Microsoft: Thay đổi để trưởng thành
Tháng 7 vừa rồi, tập đoàn này cũng đã báo cáo mức tăng trưởng doanh thu ấn tượng, lên đến 2 chữ số trong kết quả kinh doanh quý, và đóng góp chủ lực đến từ công nghệ đám mây.
Vào năm 1975 khi sáng lập ra Microsoft cùng Paul Allen, Bill Gates đã đặt ra sứ mệnh “mang máy vi tính đến mỗi bàn làm việc và mỗi gia đình”. Cùng với niềm đam mê học hỏi và đổi mới, hai nhà lãnh đạo đã đưa Microsoft trở thành một trong những gã công nghệ khổng lồ toàn cầu. Ngay từ những ngày đầu chúng ta biết đến công nghệ, cái tên Microsoft cùng Windows, hay bộ Office đã luôn được nhắc đến. Tuy nhiên, vào thời điểm những năm 2010, khi xu hướng công nghệ bắt đầu chuyển hướng qua các thiết bị di động, máy vi tính đã không còn là một trong những thiết bị “phải có” để tiếp cận công nghệ. Từ đó, có vẻ như Windows và Office cũng bị “lạnh nhạt”. Gartner đã từng cho rằng vào năm 2017, Microsoft sẽ chính thức bị lỗi thời, và có thể sẽ rơi vào quên lãng.
Điềm tĩnh trước bão tố và cuộc thay đổi ngoạn mục.
Tháng 2 năm 2014, Microsoft toàn cầu chính thức giới thiệu CEO thứ 3: ông Satya Nadella.
Vẫn với niềm đam mê học hỏi và đổi mới không ngừng, nhưng Satya cho rằng sứ mệnh của công ty cần được thay đổi: “Trao quyền để mỗi tổ chức và mỗi cá nhân đạt được nhiều hơn.”
Không rầm rộ, khoa trương, nhưng Microsoft đã thay đổi một cách nhanh chóng đến ngỡ ngàng. Chỉ không lâu sau khi Satya Nadella giữ chức CEO, có thể nói Microsoft đã “trở lại và lợi hại hơn xưa.”
Đẩy mạnh các giải pháp công nghệ trên nền tảng đám mây, kết hợp với trí thông minh nhân tạo và IoT, Microsoft lấy thành công của khách hàng doanh nghiệp làm thành công của chính mình. Khi nhắc đến Microsoft, chúng ta nghe nhiều hơn những câu chuyện về khách hàng như GE, Marks & Spencer, Starbucks, Bayer hay Telefonica, đã chuyển đổi số thành công như thế nào với Microsoft.
Ông Phạm Thế Trường, Tổng Giám Đốc Việt Nam. |
Dường như chỉ trong vài năm chuyển hướng sang doanh nghiệp, Microsoft đã thực sự trưởng thành, âm thầm nhưng dồn dập và mạnh mẽ. Những sự kiện lớn nhỏ do Microsoft tổ chức ở qui mô toàn cầu nhắc nhiều hơn đến giải pháp số hóa, tăng khả năng tương tác, cải thiện hiệu suất hay giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp.
Ngay cả tại Việt Nam, một trong những nước chỉ mới bước những bước đầu vào hành trình chuyển đổi số, sự chuyển mình của Microsoft tuy được nhìn thấy chậm hơn, nhưng cũng đã bắt đầu rõ nét. Đầu năm 2018, Microsoft Việt Nam bổ nhiệm ông Phạm Thế Trường vào vị trí Tổng Giám Đốc Việt Nam. Là một người có tầm nhìn, với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh phần mềm và từng tham gia công tác điều hành tại nhiều công ty công nghệ hàng đầu, vị Tổng Giám Đốc này được Microsoft tin tưởng sẽ giúp sứ mệnh toàn cầu của tập đoàn được thực hiện sớm hơn tại Việt Nam.
Là người đứng đầu Microsoft Việt Nam, mục tiêu chính của ông Trường là giúp các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt được nhiều hơn trong hành trình chuyển đổi số với những công nghệ hàng đầu từ Microsoft.
Gần đây nhất là câu chuyện chuyển đổi số của tập đoàn thủy sản Minh Phú, với sự đồng hành của Microsoft Việt Nam. Sau một khoảng thời gian sử dụng những giải pháp văn phòng của Microsoft nhằm xây dựng môi trường làm việc hiện đại, an ninh và bảo mật, cải thiện hiệu năng làm việc và nâng cao tính tương tác giữa các bộ phận, Minh Phú đang bắt tay vào việc lập kế hoạch và thực hiện những dự án ứng dụng IoT và trí thông minh nhân tạo lớn nhỏ khác nhau, nổi bật là dự án xây dựng mô hình nhà máy thông minh.
Ông Lê Văn Quang, chủ tịch tập đoàn thủy sản Minh Phú bày tỏ: “Với sự tư vấn và hỗ trợ của Microsoft, chúng tôi tin rằng Minh Phú sẽ có thể sớm ứng dụng công nghệ tiên tiến vào toàn bộ quy trình sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm đầu cuối. Với việc tự động hóa từ những khâu như phân loại, chế biến, đóng gói đến quản lý máy móc, rủi ro, Minh Phú sẽ có thể rút ngắn quy trình sản xuất mà vẫn đảm bảo rằng người dùng sẽ nhận được những sản phẩm tươi ngon và chất lượng.”
FPT, Techcombank Security hay Vinamilk, Trung Nguyên cũng là những khách hàng tiêu biểu đã và đang tham gia chuyển đổi số cùng với Microsoft tại Việt Nam.
Chú trọng vào doanh nghiệp, nhưng điều này không có nghĩa là Microsoft không còn quan tâm đến người tiêu dùng nữa. Microsoft vẫn đều đặn tung ra những bản cập nhật Windows và Office mới. Bên cạnh có, tuy không bán chính thức tại Việt Nam, nhưng những thiết bị Surface mới được công bố vẫn đang tạo nhiều tiếng vang với những tính năng cải tiến thúc đẩy sáng tạo người dùng.
Trưởng thành là sự lựa chọn khôn ngoan.
Không phải là cậu hotboy luôn thu hút mọi ánh nhìn của người khác, Microsoft giờ đây là một người đàn ông thành đạt, chín chắn và từng trải.
Vẫn có mặt, nhưng không vội vã chạy đua trên thị trường người tiêu dùng, bởi người tiêu dùng dễ dàng bị cuốn hút và trở nên cuồng nhiệt với những sản phẩm mới được ra mắt, sẵn sàng mở hầu bao vì sở thích chứ không phải nhu cầu, nhưng cũng dễ dàng thay đổi bất cứ lúc nào.
Thị trường doanh nghiệp mặt khác có vẻ trầm tĩnh hơn, nhưng nhu cầu về công nghệ lại rất mạnh mẽ. Doanh nghiệp nào cũng đều có những mục tiêu và nhu cầu về bảo mật, năng suất, hiệu quả và chi phí. Tại thị trường này, Microsoft đang nắm giữ một vị trí tiên phong so với các đối thủ khác.
Có thể nói, lựa chọn trưởng thành và hướng tới doanh nghiệp của Microsoft là một trong những lựa chọn khôn ngoan và đầy tính toán.