Miliket hiện nay sống chủ yếu nhờ gia công và xuất khẩu. Nguồn ảnh: Zing.vn

 
Minh Anh Thứ Tư | 20/03/2019 10:53

"Mì hai tôm" duy trì vị thế nhờ gia công?

Vua mì vang bóng một thời vẫn sống “khá tốt” dù thị trường mì đang trong cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt

Tích cực gia công 

Chỉ cần đun ít phút trên bếp, hay đổ trực tiếp nước sôi vào vắt mì, cho thêm vài lá húng quế cùng gói gia vị đi kèm là đã có một bát mì ngon. Sự tiện lợi của mì Miliket hay còn gọi là “mì 2 tôm” những năm 80 đã nhanh chóng được các gia đình Việt lựa chọn. Thời điểm đó, thị trường mì ăn liền chứng kiến sự chiếm lĩnh gần như tuyệt đối của Miliket với 90% thị phần.

Được thành lập từ trước năm 1975, Công ty cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa – Miliket (Miliket; HoSE: CMN) đã tung ra nhãn hiệu mì ăn liền Colusa – Miliket được người tiêu dùng ưa thích với hình ảnh hai con tôm. Tuy nhiên, đi qua thời vàng son, mì Miliket đang mất dần thị phần vào tay các doanh nghiệp ngoại. Hiện tại, mì Miliket chỉ chiếm khoảng 4% thị phần trong nước. Riêng dòng mì giấy, Miliket vẫn một mình một chợ với 80% thị phần.

Trong năm 2018, tổng sản lượng tiêu thụ của công ty đạt hơn 18.600 tấn và mới hoàn thành 93% kế hoạch năm. 

Ngay từ đầu năm, Miliket đã vạch ra chiến lược mới là đẩy mạnh gia công theo đơn đặt hàng và tích cực tìm kiếm thêm thị trường mới. Theo đó, hãng này đã tích cực gia công và nâng tổng sản lượng lên 20.000 tấn, và trực tiếp đưa sản phẩm đi các nước Mỹ, châu Âu chào sản phẩm.

Nguồn: Báo cáo thường niên CMN.

Cũng tại thị trường trong nước, Miliket tích cực cho ra các dòng sản phẩm mới đang tạo xu hướng tiêu dùng như, mì chay, hủ tiếu, cháo thịt bằm, phở gói, tương ớt... nhưng vẫn không giúp doanh thu tăng trưởng như kế hoạch.

Dù vậy, kết thúc 2018, Miliket vẫn cán đích với doanh thu thuần 608 tỉ đồng, tăng 9% so với năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 25,8 tỉ đồng, tăng trưởng 13% so với 2017. Tính bình quân, mỗi tháng nhãn hiệu này đạt doanh thu khoảng 50 tỉ đồng.

 

Thị phần chủ yếu của Miliket hiện nay chủ yếu là nông thôn và xuất khẩu đi các nước như Pháp, Úc, Mỹ, Đức, Nga, Ba Lan, Cộng hòa Czech, Lào, Campuchia, Samoa…

Còn thị trường để cạnh tranh?

Tiếp tục củng cố thị trường, Miliket hiện đưa ra chiến lược cho 2019 với mục tiêu ổn định thị trường. Dự kiến sản lượng tiêu thụ sẽ vượt 20.500 tấn, doanh thu là 691 tỉ đồng và lợi nhuận dự kiến 33 tỉ đồng. Với mức doanh thu và lợi nhuận đặt ra cho 2019, Miliket không tăng trưởng quá nhiều.

Thực tế, Miliket khó chen chân vào thị phần trong lĩnh vực mì ăn liền vì thị trường này gần như đã bão hòa. Theo báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, mì Hảo Hảo và Ba Miền đang chiếm thị phần lớn, còn “mì 2 con tôm” và các thương hiệu khác chia nhau gần 50% thị phần. Năm 2018, thị trường mì gói Việt Nam tăng trưởng 2%, riêng khu vực nông thôn miền Nam tăng hơn 7%. 

Ở thành thị, Miliket khó cạnh tranh với những dòng mì có thương hiệu như Hảo Hảo, Ba Miền, Hảo 100, Gấu đỏ… giá gần tương đương hoặc cao hơn chút. Tại nông thôn, Miliket cũng phải cạnh tranh thêm với mì không thương hiệu và giá thấp hơn.

Theo kết quả điều tra, thị trường mì ăn liền Việt Nam có khoảng 50 doanh nghiệp lớn nhỏ khác nhau đang hoạt động nhưng Miliket đang dần thưa thớt trên các kệ hàng siêu thị. Miliket cũng giống như nhiều sản phẩm khác của Việt Nam là để mất thị phần vào tay các doanh nghiệp ra đời sau hoặc doanh nghiệp ngoại.

Nhìn vào sản luợng của Miliket, hãng này đang sống nhờ gia công sản phẩm theo đơn đặt hàng, đây là cái phao cứu sinh của nhiều thương hiệu Việt như, Lix, Net, Chương Duơng, Halico…

Vốn điều lệ của Miliket hiện tại là 48 tỉ đồng và chưa tăng thêm từ khi chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp cổ phần vào năm 2006. Hiện cổ đông lớn của Miliket vẫn là Tổng công ty Lương thực Miền Nam và Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đang nắm giữ tổng cộng 50,72% vốn điều lệ.