Thứ Tư | 23/04/2014 15:13

MBBank chưa tìm được đối tác chiến lược nước ngoài phù hợp

Giá cổ phiếu chào bán cho cổ đông chiến lược/đối tác chiến lược trong nước là giá thỏa thuận có chiết giảm, mức giảm tối đa 25% giá thị trường.
Sáng nay (23/4), tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2014 của Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank - MBB), Hội đồng quản trị MB trình đại hội đồng cổ đông xem xét, thông qua ủy quyền cho hội đồng quản trị quyết định tiêu chí lựa chọn, danh sách đối tác chiến lược, đối tác tiềm năng tham gia đợt phát hành cổ phiếu tăng vốn.

Theo kế hoạch trình đại hội, MBBank dự kiến tăng vốn điều lệ từ 11.256,25 tỷ đồng lên 15.500 tỷ đồng thông qua 2 đợt phát hành cổ phiếu. Đợt 1 tăng vốn điều lệ thêm 337,6875 tỷ đồng thông qua phát hành 33.768.750 cổ phiếu để trả cổ tức đợt 2/2013 cho cổ đông hiện hữu của ngân hàng. Đợt 2 tăng vốn điều lệ thêm 3.906,0625 tỷ đồng thông qua việc chào bán 390.606.250 cổ phiếu cho cổ đông chiến lược/đối tác chiến lược trong nước và nước ngoài.

Giá cổ phiếu chào bán cho cổ đông chiến lược/đối tác chiến lược trong nước là giá thỏa thuận có chiết giảm, mức giảm tối đa 25% giá thị trường nhưng không thấp hơn mệnh giá. Hội đồng quản trị quyết định giá chào bán cụ thể cho từng đối tác. Thời gian thực hiện là quý III - IV/2014.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc liệu MBBank có cần đối tác chiến lược nước ngoài hay không khi bản thân MB đã có những lợi thế sẵn có về cổ đông, khách hàng, đối tác chiến lược trong nước, việc tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài có vẻ đang diễn ra khó khăn và chậm chạp?

Ông Lê Hữu Đức, chủ tịch HĐQT MBB cho biết, "trong việc tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài, MB có đặt ra một số mục đích, thứ nhất là MB có thể nhanh chóng tiếp cận với các công nghệ, bí quyết phát triển kinh doanh và quản trị ngân hàng tiên tiến, đặc biệt là những lĩnh vực mà MB cảm thấy chưa mạnh."

Thứ hai là tận dụng kinh nghiệm, hiểu biết mạng lưới, cơ sở khách hàng của đối tác để phát triển các thị trường mới. Thứ ba là ổn định cổ đông, đảm bảo tính đồng thuận và nhất quán trong phát triển kinh doanh, triển khai chiến lược.

Theo ông Đức, để đáp ứng các mục tiêu trên MB đã đặt ra các tiêu chí như dành ưu tiên cho các đối tác có năng lực tài chính tốt, đồng thuận về mục tiêu và triển khai chiến lược phù hợp với văn hóa và có cam kết cao với MB, tránh các xung đột về quyền lợi nhằm đảm bảo sự hợp tác chiến lược lâu dài ổn định cùng phát triển.

Vì vậy, trong thời gian 3 năm vừa qua, HĐQT và ban điều hành MBB đã nỗ lực, cố gắng nhưng qua tiếp xúc với một số đối tác thì chưa có đối tác nào đáp ứng được mục tiêu, tiêu chí của ngân hàng đề ra.

Tại đại hội, một cổ đông là Tổng giám đốc công ty CP chứng khoán Nhật Bản tại Hà Nội cho biết, đã có làm việc với 4 ngân hàng lớn của Nhật Bản có ý định trở thành đối tác chiến lược của MB. Phó Chủ tịch MBB Lưu Trung Thái cho biết sẵn sàng làm việc với cổ đông này, rất mong được hỗ trợ tìm kiếm cổ đông chiến lược Nhật Bản có quy mô lớn, phù hợp với các tiêu chí mà Chủ tịch Lê Hữu Đức đã chia sẻ.

Trả lời câu hỏi về việc liệu MB có kế hoạch hợp nhất, sáp nhập để tăng năng lực như nhiều ngân hàng thực hiện hiện nay hay không, ông Lưu Trung Thái cho biết hai năm qua MBB đã thực hiện tìm kiếm, và thực tế đã tiếp xúc với một vài đối tác, đi tới bước tìm hiểu chất lượng tài sản của đối tác, nhưng sau đó hội đồng quản trị quyết định chưa thực hiện thương vụ đó.

Trong tờ trình đại hội cổ đông sáng nay, đại hội cổ đông cũng ủy quyền cho HĐQT quyết định phương án mua cổ phần, góp vốn các doanh nghiệp có giá trị 20% tới tối đa 50% vốn điều lệ của MB trong báo cáo tài chính gần nhất, đảm bảo giới hạn góp vốn, sở hữu cổ phần của Ngân hàng Nhà nước.

Năm 2013, MBBank có tổng tài sản 178.785 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 90.727 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu 2013 của ngân hàng là 2,43%. Lợi nhuận trước thuế 2013 đạt 2.940 tỷ đồng.

Nguồn Theo DVO


Sự kiện