Ảnh minh hoạ. Nguồn ảnh: weforum
"Máy thở" ngàn tỉ USD cho kinh tế toàn cầu
Số lượng bệnh nhân nhiễm COVID-19 đang liên tục tăng, thế giới đã có 1.699.632 người mắc; 102.734 người tử vong. Dịch bệnh tiếp tục tăng mạnh tại châu Âu, leo thang tại Mỹ và nóng lên ở một số nước Đông Nam Á.
Đại dịch COVID-19 đang tiếp tục gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế toàn cầu khi nối dài chuỗi ngày các doanh nghiệp phải đóng cửa. Thiệt hại nặng nề nhất chính là nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn được coi là xương sống của nền kinh tế.
Theo WTO cảnh báo, thương mại toàn cầu sẽ giảm 1/3 trong năm nay. Tổ chức IMF cũng dự báo kinh tế toàn cầu năm nay suy thoái mạnh hơn giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008.
Việt Nam cũng không ngoại lệ. Theo ADB nhận định, Việt Nam tăng trưởng 4,8%, WB dự đoán 4,9%, Fitch Rating dự báo chỉ còn 3,3%. Trong khi đó, Bộ KH&ĐT đưa ra mức dự báo khoảng 5,5%. Mức điều chỉnh giảm mạnh cho thấy tình hình đã rất cấp bách. Khu vực kinh doanh đang đối mặt với bài toán sống còn do tác động tiêu cực từ dịch bệnh. Vào đầu tháng 4, một kết quả khảo sát từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) được triển khai, cho thấy tác động của đại dịch đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là rất nghiêm trọng.
Hiện tại, Chính phủ Việt Nam đã rất chủ động, quyết liệt và kịp thời tung ra các gói hỗ trợ mạnh tay. Ngoài tốc độ rất nhanh, các gói hỗ trợ lần này đều có giá trị khổng lồ đó là gói hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19 trị giá 62.000 tỉ đồng; gói hỗ trợ từ hệ thống ngân hàng trị giá 300.000 tỉ đồng và gói hỗ trợ chính sách tài khóa gồm 200.000 tỉ đồng giãn, hoãn thuế, tiền thuê đất với 98% số doanh nghiệp và 36.000 tỉ hỗ trợ đối tượng bị tác động bởi COVID-19. Bên cạnh đó, sau khi ký ban hành Nghị định giãn, hoãn thuế và Nghị quyết về an sinh xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp với các bộ ngành, địa phương. Một nội dung quan trọng trong đó là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hồi phục kinh tế sau dịch.
Các quốc gia trên thế giới cũng tung ra những gói hỗ trợ lớn chưa từng có trong tiền lệ. Theo thống kê của truyền thông thế giới, tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề xuất gói cho vay bổ sung trị giá 250 tỉ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, nâng khoản vay cho nhóm doanh nghiệp này lên tới 600 tỉ USD.
Tại châu Âu, tuần qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính các nước châu Âu đã có một cuộc họp căng thẳng dài hơn dự kiến để đưa ra giải pháp cứu trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của khu vực EU. Thuỵ Sĩ là một quốc gia khá thành công trong việc đưa ra các gói hỗ trợ đến các doanh nghiệp. Quốc gia này đã công bố gói vay khẩn cấp trị giá 20 tỉ Franc Thụy Sĩ (tương đương 20 tỉ USD) để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ. Ngay trong tuần đầu tiên hoạt động, 15 tỉ đã được chuyển cho 76.034 công ty. Chính phủ Thụy Sĩ ngay lập tức cho biết sẽ tăng gấp đôi quy mô chương trình hỗ trợ.
Còn tại Nhật Bản, Thủ tướng Abe Shinzo công bố, trong đó cung cấp tiền mặt cho các doanh nghiệp, hộ gia đình chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19 lến đến 6.000 tỉ Yen.
Tại châu Phi, Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) ra mắt quỹ ứng phó dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trị giá 10 tỷ USD nhằm cung cấp cho các quốc gia châu Phi các công cụ tài chính cần thiết, trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp COVID-19 đang làm cạn kiệt mọi nguồn lực tại các nền kinh tế vốn đang gặp nhiều khó khăn này.
Trong một thông báo cùng ngày, định chế tài chính này cho biết sẽ phân bổ 5,5 tỉ USD tới các chi nhánh AfDB tại các nước trong châu lục, đồng thời ủy nhiệm việc quản lý khoản 3,1 tỉ USD cho Quỹ Phát triển châu Phi (ADF) - một bộ phận trực thuộc AfDB chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính cho các quốc gia nghèo.
Bên cạnh đó, AfDB sẽ dành khoản tài chính trị giá 1,3 tỉ USD hỗ trợ riêng cho khối doanh nghiệp tư nhân tại châu Phi.
Có thể nói rằng, để những gói cứu trợ cần thiết đến được tay những doanh nghiệp đang khó khăn trong dịch bệnh thì một yếu tố quan trọng là sự kết hợp chặt chẽ giữa chính phủ và hệ thống tài chính ngân hàng, đặc biệt là sự tận dụng hiệu quả công nghệ. Điều này sẽ giúp xử lý nhanh gọn và hiệu quả những yêu cầu của doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt khi dịch bệnh đang tiếp tục kéo dài và diễn biến phức tạp.
►Đại dịch COVID-19 sẽ thay đổi vĩnh viễn trật tự thế giới
Nguồn Tổng hợp