Nguyễn Nhuận Thứ Sáu | 08/06/2018 12:00

Mì ly bắt đúng cơn “khát” của thị trường mì Việt

Thị trường mì gói bão hòa, đòi hỏi một hướng đi mới và những dòng sản phẩm mới.

Ly mì đầu tiên của thế giới ra đời tại Nhật năm 1971. Từ đó đến nay, mì ly tại Nhật đã phát triển nhanh chóng, liên tục tăng trưởng và hiện chiếm tới 70% ngành hàng.
Ở Việt Nam, các năm 2013-2015, mức tiêu thụ mì gói có phần sụt giảm, tổng nhu cầu từ 5,2 tỉ gói/năm giảm còn 4,8 tỉ gói/năm. Thị trường mì gói bão hòa, đòi hỏi một hướng đi mới và những dòng sản phẩm mới. Bắt đúng “cơn khát” này, các sản phẩm mì ly liên tục gia nhập thị trường và đạt được mức tăng trưởng kinh ngạc, đưa tổng mức tiêu thụ các sản phẩm ăn liền năm 2016 khởi sắc trở lại với con số gần 5 tỉ gói/năm.

Mì ly lên ngôi
Những cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/7 xuất hiện ngày càng nhiều tại các thành phố lớn. Cửa hàng luôn có sẵn nước nóng để khách tự mua mì, chế nước, ngồi ăn tại chỗ. Tại đây, các sản phẩm mì ly, tô, khay đang thể hiện rõ ưu thế của mình so với mì gói.

Ưu điểm tiện dụng của mì ly và sự đón nhận của thị trường khiến các nhà sản xuất lớn trong ngành không thể chậm chân trong cuộc đua mới. Tiên phong là mì ly Modern của Acecook Việt Nam gia nhập thị trường từ những năm 2008, tiếp đến là mì ly cao cấp Enjoy năm 2012, mới đây nhất là mì ly Handy Hảo Hảo năm 2016, bên cạnh đó còn có loại sản phẩm khay, tô như mì xào Táo Quân, mì rong biển Wakame...

Mi ly bat dung con “khat” cua thi truong mi Viet
 

Nissin Foods có nhãn hiệu mì ly lâu đời Cup Noodles. Masan có mì ly Omachi. Asia Foods có mì ly VIP Gấu Đỏ. Vifon có Ngon - Ngon... Đồng thời, các nhãn hiệu mì ly “ngoại nhập” từ Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật cũng nhanh chóng góp mặt khiến cuộc đua thêm sôi động. Mặc dù có mức giá cao gấp đôi, gấp ba mì gói thông thường nhưng mì ly vẫn được phân khúc khách hàng trung bình và cao cấp ưa chuộng.

Ông Kajiwara Junichi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam, cho biết: “Sự xuất hiện của các loại mì ly ở Việt Nam hiện nay cũng tương tự như thời điểm khởi đầu năm 1971 tại Nhật nên dư địa phát triển còn rất lớn. Chiến lược của Acecook trong thời gian tới là phát triển các loại mì ly, đặc biệt là thị trường tại các thành phố lớn vì sự tiện dụng, phù hợp các công năng sử dụng khác nhau của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, xu hướng thích du lịch, khám phá của người Việt đang ngày càng gia tăng nên các sản phẩm mì ly đang trở thành “vật bất ly thân” trong vali của người tiêu dùng”.

Acecook dẫn đầu 
Để phục vụ chiến lược phát triển, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017, Acecook Việt Nam đã mạnh tay chi hơn 20 triệu USD cho việc lắp đặt mới dây chuyền, trang thiết bị. Tháng 6.2017, Công ty hoàn thành lắp đặt mới dây chuyền sản xuất mì ly tại nhà máy Hưng Yên, có khả năng sản xuất hơn 420 ly/phút. Đồng thời, hoàn tất dây chuyền thiết bị sản xuất ly nhựa hiện đại tại nhà máy TP.HCM, có khả năng đáp ứng hoàn toàn nhu cầu về ly nhựa cho các sản phẩm mì ly của Acecook Việt Nam.

Mi ly bat dung con “khat” cua thi truong mi Viet
 

Các sản phẩm mì ly, tô, khay của Acecook với kiểu dáng gọn gàng dễ cầm nắm, hương vị phong phú đang ngày càng trở nên quen thuộc với người tiêu dùng. Bên cạnh đó Acecook còn phát triển thêm sản phẩm phở ly, miến tô... tiện dụng, giúp người dùng thoải mái thưởng thức mọi lúc mọi nơi. Ngành hàng mì ly, tô, khay của Acecook Việt Nam trong năm 2017 có mức tăng trưởng vượt bậc hơn 200%.
Ông Kajiwara Junichi cho biết: “Năm 2016, mì ly chiếm 5% tổng mì ăn liền của Acecook. Năm nay, mục tiêu trung hạn của chúng tôi là đẩy mức tiêu thụ mì ly chiếm 15-20% toàn ngành mì”. Tại Nhật, mì ly đã soán ngôi mì gói với tỉ lệ 7:3. Tại Việt Nam, mì ly đang tăng tốc để rượt đuổi. Vì vậy, cơ hội cho mì ly, cho những doanh nghiệp dẫn đầu, tiên phong như Acecook Việt Nam vẫn còn rất lớn.