Năm 2025 Miliket đặt mục tiêu doanh thu gần 869 tỉ đồng, tăng 14% so với năm trước, nhưng lãi trước thuế dự kiến chỉ 29 tỉ đồng, giảm nhẹ 0,7%. Ảnh: TL.

 
Nguyễn Mai Thứ Ba | 08/07/2025 14:00

Miliket “lột vỏ” 2 tôm

Thị phần thu hẹp nhanh chóng, thương hiệu mì quốc dân “2 tôm” đứng trước áp lực phải đổi mới.

Đại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, Công ty Cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa - Miliket (CMN) bất ngờ đưa ra đề nghị cắt giảm cổ tức năm 2024 xuống mức thấp nhất lịch sử ở mức 13% (1.300 đồng/cổ phần), tương đương chi 6,24 tỉ đồng. Trong khi đó, cổ phiếu CMN chỉ có khối lượng khớp lệnh trung bình 36 cổ phiếu/phiên ở mức 55.100 đồng/cổ phiếu, mất gần 38% giá trị so với mức đỉnh gần 89.000 đồng của tháng 2/2022.

Theo bà Lưu Thị Tuyết Mai, Chủ tịch Hội đồng Quản trị CMN, trước khi cổ phần hóa, Công ty chiếm khoảng 20% thị phần, hiện chỉ còn khoảng 2% thị phần tại Việt Nam. Nếu không mạnh dạn đầu tư phát triển thì không thể vươn mình được trong các năm tới. Theo đó, lý giải việc giảm cổ tức, Ban điều hành Công ty cho biết cần giữ lại lợi nhuận để đầu tư sửa chữa máy móc, đáp ứng đơn hàng xuất khẩu tăng mạnh và chuẩn bị cho kế hoạch nhà máy mới. Nhiều ý kiến lo ngại tình trạng công suất đã hết, khách đặt hàng nhưng 7 ngày mới có hàng, máy móc thủ công, kho chật hẹp, nhiều đơn hàng phải từ chối hoặc chờ đến nửa tháng mới giao được.

 

Tình hình này cho thấy bất lợi cạnh tranh của thương hiệu mì quốc dân một thời. Trong khi đó, Việt Nam là một trong những quốc gia có mức tiêu thụ mì ăn liền bình quân đầu người cao nhất thế giới. Theo World Instant Noodles Association, năm 2024 Việt Nam tiêu thụ hơn 8 tỉ gói mì ăn liền trong tổng số 100 tỉ gói toàn thế giới. Dự báo con số này sẽ vượt 10 tỉ gói/năm vào năm 2030.

Thị trường mì gói Việt Nam hiện bị chi phối bởi một số tập đoàn lớn, tạo nên cuộc cạnh tranh gay gắt với những tên tuổi như Acecook Việt Nam, Masan Consumer, Asia Foods, Uniben... Nhiều thương hiệu nước ngoài như Nongshim, Ottogi (Hàn Quốc), Indofood (Indonesia) đang tăng cường kinh doanh tại Việt Nam, xem đây là cửa ngõ vào Đông Nam Á, làm tăng thêm áp lực cạnh tranh.

Giữa một rừng thương hiệu mì gói, Miliket đã in sâu vào tâm trí người tiêu dùng Việt Nam với hình ảnh mì “2 tôm”. Với mức giá thấp, phù hợp với phân khúc khách hàng bình dân, thương hiệu này có mạng lưới hơn 200 nhà phân phối trên toàn quốc và xuất khẩu sang nhiều thị trường quốc tế. Tuy nhiên, thiết kế bao bì giấy truyền thống dù là biểu tượng nhưng lại bị đánh giá là lỗi thời, ít hấp dẫn so với các đối thủ cạnh tranh với mẫu mã đa dạng, bắt mắt.

Đáng chú ý, Miliket ít có các chiến dịch marketing rầm rộ, quảng cáo trên các kênh truyền thông hiện đại, dẫn đến việc khó tiếp cận và thu hút thế hệ trẻ. Phân khúc giá rẻ dù là điểm mạnh, nhưng việc quá phụ thuộc vào phân khúc giá rẻ có thể hạn chế tiềm năng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận khi chi phí nguyên vật liệu và sản xuất tăng cao.

Trong khi đó, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chất lượng, hương vị và sự tiện lợi của sản phẩm đi cùng giá trị dinh dưỡng cao hơn và ít chất phụ gia. Theo báo cáo từ NielsenIQ, 77% người tiêu dùng Việt sẵn sàng trả thêm tiền cho sản phẩm có chất lượng cao hơn và nhu cầu “ăn tiện lợi nhưng chất lượng như quán” đang lên ngôi. Xu hướng tiêu dùng này buộc các doanh nghiệp phải liên tục đổi mới sản phẩm, nghiên cứu và phát triển các dòng mì gói mới với hương vị độc đáo, nguyên liệu chất lượng cao và bao bì tiện lợi. Mặc dù chi phí tăng, nhưng giá bán cao hơn có thể giúp duy trì hoặc thậm chí tăng biên lợi nhuận gộp trên mỗi đơn vị sản phẩm so với phân khúc phổ thông.

 

Xu hướng này càng làm rõ những bất lợi của thương hiệu mì bình dân Miliket. Vài năm gần đây, thị trường đã rộ lên thông tin chủ thương hiệu Miliket sẽ di dời nhà máy và có chủ trương đầu tư nhà máy mới tại miền Bắc, cho thấy có thể có những hạn chế về quy mô hoặc công nghệ sản xuất hiện tại. Ông Trần Hoàng Ngân, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc CMN, cho biết Công ty đang tiến hành nhiều biện pháp để nâng cao hiệu quả vận hành, trong đó tập trung đầu tư máy móc mới cho khu vực sản xuất gia công tại miền Bắc, chuẩn bị ngừng mì ký, tiết giảm chi phí vận hành ở nhiều khâu.

Năm 2025 Miliket đặt mục tiêu doanh thu gần 869 tỉ đồng, tăng 14% so với năm trước, nhưng lãi trước thuế dự kiến chỉ 29 tỉ đồng, giảm nhẹ 0,7%. Miliket hiện có 5 cổ đông lớn nắm tới 86% vốn, trong đó Vinafood 2 sở hữu 30,72%, Vinataba 20%, Công ty Mesa 20,8%, ông Trịnh Việt Dũng 9,71%, Công ty Thiên Hải giữ 5,53%. Bà Tuyết Mai nhìn nhận Công ty chưa thể đầu tư nhà máy mới xuất phát từ khó khăn trong việc thống nhất tăng vốn, do trong cơ cấu cổ đông có 2 đơn vị sở hữu vốn nhà nước. Nếu được thúc đẩy quyết liệt hơn từ các cổ đông nhà nước trong giai đoạn trước, Miliket ngày nay đã có thể sở hữu nhà máy, văn phòng mới và quy mô doanh thu vượt 1.000 tỉ đồng.

Có thể thấy, với một cơ cấu và tư duy kinh doanh đã ăn sâu vào phân khúc bình dân, việc Miliket thay đổi để thích nghi với xu hướng tiêu dùng mới đòi hỏi sự lột xác toàn diện từ sản phẩm, bao bì, kênh phân phối cho đến chiến lược marketing. Điều này không hề dễ dàng và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để thành công, họ sẽ phải đối mặt với việc làm mới hoàn toàn hình ảnh thương hiệu đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt, đầu tư mạnh mẽ vào sản phẩm và truyền thông, đồng thời cạnh tranh trực diện với các đối thủ có tiềm lực mạnh hơn nhiều. Đây là một hành trình gian nan và chiến lược rất khác biệt so với những gì Miliket đã làm trong nhiều thập kỷ qua.

Có thể bạn quan tâm

Kinh tế tư nhân: Tăng trưởng cần tiền