, giá trị tài sản của các NHTM vào khoảng 5,7 triệu tỷ đồng, trong đó riêng danh mục TPCP mà các NHTM đang nắm giữ là khoảng 440 nghìn tỷ đồng, chiếm đến 86% dung lượng thị trường. NHTM đứng trước rủi ro rất lớn trước trạng thái danh mục này.
Nhưng khi TTCKPS ra đời thì đấy cũng chính là tiềm năng và thể hiện vị thế của NHTM khi tham gia thị trường này, đặc biệt ở phân khúc trái phiếu. Cơ hội cũng đang mở ra khi NHTM tham gia vào chu trình chuyển tiền, thực hiện những quyền và nghĩa vụ của NĐT trong khâu thanh toán bù trừ về tiền và là trung gian cung cấp một số dịch vụ như quản lý ký quỹ, tài sản, dòng tiền. Đứng trước cơ hội như vậy, đòi hỏi các NHTM phải rà soát và kiện toàn hơn nữa theo hướng tiếp tục chuẩn hoá, hoàn thiện quy trình nội bộ, đảm bảo tuân thủ khung pháp lý nhanh gọn và kiểm soát tốt rủi ro.
Song, để chuẩn bị tốt hơn để tham gia thị trường này, ông Hưng đề nghị UBCKNN cần làm rõ vai trò thành viên tham gia TTCKPS, đặc biệt là thị trường TPCP. Bên cạnh đó, do dung lượng rất lớn và giá trị lớn, riêng với thị trường TPCP nên hạn chế ở NĐT tổ chức là các NHTM, CTCK và Công ty quản lý quỹ.
Các CTCK môi giới hoặc tự doanh tham gia TTCKPS phải là những côngty tốt về tài chính, vốn khả dụng và các chỉ tiêu khác. Dựa trên điều tra hiện có với khoảng 80CTCK đang hoạt động, quy mô vốn chúng tôi đưa ra là 600-800 tỷ đồng là phù hợp để lựa chọn khoảng10-20 CTCK tham gia khi thiết lập thị trường. Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển TTCK |
Nguồn Thời báo Ngân hàng