Thứ Tư | 03/04/2013 14:15

Minh bạch hoá nguồn gốc thuỷ sản qua truy xuất điện tử

Truy xuất nguồn gốc là một phương tiện giúp người tiêu dùng tìm hiểu thực trạng, đánh giá chất lượng và sự an toàn của thực phẩm.
Minh bạch hóa và phát triển bền vững thông qua truy xuất nguồn gốc điện tử là một trong những chủ đề chính của cuộc hội thảo quốc tế do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức bên lề Triển lãm thủy sản quốc tế vừa kết thúc hôm qua tại thành phố Boston, Mỹ.

Truy xuất nguồn gốc là một phương tiện nhằm giúp người tiêu dùng tìm hiểu thực trạng, đánh giá chất lượng và sự an toàn của thực phẩm mà họ sử dụng. Theo các tham luận tại hội thảo, hệ thống này đặc biệt quan trọng đối với các nhà xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, đặc biệt là tại các thị trường “khó tính” như Liên minh Châu Âu hay Mỹ.

Ông Lý Hoàng Hải, Phó Giám đốc dự án truy xuất nguồn gốc “Traceverified” cho biết: “Truy xuất nguồn gốc là sự thu thập thông tin về sản phẩm trong suốt quy trình sản xuất và chế biến. Tại các thị trường Châu Âu, Mỹ và ngay cả Việt Nam đều có quy định về truy xuất nguồn gốc, tức người tiêu dùng có thể tra cứu thông tin sản phẩm đó được sản xuất như thế nào. Khi đó chúng ta sẽ biết được chuỗi thông tin từ con giống, được nuôi ở đâu, được cho ăn gì, trong thức ăn có kháng sinh hay không, có sử dụng phụ gia trong quá trình chế biến hay không.”

Hội thảo do VASEP tổ chức tại Mỹ.
Hội thảo do VASEP tổ chức tại Mỹ.

Tuy nhiên, hệ thống truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam hiện nay vẫn lạc hậu, chủ yếu dựa vào hồ sơ lưu trữ nên người tiêu dùng khó có khả năng tiếp cận. Một nhược điểm nữa của phương pháp này là tốn nhiều thời gian và công sức trong việc ghi chép hay tìm kiếm thông tin. Do vậy, truy xuất điện tử là yêu cầu tất yếu đối với doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam.

Ông Heiner Lehr, Chuyên gia tư vấn truy xuất điện tử Đan Mạch cho biết: "Hiện nay, hệ thống truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam hoạt động phần lớn dựa vào giấy tờ lưu trữ và đây là một vấn đề vì nó hạn chế khả năng tiếp cận thông tin của người tiêu dùng. Chúng ta có thể so sánh giống như một thư viện và Google, kho thông tin trực tuyến hữu ích cho hàng tỷ người. Truy xuất nguồn gốc cũng cần phải như Google, tức là thông tin về sản phẩm cần phải được đăng tải trên internet càng sớm càng tốt và đây là bước đi mang tính cách mạng cần thực hiện đối với ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam."

Với hệ thống truy xuất điện tử, không chỉ các nhà phân phối mà bất kỳ người tiêu dùng nào cũng có thể dễ dàng tìm kiếm đầy đủ thông tin về sản phẩm chọn mua tại bất cứ đâu chỉ với một chiếc điện thoại thông mimh.

Ông Lý Hoàng Hải nói: "Trong hệ thống truy xuất điện tử của chúng tôi, người nông dân có thể lập tức đưa lên những thông tin như hôm nay đã cho cá ăn gì, ngày thu hoạch, vận chuyển đến cơ sở chế biến nào…Dựa trên những thông tin này, chúng tôi sẽ xây dựng báo cáo truy xuất nguồn gốc và bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận được báo cáo này. Ví dụ như một người tiêu dùng đi siêu thị và muốn mua một sản phẩm nào đó thì họ chỉ cần sử dụng điện thoại di động quét mã vạch trên phẩm đó để tìm toàn bộ thông tin liên quan."

Theo ông Lý Hoàng Hải, cơ quan quản lý hệ thống truy xuất điện tử sẽ trực tiếp kiểm chứng thông tin mà nhà sản xuất và chế biến thực phẩm đăng tải qua các hoạt động kiểm tra định kỳ và đột xuất để đảm bảo những thông tin đưa lên đều chính xác. Truy xuất điện tử hiện mới chỉ được các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện đối với khách hàng nước ngoài nhưng trong tương lai hệ thống này sẽ được áp dụng tại Việt Nam để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng trong nước.

Nguồn VOV


Sự kiện