Hình ảnh tại Ngân hàng Techcombank. Ảnh: Quý Hòa.
Miễn phí chuyển khoản đang trở thành xu hướng của các ngân hàng
Thông thường, khi khách hàng chuyển tiền trong cùng hệ thống ngân hàng sẽ không mất phí hoặc phải chịu một khoản phí rất thấp. Tuy nhiên, nếu thực hiện chuyển khoản giữa các ngân hàng không cùng hệ thống thì người dùng sẽ phải chịu một khoản chi phí không hề thấp cho mỗi lần giao dịch.
Trong bối cảnh nhu cầu chuyển khoản ngày càng tăng cao, nhiều ngân hàng đã đưa ra ưu đãi miễn phí chuyển tiền cả trong và ngoài hệ thống ngân hàng.
Giá trị giao dịch chuyển khoản ngày càng tăng. Ảnh: VCBS. |
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), miễn phí chuyển khoản dần trở thành xu hướng của nhóm ngân hàng cổ phần năng động.
VCBS cho rằng tăng phí giao dịch có thể giúp các ngân hàng tăng trưởng thu nhập, tuy nhiên việc miễn phí giao dịch kết hợp với các hình thức tăng trải nghiệm khách hàng khác lại giúp các ngân hàng thu hút khách hàng thường xuyên, nhờ đó có thể giảm chi phí vốn khi tiền gửi không kỳ hạn tăng và huy động dễ dàng hơn. Ngoài ra, tệp khách hàng cá nhân thường xuyên tăng lên cũng giúp ích cho việc tăng tín dụng khi đây là nhóm khách hàng mục tiêu của nhiều ngân hàng.
Hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) của các ngân hàng năm 2019. Ảnh: VCBS. |
Nhìn về triển vọng năm 2021 của ngành Ngân hàng, VCBS đánh giá nhóm ngân hàng lớn (Agribank, Vietcombank, BIDV và Vietinbank) tiếp tục phải chịu áp lực giảm lãi suất đầu ra khi Ngân hàng Nhà nước chưa có động thái thay đổi về chính sách điều hành. Do đó, biên lãi ròng NIM (chênh lệch phần trăm giữa thu nhập lãi và chi phí lãi phải trả của ngân hàng) của nhóm này giảm trong năm 2020 và chưa thể hồi phục hoàn toàn trong năm 2021.
Đối với nhóm ngân hàng cổ phần năng động như ACB, MBBank,Techcombank, VPBank, TPBank,.. VCBS đánh giá đây là nhóm có tốc độ tăng trưởng cao hơn về tín dụng do có nguồn lực tốt hơn (hệ số CAR cao, nguồn vốn từ lợi nhuận giữ lại dồi dào) và quy mô nhỏ.
Ngoài ra, áp lực giảm lãi suất đầu ra thấp hơn nhóm ngân hàng lớn giúp cho nhóm này giữ được biên lãi ròng NIM cao và tiếp tục ghi nhận tăng trưởng khả quan từ thu nhập lãi thuần.
Thông tư 01 về Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 dự báo hết hiệu lực trong năm 2021, khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát sau khi nhiều nước có thể sản xuất đại trà vaccine phòng bệnh.
Với dấu hiệu phục hồi tốt của dư nợ tái cơ cấu, nợ xấu gia tăng đến từ nhóm khách hàng dự kiến ở mức 0,5-1% tổng dư nợ và sẽ có mức độ phân hóa mạnh giữa các ngân hàng tùy thuộc vào chất lượng tài sản. Bên cạnh đó, các ngân hàng đã thực hiện trích lập dự phòng mạnh mẽ trong năm 2020 cho các khoản nợ xấu có thể phát sinh trong tương lai sẽ ít phải chịu áp lực tăng trích lập dự phòng trong năm 2021.
VCBS cũng kỳ vọng tốc độ tăng trưởng tín dụng hồi phục và đạt khoảng 11 -12% trong năm 2021. “Chúng tôi ghi nhận kỳ vọng lạc quan hơn ở nhiều ngân hàng so với giai đoạn đầu năm khi nhu cầu tín dụng của nhóm khách hàng cá nhân đang tăng trở lại. Do đó, chúng tôi kỳ vọng tốc độ tăng trưởng tín dụng có cải thiện trong quý IV/2020 và cả năm 2021”, VCBS nhận xét.
* Có thể bạn quan tâm
►Trong "môi trường" lãi suất thấp, ngân hàng nào được hưởng lợi nhiều nhất?