Bà Chu Thị Bình. Ảnh: TL

 
Minh Anh Thứ Ba | 11/08/2020 14:40

Minh Phú "thay tướng" có đổi vận?

Thay chồng làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị không phải là bất ngờ quá lớn đối với cổ đông và Ban lãnh đạo của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú.

Nhiều năm trở lại đây, trong các cuộc họp bà Chu Thị Bình là người luôn kề vai sát cánh với chồng ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc, Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú trong hầu hết các quyết định quan trọng.

Nữ hoàng chứng khoán

Trước khi trở thành Tổng Giám đốc, bà Bình giữ chức Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Minh Phú và được biết đến nhiều hơn trong thương vụ đình đám nhất thị trường tài chính vào 2018, với lùm xùm 245 tỉ đồng tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Ở thời điểm đó, tên tuổi bà Bình bỗng nổi như cồn và được giới truyền thông săn đón.

Vụ việc càng được chú ý hơn khi báo chí biết rằng bà Bình là vợ “vua tôm” Minh Phú, đồng thời bà cũng từng là "nữ hoàng" chứng khoán đầu tiên của Việt Nam với khối tài sản lên đến hàng ngàn tỉ đồng.

Năm 18 tuổi, sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, bà Bình theo cậu vào Nam lập nghiệp. Công việc ban đầu của bà là công nhân thu mua tôm rồi sau đó trở thành kế toán của xí nghiệp đông lạnh Cà Mau. Trong quá trình làm việc, bà Bình đã gặp được ông Quang và kết duyên vợ chồng.

Ông Lê Văn Quang, từng là cán bộ kỹ thuật thủy sản làm trong doanh nghiệp nhà nước, nhưng với những cơ chế còn nhiều ràng buộc, năm 1988, ông quyết định rẽ sang con đường làm đại lý thu mua tôm cho một doanh nghiệp tư nhân. 

Ảnh:
Trước khi trở thành Tổng Giám đốc, bà Bình giữ chức Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Minh Phú. Ảnh: TL.

Với kinh nghiệm đã tích lũy trong thời gian làm việc, hai vợ chồng bà Bình và ông Quang đã lên kế hoạch gây dựng sự nghiệp riêng của mình. Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè cộng với số tiền tích lũy, năm 1992, ông Quang và bà Bình đã thành lập doanh nghiệp tư nhân Minh Phú với số vốn ban đầu là 120 triệu đồng.

Cho đến nay, Minh Phú đã tăng vốn liên tục, lên 90 tỉ đồng, 180 tỉ đồng, 600 tỉ, 700 tỉ và đến nay là 2.000 tỉ đồng và ông Quang vẫn được mệnh là “vua tôm”. Nói đến tài sản, tính đến thời điểm 2018, khối tài sản bà Bình sở hữu lên đến 1.700 tỉ đồng, cao hơn so với khối tài sản ông Quang nắm giữ là 1.500 tỉ đồng.

Ông Quang và bà Bình có 4 người con gái là Lê Thị Diệu Minh, Lê Thị Minh Phú, Lê Thị Minh Quí và Lê Thị Minh Ngọc. Hầu hết 4 người con đều sỡ hữu hằng trăm tỉ đồng tại Tập đoàn Minh Phú. Bà Bình vốn là người phụ nữ quyết đoán và hầu hết các vấn đề liên quan đến tài chính đều được bà xem xét và tính toán. Trong hầu hết những câu hỏi liên quan đến vấn đề tài chính tại các cuộc họp của của Minh Phú đều được bà Bình trả lời và tư vấn nếu có những vấn đề không thỏa đáng.

Vì vậy, ở vị trí Phó Tổng Giám đốc nhiều năm nay nhưng bà Bình vốn là tay hòm chìa khóa và là trụ cột của Minh Phú. Ở vị trí mới, bà Chu Thị Bình giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị, trong khi ông Lê Văn Quang, chồng bà sẽ thôi kiêm nhiệm và chỉ còn giữ chức Tổng Giám đốc. Sau chuyển giao, ông Quang vẫn là người đại diện pháp luật của Công ty.

Loay hoay trở lại thời hoàng kim

Vào thời điểm hoàng kim, cổ phiếu của Minh Phú từng là mơ ước của nhiều công ty khi tăng 122.000 đồng/cổ phiếu. Cụ thể, cuối tháng 3.2015, Minh Phú đã chính thức hủy niêm yết tự nguyện rời sàn HOSE với giá đóng cửa ở mức rất cao. Đó là thời điểm, Minh Phú muốn vươn ra biển lớn khi muốn hợp tác với đối tác ngoại nhưng lại vướng quy định niêm yết trên sàn chứng khoán.

Mặc dù Minh Phú là doanh nghiệp đầu ngành thủy sản Việt Nam, nhưng giá cổ phiếu lại luôn có xu hướng đi xuống, thanh khoản thấp kéo dài và không huy động được vốn trên thị trường. Đồng thời, giá giao dịch của cổ phiếu MOC cũng thấp hơn giá trị thực của Công ty. Vì thế, các nhà đầu tư chiến lược rất khó đầu tư vào Minh Phú bởi họ sẽ phải ghi nhận ngay khoản lỗ khi vừa giải ngân vốn.

Từ năm 2017, khi Minh Phú quay trở lại sàn chứng khoán với mong muốn có thể quay lại thời hoàng kim. Tuy nhiên, từ đó đến nay, chưa năm nào Minh Phú hoàn thành được kế hoạch đề ra. Chẳng hạn, trong Báo cáo tài chính quý I/2020, của công ty mẹ, doanh thu thuần trong kỳ đạt 1.855 tỉ đồng giảm 15% so với cùng kỳ, sau khi trừ giá vốn lãi gộp đạt gần 143 tỉ đồng, giảm 12% so với quý I/2019.

Trong quý II/2020, biên lợi nhuận gộp tăng từ 8,1% lên 9,1% nhưng biên lợi nhuận ròng lại giảm từ 5,8% về chỉ còn 5,3%. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu là 3.836,9 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế là 242,5 tỉ đồng, lần lượt giảm 25,4% và 36,4% so với 6 tháng đầu năm 2019.

 

Nhìn lại doanh thu năm 2019, Minh Phú cũng đi thụt lùi khi hoàn thành doanh số xuất khẩu đạt 643 triệu USD, giảm 14,25% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân được Ban lãnh đạo đưa ra là do thời tiết và dịch bệnh ảnh hưởng mạnh mẽ đến nguồn tôm nguyên liệu của Công ty.

Trong thời điểm khó khăn vì dịch bệnh, Minh Phú còn liên tục bị ảnh hưởng từ những tác động bên ngoài. Tháng 1 vừa qua, Minh Phú nhận được thông tin qua báo chí về việc Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ đã chính thức khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá đối với MSeafood, công ty con của Minh Phú tại Mỹ (điều tra EAPA). Đồng thời, Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ cũng áp dụng biện pháp tạm thời sơ bộ theo cáo buộc của tổ chức Ủy ban thực thi thương mại tôm Mỹ (AHSTEC).

Hồi đầu năm, Minh Phú cũng bị cáo buộc lẩn tránh thuế chống bán phá giá khi xuất khẩu tôm nguyên liệu của Ấn Độ vào Mỹ. Sự việc bắt nguồn từ lá thư gửi tới ủy viên Kevin McAleenan thuộc Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ của đại biểu bang Illinois là ông Darin LaHood.

 

Đối tượng được ông LaHood nhắc đến là Tập đoàn Minh Phú và công ty nhập khẩu tại Mỹ của Tập đoàn là Mseafood Corporation. Lá thư trên cáo buộc Tập đoàn Minh Phú đã lách thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh từ Ấn Độ gây tổn hại tới các nhà sản xuất tôm của Mỹ và tạo ra mối nguy cho người tiêu dùng tôm tại Mỹ. Tuy nhiên, phía Minh Phú đã ngừng sử dụng nguyên liệu Ấn Độ từ tháng 2.2019.

Trước quá nhiều khó khăn, tháng 6 vừa qua, Minh Phú đã thay đổi kết quả kinh doanh vì lo ngại khó đạt được kết quả. Theo đó, mục tiêu năm nay doanh thu hơn 15.200 tỉ đồng và lãi sau thuế 915 tỉ đồng, giảm 30% so với dự kiến đầu năm.

Có thể bạn quan tâm:

Thiếu hụt nguyên liệu, Minh Phú chi thêm 280 tỷ đồng nuôi tôm