Mexico và NAFTA: Bài học về cái giá của tự do thương mại
Hiệp định tự do thương mại TPP được thông qua trong thời gian gần đây được kỳ vọng sẽ châm ngòi cho một làn sóng tăng trưởng mới. Tâm lý của hầu hết các nhà đầu tư đang kỳ vọng vào "phép màu" TPP sẽ thay đổi bộ mặt nền kinh tế.
Nhưng liệu Việt Nam sẽ là nưóc được hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định này, như những nhận định được đưa ra gần đây?
Những lời hứa dang dở
Cách đây hơn 20 về trước, Mexico cũng rất hào hứng tham gia NAFTA cùng với hai ông lớn Mỹ và Canada. Khi đó, hiệp định này cũng được nhiều người Mexico kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho họ.
Tuy nhiên, cho đến nay thì NAFTA dường như vẫn chưa thể thay đổi được một số vấn đề then chốt như thu hẹp khoảng cách tiền lương giữa Mexico và Mỹ, thúc đẩy tăng trưởng công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường.
Đến nay, các công đoàn của Mexico vẫn chưa có nhiều tiếng nói, trong khi áp lực cạnh tranh từ Châu Á và Trung Mỹ khiến cho mức lương người lao động vẫn khá thấp. Trong khi đó, làn sóng người Mexico nhập cư trái phép vào Mỹ tăng trưởng không ngừng, cho thấy cơ hội được cải thiện cuộc sống ngay trên đất nước của họ vẫn còn ít ỏi. Trong khi đó, các quy định về bảo vệ môi trường đã bị lép vế trước những quy định bảo vệ các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận một điều rằng Mexico đã tận dụng được một số ưu thế khi tham gia hiệp ước thương mại tự do Bắc Mỹ với Mỹ và Canada trong một số lĩnh vực nhất định. Trong đó có thể kể đến thị trường ô tô, điện tử và nông nghiệp có sự tăng trưởng mạnh. Dòng vốn đầu tư từ các ngân hàng nước ngoài đổ vào nền kinh tế nước này cũng kéo theo việc tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn. Mặc dù vậy, phần lớn người Mexico vẫn không thấy có sự thay đổi đáng kể nào trong thu nhập của họ.
Trong khi tầng lớp trung lưu Mexico vẫn đang gia tăng về số lượng, nước này cũng là quốc gia Mỹ La tinh duy nhất có tỷ lệ nghèo đói gia tăng trong các năm gần đây.
Theo số liệu báo cáo của Ủy ban kinh tế nhóm các nước Mỹ Latinh cho hay, tại hầu hết các quốc gia Mỹ Latinh thì tỷ lệ đói nghèo đã giảm từ 48,4% trong năm 1990 xuống còn 27,9% trong năm 2013. Nhưng tại Mexico, thì tỷ lệ này vẫn đang ở mức cao ngất ngưởng: giảm từ mức 52,4% của năm 1994 xuống còn 42,7% trong 2006, rồi bất ngờ tăng vọt lên 51,3% trong năm 2012.
"Có tới 30-40% những điều mà họ hứa hẹn trong NAFTA đã không bao giờ xảy ra", ông Rodolfo Hurtado Corona, 65 tuổi, làm nghề tài xế riêng tại thủ đô Mexico City cho hay. Vừa trả lời phỏng vấn ông vừa chỉ về chiếc xe thể thao đa dụng bóng loáng của ông chủ và cho biết: "Trước đây chỉ có một vài thương hiệu thôi, nhưng giờ thì rất nhiều hãng cho bạn chọn".
Nhà kinh tế học Alfredo Coutino hiện đang là giám đốc bộ phận nghiên cứu Mỹ Latinh của Moody's Analytics, nhận định những lợi ích mà NAFTA mang lại tất nhiên là có, tuy nhiên không được như những kỳ vọng đặt ra trước đó.
Ông nhấn mạnh rằng: " Nếu thỏa thuận này không được ký kết thì Mexico sẽ rơi vào thực trạng tồi tệ hơn nhiều so với thời điểm hiện nay, sau khi tham gia Hiệp định được hơn 20 năm". Coutino nhớ lại: "Trước đây ở Mexico, việc có một đôi giày thể thao nhập khẩu là thể hiện được địa vị xã hội, vì nó rất đắt tiền. Nhưng hiện nay thì đại đa số người Mexico đã có thể sở hữu những thứ từng được coi là các mặt hàng xa xỉ phẩm".
Nhưng cái giá để được lựa chọn nhiều hàng hóa hơn xem ra không phải là rẻ.
Hình ảnh các công nhân làm việc trong nhà máy ở Mexico - Ảnh: AP |
Những khoảng cách chưa thể vượt qua
Tại thời điểm khi Mexico gia nhập NAFTA, nhiều nhà kinh tế đã dự đoán rằng sẽ có làn sóng di chuyển lực lượng lao động Mỹ xuống phía nam cũng như một cuộc di cư ồ ạt từ các vùng nông thôn ở Mexico.
Tuy nhiên trong một bản báo cáo của chính quốc hội Mỹ vào năm 2010 đã chỉ ra rằng "Hầu hết các nghiên cứu sau khi NAFTA chính thức có hiệu lực cho đến nay đã thấy những tác động lên Mexico là khá khiêm tốn".
Trước NAFTA, Mexico là một nền kinh tế khép kín, bị chi phối bởi doanh nghiệp nhà nước, ôm nhiều nợ nần và có hàng loạt nông trại nhỏ lẻ năng suất thấp. Đó là điều kiện mà nhiều người đánh giá là "lý tưởng" để dẫn tới tình trạng thất nghiệp hàng loạt, một khi nông sản giá rẻ từ Mỹ ồ ạt đổ vào Mexico và khiến cho nhiều nông dân phá sản.
Việc tham gia các hiệp định tự do thương mại cộng với toàn cầu hóa quả thật đã tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn cho người Mexico, mặc dù hầu hết các công việc này có mức lương khá thấp.
Ngành sản xuất ô tô tại Mexico khét tiếng về việc có mức lương khá bèo bọt. Điều này khiến cho tiến trình thu hẹp khoảng cách mức lương giữa Mexico và Mỹ khó có thể đạt được hơn bao giờ hết. Năm 1997, lương bình quân công nhân ngành sản xuất tại Mexico bằng 15% của Mỹ, tới năm 2012, con số đó tăng lên được 18%. Trong một số lĩnh vực, lương của công nhân Trung Quốc còn vượt qua cả Mexico.
Một vấn đề khác đặt ra khi Mexico tham gia NAFTA là vấn đề bảo vệ môi trường. Được biết, lượng ăcquy xe hơi phế thải mà Mỹ xuất qua Mexico để tái chế lấy chì đã tăng 500% trong giai đoạn từ 2004 tới 2011. Các nhà chức trách mới chỉ bắt đầu xem xét việc buộc các công ty xuất khẩu mặt hàng này sang Mexico phải xin giấy chứng nhận.
Dường như NAFTA đã làm rất tốt trong việc bảo vệ các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng với các nhà đầu tư nội địa thì không. Hiệp định đã thiết lập các ủy ban chuyên gia đóng vai trò trọng tài giải quyết khiếu nại của nhà đầu tư, bỏ qua vai trò của tòa án địa phương. Trong đó, đa phần các khiếu nại thường liên quan đến các quy định về tài nguyên thiên nhiên hay môi trường.
"Tiến trình giải quyết qua trọng tài không giống như hệ thống tòa án trong nước. Nó không có gì là công bằng và cởi mở", đó là lời chia sẻ của ông Scott Sinclair, hiện đang làm việc tại một trung tâm nghiên cứu chính sách ở Canada.
Chính vì thế Mexico và Canada đã phải thanh toán 350 triệu USD tiền bồi thường cho các nhà đầu tư nước ngoài từ khi gia nhập NAFTA, trong khi Mỹ chưa phải trả một đồng nào.
"Hiệp định đã đẩy chúng tôi vào thế bất lợi", Josefina Rosas, một nông dân tại Guerrero chia sẻ. Rosas nói: "Đối với những quy mô nông trại nhỏ lẻ như hiện nay thì rất khó cho những người nông dân có thể giảm chi phí xuống hơn nữa. Chúng tôi không có điều kiện để cạnh tranh".
Thách thức nào cho Việt Nam từ TPP?
Quay lại bài toán của Việt Nam, cũng có nhiều nét tương đồng với Mexico cách đây 20 năm về trước. Các ngành chủ lực của Việt Nam thường là các ngành có độ thâm dụng lao động lớn, và nền kinh tế vẫn phụ thuộc nhiều vào lĩnh vực nông nghiệp, vốn đang chiếm hơn 18% GDP và sử dụng hơn 40% lao động.
Trước khi TPP được thông qua, thị trường Việt Nam đã từng chứng kiến thịt bò Úc rồi đến thịt gà của Mỹ chiếm ưu thế khá lớn trên thị trường sân nhà. Điều này đe dọa đáng kể ngành nông nghiệp của Việt Nam, nhất là đối với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, và không có chiến lược rõ ràng.
Theo Murray Hiebert - chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Việt Nam sẽ có một số sản phẩm (như dệt may) được hưởng lợi lớn, còn một số ngành khác mà đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp có thể đánh mất thị phần vào tay các doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế về quy mô.
Như vậy, trong khi Việt Nam có thêm những cơ hội mới để tiếp cận thị trường rộng lớn hơn với mức thuế quan ưu đãi, thì cũng đồng thời phải đối mặt với những bài toán khó về nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian tới. Điều này là thực sự cần thiết nếu Việt Nam không muốn giống như Mexico là phải chịu những tổn thất đáng kể khi bỏ quên ngành nông nghiệp nước nhà.
Đinh Hạnh
Nguồn AP