Mở box invitro triệu USD cho hoa Đà Lạt
Từ những năm 1978-1979, việc ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô (invitro) đã bắt đầu hình thành tại Đà Lạt, nhưng đến đầu năm 2000, nuôi cấy mô tư nhân tại Đà Lạt và các vùng lân cận mới phát triển rộng rãi.
Từ cuối năm 2018 đến nay, dịch bệnh bùng phát tại nhiều trang trại khiến nhiều nông dân tại Đà Lạt, Lâm Đồng chịu cảnh thua lỗ. Nhiều người trong ngành cho rằng việc phát triển hệ thống các cơ sở nuôi cấy mô sẽ giảm thiểu đáng kể sản xuất cây giống ngay tại vườn nhà, từ đó hạn chế được mầm bệnh. Tuy nhiên, sản xuất nuôi cấy mô tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn, việc tuyển chọn cây mẹ, thiếu quy trình nhân - nuôi, nguồn nhân lực công nghệ cao được đào tạo chuyên ngành còn hạn chế. Ngoài ra, hiện chỉ có phân nửa số cơ sở tại Lâm Đồng có quy trình nhân giống invitro cây giống hoa chủ lực như cúc, cẩm chướng, địa lan, dâu tây... nhưng đều do các cơ sở tự xây dựng, áp dụng thực hiện ngay tại chỗ, chưa có quy trình chuẩn.
Trong khi đó, chi phí để đầu tư một “box” cấy mô rất lớn, từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng. Việc ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp ở các trung tâm nghiên cứu tại Lâm Đồng vẫn còn chậm, chỉ đạt ở mức lưu giữ gen các giống rau, hoa nhằm bảo tồn đa dạng sinh học cho các nguồn gen và nhân nhanh một số giống sản xuất, chứ chưa chú trọng công tác chọn tạo một giống mới mang tính bản quyền.
Ông Lại Thế Hưng, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Hiện nay, việc nuôi cấy đỉnh sinh trưởng đòi hỏi nguồn nhân lực kỹ thuật cao và máy móc, trang thiết bị hiện đại nên các cơ sở chưa có đủ điều kiện thực hiện nhân nuôi cấy đỉnh sinh trưởng để sản xuất cây giống khỏe và sạch virus.
Vừa qua, được sự tài trợ của JICA, Công ty Himimeji (Nhật) đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt xây dựng trung tâm nghiên cứu và nhân giống hoa, với phòng nhân cấy mô và khu vườn ươm giống, sản xuất hoa hiện đại rộng 2.000 m2. Dự án này trị giá trên 21 tỉ đồng, được thực hiện trong 2 năm.
Sau khi dự án kết thúc, toàn bộ cơ sở vật chất, máy móc thiết bị sẽ được chuyển giao cho thành phố Đà Lạt quản lý và tiếp tục vận hành. Trong đó, đáng kể nhất đó là công nghệ nuôi cấy đỉnh sinh trưởng trên cây hoa cúc, cẩm chướng nhằm tạo ra cây giống sạch virus lần đầu được áp dụng; qua đó sẽ nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất giống khỏe, sạch bệnh và chuyển giao cho các cơ sở sản xuất giống rau, hoa trên địa bàn tỉnh.
Thống kê của Hiệp hội Hoa Đà Lạt cho thấy Lâm Đồng hiện có 78 cơ sở nuôi cấy mô, sản xuất giống với gần 500 box cấy. Riêng năm 2019, các cơ sở sản xuất giống hoa nuôi cấy mô đã cung cấp cho hoạt động sản xuất 2.800 ha ở địa bàn tỉnh, tương đương trên 1 tỉ cây giống các loại. Còn số lượng cây giống nuôi cấy mô mỗi năm xuất khẩu khoảng 30 triệu cây, đạt doanh thu trên 3 triệu USD, chủ yếu là giống trầu bà, hoa trang trí do Công ty Cổ phần Công nghệ Sinh học Rừng hoa Đà Lạt, Trang trại PH, Công ty Công nghệ Sinh học F1 và Công ty Bonnie Farm ký kết gia công với các doanh nghiệp nước ngoài thực hiện. Với tiềm năng, giá trị kinh tế mang lại lớn, sản xuất giống invitro xuất khẩu sẽ là hướng phát triển trong thời gian tới của ngành hoa Lâm Đồng.
Theo ông Hồ Anh Dũng, Giám đốc Công ty Công nghệ Sinh học F1, trong bối cảnh ngành hoa Đà Lạt - Lâm Đồng hằng năm phải nhập khẩu giống để sản xuất thì sự lớn mạnh của ngành invitro không chỉ giúp tự cung cấp nguồn cây giống chất lượng mà còn có thể xuất khẩu. Trong khi đó, ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, cho rằng: “Mặc dù được đánh giá có vị trí số 1 trong khu vực Đông Nam Á, nhưng nhìn chung các cơ sở nuôi cấy mô thực vật tại Đà Lạt, kể cả khu vực nhà nước cũng như khu vực tư nhân, đang bộc lộ nhiều hạn chế".
Các đối tác nước ngoài khi đến làm việc, đặt vấn đề xuất khẩu với các doanh nghiệp trong lĩnh vực nhân giống invitro rất e ngại trước quy mô sản xuất nhỏ; trang thiết bị kỹ thuật hạn hẹp, chưa được đầu tư một cách đồng bộ. Đặc biệt, tính rủi ro bởi các yếu tố thiên tai gây ra quá cao.
Chính vì vậy, vừa qua, Hiệp hội Hoa Đà Lạt đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đề xuất bổ sung thêm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho ngành hoa phát triển. Trong đó, Hiệp hội có một số đề xuất để giúp các cơ sở nuôi cấy mô, các công ty, cơ sở sản xuất giống invitro có thể mở rộng sản xuất, hướng đến xuất khẩu.
Theo Hiệp hội, cần có cơ chế thông thoáng chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất chuyên dụng để xây dựng các phòng lab nuôi cấy mô, song song đó cần bỏ bớt một số quy định trong dự án đầu tư để tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng xây dựng thêm các phòng lab mở rộng sản xuất cũng như có các gói hỗ trợ vốn sản xuất cho các công ty, cơ sở trong lĩnh vực công nghệ sinh học.
Theo ông Phạm S, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, vấn đề đặt ra hiện nay là một số doanh nghiệp đang triển khai xây dựng các trung tâm, phòng nuôi cấy mô trên diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Do đó, việc đầu tư đang dừng lại ở mức quy mô nhỏ, tạm bợ, dưới dạng nhà tiền chế, không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật của một cơ sở sản xuất mang tính khoa học, công nghiệp và hiện đại, nhất là yêu cầu về an toàn phòng cháy chữa cháy.
Tại Lâm Đồng, vấn đề quỹ đất sạch để các doanh nghiệp mở rộng quy mô, mở rộng sản xuất đang là một rào cản, đòi hỏi cần có những cơ chế, chính sách đặc thù riêng trong thời gian tới.