MB nghiên cứu 2 ngân hàng để tính chuyện sáp nhập
Sáng nay ĐHCĐ Ngân hàng TMCP Quân đội MB đang diễn ra tại khách sạn Grand Plaza, Hà Nội.
Trong tờ trình của HĐQT trình ĐHCĐ lần này đáng chú ý có kế hoạch tăng vốn từ gần 11.594 tỷ đồng lên 16.000 tỷ đồng (tăng thêm 4.406 tỷ). Số vốn tăng thêm này thông qua 3 đợt phát hành.
Đợt 1, MB phát hành 34.781.812 cổ phiếu để trả cổ tức đợt 2 năm 2014 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 3% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 3 cổ phiếu phát hành thêm). Thời gian thực hiện trong quý 2-3/2015.
Đợt 2, MB chào bán 15.218.188 cổ phiếu cho cán bộ nhân viên với giá 10.000 đồng/cp, số cổ phiếu này bị hạn chế giao dịch trong 1 năm. Thời gian thực hiện trong quý 2-3/2015.
Đợt 3, MB chào bán 390.606.250 cổ phiếu cho đối tác chiến lược. Trong đó giá chào bán cho cổ đông chiến lược trong nước là giá thoả thuận có chiết khấu giảm, mức giảm tối đa 25% giá thị trường nhưng không thấp hơn mệnh giá. Giá chào bán cho cổ đông nước ngoài là giá thoả thuận trên cơ sở giá thị trường cộng biên độ nhất định nhưng không thấp hơn giá trị sổ sách cộng với biên độ nhất định. Thời gian thực hiện từ quý II- quý IV/2015. Nếu không bán hết thì HĐQT dừng đợt chào bán hoặc chào bán cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp.
Năm 2015 MB group đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 3.250 tỷ đồng trong đó riêng ngân hàng là 3.150 tỷ, tăng 5% thực hiện 2014. Tổng tài sản tăng 8-10%, huy động vốn dân cư tăng 8%, dư nợ cho vay tăng 13-15%, nợ xấu dưới 5%, tỷ lệ cổ tức khoảng 10%.
HĐQT MB quyết định việc thành lập/góp vốn thành lập mới công ty con để thực hiện hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, mua lại/mua cổ phần/nhận sáp nhập tổ chức tín dụng khác để hình thành công ty con của MB trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng.
Q&A
MB có lạc quan quá không về kế hoạch tăng vốn năm 2015 trong khi năm 2014 ngân hàng vẫn chưa tăng vốn đúng kế hoạch?
Ông Lê Hữu Đức (Chủ tịch MBB): Việc tìm kiếm đối tác chiến lược không thuận lợi nên việc tăng vốn năm 2014 đã không hoàn thành, mặc dù vậy năm 2015 MBB vẫn tiếp tục đặt kế hoạch tăng vốn lên 16.000 tỷ đồng để tăng năng lực tài chính cho ngân hàng, đưa MBB thành ngân hàng trong top 5 ngân hàng tốt nhất Việt Nam; nâng cao khả năng kiểm soát rủi ro, tham gia vào các lĩnh vực khác như tài chính tiêu dùng, bảo hiểm nhân thọ, nâng cao khả năng đầu tư, tăng cường củng cố quan hệ với cổ đông lớn, đối tác lớn. Với phương án tăng vốn điều lệ năm 2015, HĐQT và Ban điều hành đã xây dựng giải pháp dự phòng để đảm bảo việc tăng vốn điều lệ khả thi và hoàn thành kế hoạch đề ra.
Cổ đông chờ đợi các ngân hàng chia sẻ cổ tức cao nhưng mặc dù kinh tế khởi sắc nhưng các ngân hàng vẫn dè dặt trong việc trả cổ tức, ý kiến của ông về việc này như thế nào?
Ông Lê Hữu Đức (Chủ tịch MBB): Chính sách cổ tức luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của cổ đông, ngân hàng Quân đội luôn tuân thủ nguyên tắc hài hoà giữa thu nhập và quyền lợi cổ đông, ngoài ra MB cũng phải tuân thủ việc phân loại nợ trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, theo quy định của NHNN trường hợp ngân hàng không trích lập đủ dự phòng thì không trả cổ tức. Năm 2014 chi phí dự phòng rủi ro tín dụng khiến nhiều ngân hàng không hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận và không trả cổ tức cổ đông, trong 12 NH tại HCM thì có 7 ngân hàng không trả cổ tức và có nhiều ngân hàng giảm cổ tức cho cổ đông, tuy nhiên MBB trả cổ tức vẫn trong top cao nhất toàn ngành.
Trong kế hoạch tăng năng lực tài chính, SCIC có ý định mua 10% cổ phần của MB?
Công tác tăng vốn điều lệ cho công tác chiến lược HĐQT, Ban điều hành đã và đang tiến hành, HĐQT sẽ làm đúng chủ trương đã thông qua.
HĐQT ưu tiên các DN quân đội, DN nhà nước và các đối tác chiến lược khác nhưng phải đáp ứng tiêu chí mà MB đề ra. SCIC công bố kế hoạch mua MB và mong muốn trở thành cổ đông lớn của MB, MB đã làm việc với SCIC và đưa ra các yêu cầu của ngân hàng, giá chào bán dự kiến cho đối tác chiến lược phải đảm bảo quyền lợi của cổ đông.
Thông tư 36 quy định các giới hạn an toàn đảm bảo tỷ lệ an toàn các TCTD ảnh hưởng gì đến MB?
Trong thông tư 36 quy định tránh hạn chế sở hữu chéo, quy định chặt chẽ trong lĩnh vực cho vay chứng khoán, đầu tư kinh doanh trái phiếu cổ phiếu, MB đã tính toán cẩn thận và triển khai từ 02/2015. Chúng tôi đủ năng lực để thực hiện thông tư 36, các ngân hàng với tư cách cổ đông lớn tại MB vẫn đang tạo điều kiện cho MB phát triển ổn định bền vững. Về việc trực tiếp cho vay BĐS, chứng khoán, cổ phiếu trái phiếu MB đã chỉ đạo và thực hiện từ quý I/2015.
MB đã có kế hoạch sáp nhập ngân hàng nào không?
Ông Lưu Trung Thái: Năm nay là năm các có nhiều thương vụ sáp nhập ngân hàng, tăng quy mô hoạt động và mạng lưới khách hàng, MB trong các năm vừa qua đã tiến hành nghiên cứu 2 ngân hàng khác để tính chuyện sáp nhập, tuy nhiên vẫn đang trong quá trình nghiên cứu vì nó ảnh hưởng đến chất lượng ngân hàng và hiệu quả sau sáp nhập. Trong khi đó chúng ta có nhiều yếu tố để tăng quy mô như kết hợp với Viettel để mở rộng mạng lưới khách hàng. Về việc tăng vốn thông qua 3 đợt phát hành thì 2 đợt đầu chắc chắn là thành công, về phương án cho cổ đông chiến lược chúng tôi đã họp và lên phương án, kể cả phương án chào bán cho SCIC.
Về giá cho cổ đông chiến lược trong nước, giá tính trên cơ sở giá chiết giảm tối đa 25% so với giá thị trường, trên cơ sở phương án hợp tác với MB đánh giá lợi ích và giá trị cổ đông chiến lược cho ngân hàng thì khó có phép tính 1 + 1 = 2, chúng ta có thể có lợi ích lâu dài 5-10 năm cho ngân hàng. Còn về giá cho cổ đông nước ngoài sẽ có premium tăng thêm so với giá thị trường.
Tại sao tỷ lệ dư nợ trên tổng vốn huy động của MB ở mức 60%, trong khi bình quân toàn ngành ở mức 75-80%, MB làm gì để cải thiện chỉ tiêu này?
Ông Lê Hữu Đức (Chủ tịch MB): Trong những năm vừa qua tổng dư nợ của MB tăng trưởng tốt, nằm trong top dẫn đầu hệ thống ngân hàng, cuối năm 2014 tổng dư nợ là 100.000 tỷ, tăng trưởng 15,7%. MB là ngân hàng uy tín nên tốc độ tăng huy động vốn là cao hơn tốc độ tăng dư nợ, tốc độ tăng huy động vốn trên 20%, năm nay là 23%, trong khi tăng trưởng huy động chỉ 15,7%. Vừa qua thị trường vẫn còn khó khăn, nợ xấu tăng cao nên MB chọn lọc khách hàng, phát triển dư nợ dựa trên quản trị nợ xấu do đó tốc độ tăng tín dụng phù hợp với tình hình thị trường. Xu thế mới phù hợp với chỉ đạo NHNN, bên cạnh tăng trưởng tín dụng phải đẩy mạnh tăng trưởng phi tín dụng và phát triển trên thị trường 2, thị trường 2 những năm gần đây rất hiệu quả, lợi nhuận chiếm 40-45% tổng lợi nhuận ngân hàng, MB kinh doanh đa dạng trên thị trường để tối đa hoá lợi nhuận.
Chỉ số lợi nhuận trên tổng tài sản, vốn điều lệ của MB đều đang cao nhất thị trường, tạo lợi nhuận lớn nhất cho cổ đông.
Nguồn NDH