Thứ Sáu | 29/06/2012 09:49

MKP không mua được cổ phiếu quỹ vì cổ đông phản đối hủy niêm yết?

Nếu MKP không gom đủ 30% cổ phiếu quỹ, công ty sẽ không thể hủy niêm yết, dù Nghị quyết ĐHCĐ đã thông qua.
Ngày 25/6, Công ty cổ phần Hóa Dược phẩm Mekophar MKP đã công bố về kết quả của đợt chào mua cổ phiếu quỹ. Theo đó, MKP chỉ mua được 109.405 cổ phiếu, tương đương 1,08% vốn điều lệ, so với khối lượng đăng ký mua là 2,86 triệu cổ phiếu, tương đương 28,34% vốn điều lệ.

Trong khi đó, mức giá 49.000 đồng/cổ phiếu mà MKP đưa ra cao hơn giá trị sổ sách gần 7.000 đồng/cổ phiếu và cao hơn giá thị trường. Trong suốt thời gian MKP đăng ký mua (từ 17/5 đến 18/6), giá thị trường của cổ phiếu MKP cao nhất cũng là 49.200 đồng/cổ phiếu. Vậy tại sao cổ đông MKP không bán?

Diễn biến giao dịch cổ phiếu MKP kể từ đầu năm cho thấy, thanh khoản của cổ phiếu này rất thấp, nhiều phiên không có giao dịch. Những phiên có giao dịch thì lượng mua bán cũng chỉ khoảng 2.000-3.000 cổ phiếu, cao nhất là 5.000 cổ phiếu. Điều này đồng nghĩa, cổ đông không chỉ từ chối trước đợt chào mua cổ phiếu quỹ của MKP, mà còn không muốn tham gia chuyển nhượng cổ phần trên thị trường.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia diễn biến có thể không đơn giản như vậy. Bởi lẽ, so với mức giá 55.000 - 62.000 đồng/cổ phiếu mà cổ phiếu MKP đã lập trong quý IV/2011, con số 49.000 đồng/cổ phiếu vẫn thua kém. Sự từ chối của cổ đông trong đợt chào mua vừa qua có thể xuất phát từ nguyên do cổ đông không đồng tình với mức giá mà MKP đưa ra.

Nhìn lại thời điểm quý IV/2011, đây là thời điểm mà MKP hoàn tất việc khóa "room" đối với nhà đầu tư nước ngoài, đưa sở hữu của nước ngoài ở MKP từ 4,14 triệu cổ phiếu xuống 0% (ngày 1/8/2011). Đây cũng là thời điểm một số cổ đông lớn và cổ đông nội bộ của MKP tiến hành những giao dịch sôi động.

Đơn cử, cổ đông lớn của MKP là Công ty cổ phần Ngoại thương và Phát triển Đầu Tư TPHCM (Fideco) ngay sau khi chính thức nắm giữ hơn 908 nghìn cổ phiếu, tương đương 8,98% vốn ở MKP đã đăng ký mua thêm 1,5 triệu cổ phiếu MKP, nhằm tăng tỷ lệ sở hữu lên 24,16%.

Mục đích của Fideco không thành công khi chỉ mua được 10.700 cổ phiếu sau một tháng tích cực thu gom. Sau đó, Fideco đăng ký mua bán 500 nghìn cổ phiếu MKP. Kết quả, Fideco không bán mà gom được 17.300 cổ phiếu MKP, ít hơn so với đăng ký. Hiện nay, Fideco đang sở hữu 9,4% vốn ở MKP và là cổ đông lớn thứ 2 sau Tổng công ty Dược Việt Nam đang nắm 29,53% vốn ở MKP.

Theo một số cổ đông của MKP, đa số cổ đông không bán cổ phiếu MKP trong đợt chào mua cổ phiếu quỹ lần này là vì cổ đông muốn vô hiệu quyết định hủy niêm yết của MKP. Theo đó, nếu MKP không gom đủ 30% cổ phiếu quỹ, MKP sẽ không thể hủy niêm yết, dù Nghị quyết Đại hội cổ đông đã thông qua. Cần nhắc lại, việc MKP phải tiến hành chào mua công khai, đảm bảo lượng cổ phiếu quỹ phải bằng 30% vốn điều lệ là một trong những điều kiện để MKP được phép rời sàn theo yêu cầu của Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM.

Bàn về khả năng MKP có thể rời sàn được không khi đã tiến hành chào mua cổ phiếu quỹ nhưng không thành công, đại diện HSX cho biết, đang xin ý kiển của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Quan điểm của MKP thì cho rằng, MKP đã làm đúng thủ tục cần thiết để bảo vệ quyền lợi cổ đông trước khi rời sàn như yêu cầu từ phía Sở. Cổ đông không thực hiện quyền này do cổ đông, chứ không phải do doanh nghiệp. Do đó, MKP vẫn tiến hành hủy niêm yết như kế hoạch đã đề ra.

Theo những thông tin mà MKP công bố, thì MKP phải hủy niêm yết để giải quyết vướng mắc trong kinh doanh có yếu tố ngoại. Cụ thể là MKP không được đăng ký hoạt động bán buôn, bán lẻ dược phẩm do MKP có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu cổ phần. MKP xin hủy niêm yết nhằm đẩy gần 5% cổ phần của cổ đông nước ngoài ra khỏi công ty.

Tuy nhiên, mới đây Thủ tướng đã có chỉ đạo giao Bộ Y tế chủ trì khảo sát, đánh giá các cam kết bảo lưu với WTO ở nội dung không mở cửa dịch vụ phân phối dược phẩm cho nhà đầu tư nước ngoài và đề xuất hướng xử lý. Như vậy, vướng mắc của MKP nói riêng và của 21 doanh nghiệp dược trên sàn nói chung không phải là bế tắc nhưng MKP vẫn muốn rời sàn.

Nguồn Đầu tư chứng khoán


Sự kiện