Khu Công nghiệp DEEP C - Hải Phòng.

 
Hải Vân Thứ Ba | 04/08/2020 08:00

Mở cảng biển đón sóng FDI

Phát triển các khu công nghiệp ven biển là hướng đi tích cực.

Hướng đi tích cực

BW Industrial, liên doanh giữa Warburg Pincus và Becamex IDC, đã nối gót quyết định của các nhà phát triển bất động sản tên tuổi mở khu công nghiệp trên bán đảo Đình Vũ, Hải Phòng. Dự án này có thể được mở cửa vào tháng 9 tới.

Trước BW Industrial, đầu tư vào Đình Vũ đã có Rent-A-Port NV, một tập đoàn của Bỉ, với tổ hợp công nghiệp DEEP C đang chiếm 20% tổng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Hải Phòng. Cũng như Hải Phòng, chính quyền các tỉnh ven biển của Việt Nam đang tích cực thu hút FDI vào các dự án kinh tế và công nghiệp ven biển, trong bối cảnh kinh tế trong nước suy giảm.

Năm ngoái, chính quyền Quảng Ninh đã tung ra các ưu đãi về thuế và quỹ đất để thu hút FDI vào khu kinh tế ven biển Quảng Yên, nơi Rent-A-Port NV có thể sử dụng ngay quỹ đất có sẵn để xây dựng DEEP C III và cảng nước sâu, đủ sức tiếp nhận tàu cỡ lớn, trọng tải trên 30.000 DWT.

Phát triển các khu công nghiệp ven biển là hướng đi tích cực trong bối cảnh phát triển ngành công nghiệp ở Việt Nam còn dàn trải và chưa hiệu quả. Các khu công nghiệp trên cả nước đang hạn chế cả về số lượng lẫn quy mô đất sử dụng. Tính đến hết tháng 6.2017, cả nước có 325 khu công nghiệp được thành lập trên tổng diện tích đất 94.900 ha, nhưng đến cuối tháng 3.2020, chỉ tăng lên 335 khu công nghiệp, với tổng diện tích đất sử dụng khoảng 97.800 ha (số liệu của Vụ Quản lý khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Tesa, một trong những thương hiệu có tầm ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực sản xuất băng dính công nghệ cao phục vụ ngành công nghiệp điện tử và ô tô tại Đức, là một trong số ít các nhà đầu tư châu Âu công bố xây nhà máy mới trong DEEP C hồi giữa tháng 6, thời điểm hầu hết các quốc gia trên thế giới đóng cửa kinh tế để chặn dịch. “Nhà máy tại Tô Châu, Trung Quốc sẽ chạm mức công suất tối đa vào năm 2025 sau khi đã mở rộng”, ông Stefan Schmidt, Trưởng phòng mảng mua hàng, logistics và sản xuất trên phạm vi toàn cầu của Tesa, cho biết.

“Số khách hàng quan trọng của Tesa chuyển tới Việt Nam ngày càng nhiều”, ông Stefan cho hay. Không đả động về việc rút vốn ra khỏi Trung Quốc, nhưng Stefan khẳng định khoản đầu tư 55 triệu euro sẽ giúp Tesa đưa vào vận hành cơ sở sản xuất thứ 15 trên thế giới vào năm 2023 và Việt Nam là cơ hội để Tesa rút ngắn con đường đến với khách hàng, các nhà cung cấp trong khu vực Đông Nam Á và tại Trung Quốc.

Nút giao thông Quảng An- Hạ Long
Nút giao thông Quảng An - Hạ Long

Ảnh hưởng từ đại dịch khiến làn sóng dịch chuyển vốn ra ngoài Trung Quốc đang chậm lại, khiến thị trường bất động sản công nghiệp nửa đầu năm 2020 có phần chậm lại. Ông Koen Soenens, Giám đốc Kinh doanh và Marketing của DEEP C, cho biết: “Trong ngắn hạn, rất ít khách hàng đến khảo sát khu công nghiệp, thậm chí nhân viên của công ty cũng không thể đến Việt Nam làm việc”.

Ông cho đây là khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp cỡ vừa như DEEP C, khác với những công ty lớn như Samsung hay LG; họ có đủ năng lực tài chính thuê những chuyến bay riêng và xin cơ chế đặc biệt của Chính phủ.

 

Xu thế tất yếu

Dù vậy, khu công nghiệp gần biển là xu thế tất yếu cho sự phát triển logistics của Việt Nam trong tương lai. Kinh nghiệm của Singapore, quốc gia phát triển logistics thứ 2 trên thế giới với mức đóng góp khoảng 8% GDP/năm, là thông qua xây dựng các khu công nghiệp tại những cảng biển, từ đó mở rộng xây dựng các trung tâm logistics, trung tâm thương mại tự do và các trung tâm phân phối hàng hóa khu vực.

Ông Koen cho hay, DEEP C vẫn ưu tiên các dự án cận biển bên cạnh việc phát triển một số khu công nghiệp sâu trong đất liền. Theo quan sát của ông, Việt Nam không có nhiều khu công nghiệp gần biển nhưng lại có quá nhiều khu công nghiệp nằm trong đất liền. Việc một nhà máy đặt ở sâu trong đất liền, nhập nguyên vật liệu từ cảng biển về và xuất sản phẩm đầu cuối ra cảng, làm tăng chi phí vận tải và tắc nghẽn giao thông. Trong ngành này, ông Koen nói: “Giá thuê không phải là vấn đề, khách hàng sẵn sàng trả giá cao cho các vị trí đẹp”.

 

Trong khi đó, ông Hồ Kim Lân, Tổng Thư ký Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, cho rằng hiện nay, ngoài cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Lạch Huyện), cảng biển Việt Nam đang dần lạc hậu với xu thế container hóa của thế giới bởi tình trạng phân mảnh, các bến cảng thiếu sự liên thông.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, căn cứ quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, nguồn vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển khoảng 100.000 tỉ đồng. Dự báo đến năm 2030, với lượng hàng hóa gấp 2 lần như hiện nay thì nhu cầu về vốn đầu tư cũng cần tương ứng.

Ông Don Lam, Tổng Giám đốc VinaCapital, tin rằng: “Khoảng 20% năng lực sản xuất sẽ được chuyển dịch khỏi Trung Quốc sang các nước khác trong năm tới”. Tất nhiên, không phải tất cả toàn bộ dòng dịch chuyển này sẽ đổ vào Việt Nam. Ông Don Lam nói rằng Chính phủ cần nhanh chóng cải thiện những hạn chế để Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong việc thu hút thêm nguồn lực FDI. Một trong số đó là đẩy nhanh tiến độ cải thiện cơ sở hạ tầng do chi phí hậu cần của Việt Nam vẫn luôn nằm trong top cao nhất khu vực.

Việc xây dựng cảng nước sâu bên cạnh các khu công nghiệp sẽ giúp Việt Nam giải quyết bài toán về nhập khẩu nguyên vật liệu và xuất khẩu thành phẩm. Phát triển các tuyến đường vành đai hợp lý xung quanh Hà Nội và TP.HCM có thể giúp thông thoáng khu vực trung tâm và kết nối tốt hơn với các khu vực phụ cận đang phát triển, chìa khóa để giảm tắc nghẽn giao thông. Tuy nhiên, về lâu dài Chính phủ có thể cân nhắc việc hình thành cụm công nghiệp xung quanh các khu vực tiềm năng.

“Chiến lược cụm công nghiệp sẽ tạo ra lợi ích kép, vừa tối đa hóa vốn FDI vừa củng cố và tạo ra niềm tin của doanh nghiệp để định vị sản xuất giá trị gia tăng cao hơn”, ông Don Lam nhận xét. Tuy nhiên, để thực sự mở rộng chuỗi cung ứng của mình, các công ty này cần đảm bảo tìm được nguồn cung ứng tiềm năng từ một loạt nhà cung ứng khác nhau. Tổng Giám đốc VinaCapital hy vọng những công ty này sẽ sớm phát triển chuỗi cung ứng tại Việt Nam và điều đó sẽ mang lại lợi ích lớn cho ngành công nghiệp trong nước.