Ảnh: TL

 
Ngọc Thủy Thứ Sáu | 03/01/2020 15:28

Minh Phú áp dụng công nghệ mở rộng thị trường

Minh Phú áp dụng các công nghệ số hóa mới nhất cho tham vọng mở rộng thị trường thế giới.

Trong lễ ký kết giữa Thủy sản Minh Phú và FPT, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Minh Phú, đã nhắc đến mục tiêu chiếm 25% thị phần ngành tôm thế giới. Chính ông Quang thừa nhận, mục tiêu này rất tham vọng, nhất là khi Minh Phú chỉ mới chiếm khoảng 4% thị phần thế giới và tính chung cả Việt Nam nắm chưa tới 10%. Vì vậy, Minh Phú đã định ra thời gian khá dài là đến năm 2045 mới hoàn thành mục tiêu này.

Đích ngắm 25%

Minh Phú hiện là một trong những nhà sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm hàng đầu của thế giới, có mặt ở hơn 50 thị trường với doanh số hằng năm hơn 10.000 tỉ đồng. Nhưng để đạt mục tiêu 25% thị phần tôm toàn cầu, ông Lê Văn Quang nhấn mạnh: “Minh Phú phải thay đổi, chuyển đổi số mới có thể đột phá”.

Trước mắt, theo báo cáo thường niên, để chạm tay vào con số 25% thị phần, Minh Phú sẽ làm rất nhiều việc: hoàn thiện chuỗi giá trị tôm khép kín; đạt các chuẩn mực, chứng nhận quốc tế như BAP, ASC, Global GAP, Naturland, BIO Suisse, EU BIO... để gia tăng lợi thế cạnh tranh; riêng các nhà máy của Minh Phú (Minh Phú Cà Mau, Minh Phú Hậu Giang, có tổng công suất 76.000 tấn/năm) cần mở rộng thêm. Minh Phú cũng có kế hoạch chủ động nguồn nguyên liệu (hướng tới 50% tự nuôi, 50% liên kết). Minh Phú dự kiến sẽ đẩy mạnh vụ tôm lên 4-5 vụ/năm.

Nhưng đáng chú ý nhất là để cắt giảm chi phí và tăng lợi nhuận trong chế biến tôm, Minh Phú dự kiến sẽ robot hóa và ứng dụng vạn vật kết nối (IoT), trí tuệ nhân tạo (A.I) vào trong quy trình công nghệ chế biến. Minh Phú sẽ chuyển dần phương thức bán hàng B2B sang B2C và bán hàng trực tuyến. Minh Phú dự tính xây sàn giao dịch tôm đầu tiên ở Việt Nam. Ngoài ra, Công ty sẽ ứng dụng nền tảng blockchain vào truy xuất nguồn gốc. Ở mảng phân phối và logistics, sau khi nhà đầu tư Nhật này trở thành cổ đông chiến lược, Mitsui cam kết sẽ hỗ trợ Minh Phú thông qua hệ thống Mitsui trên toàn cầu (65 quốc gia, 140 chi nhánh).

Hiện tại, Mỹ, Nhật, Canada là những thị trường trọng điểm của Minh Phú và được ưu tiên dấn bước. Minh Phú cũng sẽ mở rộng sang các thị trường mới như Trung Quốc. Ông Lê Văn Quang chia sẻ, một khi đạt được 25% thị phần tôm toàn cầu thì Minh Phú sẽ là người dẫn dắt thị trường, từ đó lợi nhuận sẽ tất yếu đạt từ 20-30% trở lên.

Có thể thấy, các giải pháp cho tương lai của Minh Phú đều cần đến ứng dụng công nghệ. Hai năm qua, Công ty đã làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ của thế giới. Tuy nhiên, ngay cả Microsoft vẫn không đưa ra được sản phẩm/dịch vụ phù hợp với nhu cầu thực tiễn của Công ty. Minh Phú đã chọn bắt tay với FPT với kỳ vọng, FPT sẽ hiểu doanh nghiệp Việt Nam và hỗ trợ tư vấn chuyển đổi số, sẵn sàng đi đến cùng với Minh Phú.

Động lực chuyển đổi số

Theo nội dung ký kết, FPT sẽ giúp Minh Phú trong các nhiệm vụ cấp bách như tự động hóa sản xuất; xây dựng dữ liệu lớn (Big Data) cho ngành tôm; xây dựng hệ thống liên kết chặt chẽ thông tin cũng như hoạt động trong chuỗi giá trị kinh doanh của Minh Phú; áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc; thiết lập KPI hiệu quả.

Hai bên không cho biết giá trị và thời hạn hợp đồng nhưng ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, nhấn mạnh, đây là bước hợp tác toàn diện từ sản xuất cho đến thương mại. Nhiệm vụ đặt ra cho cả 2 là rất thách thức. Bởi như ông Hoàng Việt Anh, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách chuyển đổi số FPT, chia sẻ: “Chuyển đổi số không phải câu chuyện ngày một ngày hai. Chuyển đổi số sẽ liên tục xảy ra chừng nào chúng ta vẫn còn làm kinh doanh”.

Thực tế, ngoài những thách thức từ triển khai chuyển đổi số, Minh Phú còn đối diện với nhiều trở ngại khác trong chặng đường chạy đua đạt tới mục tiêu 25% thị phần. Chẳng hạn, do Minh Phú là doanh nghiệp xuất khẩu tôm (99% doanh thu) nên thách thức đáng kể là cạnh tranh từ các doanh nghiệp Ấn Độ, Thái Lan, Ecuador... Hiện tại, giá tôm của Việt Nam cao hơn các nước khoảng 15-20%, còn con giống, thức ăn cho tôm phần lớn phải nhập khẩu, 90% thuốc kháng sinh cho tôm trong tay doanh nghiệp ngoại, theo ghi nhận của Công ty Chứng khoán Bảo Việt nên khả năng cạnh tranh của tôm Việt gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, đến năm 2025, theo Tổ chức Lương Nông Liên hiệp Quốc, nhu cầu tôm chỉ tăng 3,8%/năm còn nguồn cung tôm lại tăng 8,5%/năm. Tình trạng này đã và sẽ kéo giá tôm giảm. Minh Phú cũng chịu những rủi ro từ rào cản thương mại các nước. Chẳng hạn, Minh Phú từng dính vào cáo buộc lẩn tránh thuế chống bán phá giá tại Mỹ. Năm 2018, ngoài sản lượng sản xuất, các chỉ tiêu khác không hoàn thành được kế hoạch đề ra. Trong 10 tháng năm 2019, doanh thu xuất khẩu tiếp tục giảm hơn 10% về 550 triệu USD.

Minh Phú chấp nhận các thách thức này và kỳ vọng, chuyển đổi số sẽ giúp Minh Phú phân tích được dữ liệu của quá trình nuôi tôm, kết nối chế biến và đáp ứng nhu cầu của khách hàng trên từng đơn hàng