Khó khăn ở thị trường xuất khẩu lan rộng trong ngành dệt may của Việt Nam. Ảnh: TL

 
Minh Đức Thứ Năm | 15/05/2025 07:30

May Việt Tiến đi ngang

Trước các thách thức ngày càng gia tăng, sự thận trọng của May Việt Tiến cũng phản ánh tình hình chung của các thương hiệu dệt may Việt Nam.

Cửa hàng Việt Tiến trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP.HCM những ngày cuối tuần vẫn vắng vẻ, trái với sự náo nhiệt tại những con phố thời trang hay trung tâm thương mại. Tình trạng của những cửa hàng như vậy khiến May Việt Tiến dù đã xây dựng hệ thống sản xuất đủ khả năng đạt doanh thu trên 10.000 tỉ đồng, nhưng xin phép cổ đông chỉ đặt mục tiêu kinh doanh năm 2025 đi ngang, với lợi nhuận kỳ vọng tăng 9%, đạt 330 tỉ đồng.

Có thể thấy Công ty đặt ra mục tiêu khiêm tốn trong bối cảnh sức mua còn yếu và rủi ro cận kề của thuế đối ứng từ Mỹ. Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2025, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị May Việt Tiến, cho biết có những lúc Công ty thiếu hàng, phải chấp nhận các đơn hàng ngoài chuyên môn, dẫn đến phải bù chi phí sản xuất để giữ ổn định lao động. Bên cạnh đó là thách thức liên quan đến chiến lược phát triển thị trường nội địa, khi tiêu dùng giảm sâu, người tiêu dùng thắt hầu bao, Công ty phải sắp xếp lại toàn bộ mô hình cửa hàng và đại lý...

 

Thực tế, không chỉ Việt Tiến, các thương hiệu dệt may thời trang của Việt Nam cũng bộn bề khó khăn. Báo cáo mới nhất về thị trường thời trang Việt Nam của FiinGroup đưa ra dự báo, thị trường này sẽ đạt giá trị 3,5 tỉ USD vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng hằng năm từ 9-10%. Tuy nhiên, thế khó của các thương hiệu thời trang nội ngày càng tăng trước sự cạnh tranh khốc liệt từ các thương hiệu quốc tế. 

Theo ước tính của Vietdata, đã có hơn 200 thương hiệu thời trang quốc tế như Zara, H&M, Uniqlo, Nike, CK, Levi’s... xuất hiện tại Việt Nam, chiếm hơn 60% thị phần trong nước và có tốc độ tăng trưởng trung bình từ 15-20% khi đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng về tính đa dạng, chất lượng và sự đổi mới trong sản phẩm. Chưa kể đến sức ép của các thương hiệu thời trang trực tuyến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan... đánh chiếm thị phần thông qua các sàn thương mại điện tử.

Mặc dù có kinh nghiệm xuất khẩu ở các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, các thương hiệu thời trang Việt vẫn gặp nhiều khó khăn ở thị trường trong nước. Nhiều thương hiệu Việt như Blue Exchange, PT2000, Ninomaxx, Việt Thy hay Hnoss, The Peachy, Elpis... tỏ ra đuối sức khi phải chạy đua liên tục về xu hướng và giá cả, dẫn đến việc phải thu hẹp quy mô, thậm chí đóng cửa.

 

Một vài thương hiệu như IVY moda, Canifa, Yody Fashion... vẫn còn tích cực hoạt động khi có khả năng nắm bắt xu hướng, đáp ứng nhu cầu từ khách hàng trẻ. Trong khi đó, các thương hiệu có thâm niên như May Việt Tiến, May Nhà Bè, An Phước, May 10 chủ yếu tập trung ở phân khúc sản phẩm công sở và trung niên.

Khó khăn ở thị trường xuất khẩu lan rộng trong ngành dệt may của Việt Nam. Mô hình sản xuất hàng loạt, quy mô lớn, giá nguyên liệu rẻ, năng suất cao không còn phù hợp. Các đầu chuỗi, chủ nhãn hàng đang định vị loại hàng hóa này ở thị trường gia công là Bangladesh chứ không còn ở Việt Nam, do đó kéo giảm hiệu quả của May Việt Tiến.

Theo ông Bùi Văn Tiến, Tổng Giám đốc May Việt Tiến, Công ty vẫn xác định chiến lược lâu dài vừa đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu vừa mở rộng thị trường trong nước. Tại thị trường nội địa, May Việt Tiến xác định mục tiêu giữ sự ổn định thông qua nhiều giải pháp như giải phóng nhanh hàng tồn kho; tạm dừng những cửa hàng hoạt động không hiệu quả; tái cấu trúc việc bán hàng online trên các sàn thương mại điện tử và các nền tảng mạng xã hội...

Một trong những thách thức lớn liên quan đến tính tự chủ nguyên liệu sản xuất đầu vào nhằm gia tăng giá trị xuất khẩu. Bởi vì, 80% nguyên phụ liệu cho ngành này phải nhập khẩu cùng với con số hơn 2 tỉ USD mỗi tháng để nhập nguyên liệu như bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu cho các ngành dệt, may, da, giày... 

Theo ông Vũ Đức Giang, thay vì chỉ sản xuất theo yêu cầu, hiện nay nhà sản xuất Việt Nam phải đảm nhiệm nhiều công đoạn hơn, từ phát triển mẫu, tìm nguồn nguyên phụ liệu đến thiết lập phương thức thanh toán theo yêu cầu đối tác. Điều này không chỉ làm tăng áp lực vận hành mà còn tiềm ẩn rủi ro tài chính lớn, nhất là trong bối cảnh một số nhãn hàng thậm chí phá sản.

Với tầm nhìn này, định hướng dịch chuyển từ sản xuất trực tiếp thành nhà quản trị chuỗi cung ứng, May Việt Tiến đã ký kết hợp tác đầu tư nhà máy sản xuất vải với Uniqlo, bước đầu tham gia chuỗi cung ứng của hãng thời trang nổi tiếng đến từ Nhật. Đây là hoạt động tương tự nhiều doanh nghiệp khác trong Vinatex khi đàm phán với các nhà cung cấp khác để chuyển nguồn cung nguyên phụ liệu về Việt Nam như H&M, Zara...

Thậm chí, SYRE, công ty con của tập đoàn may mặc H&M, cho biết doanh nghiệp dự kiến đầu tư tổ hợp tái chế vải polyester tại Bình Định với công suất thiết kế lên tới 250.000 tấn/năm, tổng vốn khoảng 1 tỉ USD tại Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành trung tâm toàn cầu đầu tiên về dệt may tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn Mỹ và EU.

Có thể bạn quan tâm 

Gót chân Achilles của Tiki