Máy móc ngành dệt may còn “sốt” nếu không có TPP?
TPP tạo sự thu hút cho các dự án đầu tư tại Việt Nam nhưng không có TPP thì Việt Nam vẫn thu hút đầu tư nhờ lợi thế nhân công giá rẻ, thêm vào đó Việt Nam đứng thứ 2 về xuất khẩu dệt may trong khu vực Đông Nam Á nên sau này Việt Nam vẫn thu hút hơn Trung Quốc.
Nói thêm về lợi thế, độ tuổi lao động Việt Nam nhiều hơn Campuchia, tay nghề và kinh nghiệm Việt Nam cao hơn các nước khác trong khu vực. Trong khi đó, chính trị, luật Việt Nam đặt ra thường duy trì vài năm mới thay đổi trong khi chính sách của các nước như, Myanmar, Campuchia… thường hay thay đổi và thay đổi liên tục làm nhà đầu tư bất an, ông David Gyang, Tổng giám đốc Công ty Triển lãm Quốc tế Chan Chao (Đài Loan) chia sẻ.
Ông David Gyang ví dụ, trong danh sách đăng ký tham dự Triển lãm máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu ngành Công nghiệp Dệt May năm 2016 sẽ diễn ra vào ngày 23-26.11 tới, tỉ lệ gian hàng tham dự năm nay tăng 75% so với năm ngoái. Cụ thể, triển lãm có 400 đơn vị tham gia với 550 gian hàng. Trong khi, năm ngoái chỉ có 270 gian hàng. Máy móc trong triển lãm năm nay rất đa dạng và phong phú từ châu Âu đến châu Á như, Thái lan, Singapore, Đức, Italy, Hungary, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc…
Theo ông David Gyang, Thị trường Việt Nam tiềm năng nên nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư. Sự tăng trưởng trong triển lãm máy móc năm nay cao nhất trong 16 năm qua. Cũng theo ông David Gyang, thị trường Việt Nam khởi sắc hơn nhiều so với thị trường dệt may của Myanmar và Campuchia. Ông chia sẻ, trước đây, nhà đầu tư Chanchao có đầu tư nhà máy bằng nửa số vốn đầu tư tại Việt Nam nhưng sau này lương trả bằng Việt Nam nhưng năng suất lao động không bằng một nửa Việt Nam. Vì thế, ngành dệt may Việt Nam hiện vẫn được nhà đầu tư tìm đến. Theo ông David Gyang, Việt Nam dần thay thế ngành công nghiệp Trung Quốc.
Cũng liên quan đến chính sách, nếu đầu tư tại Myanmar, thuế đất trong 2 năm thì nhà đầu tư phải trả hết chi phí 2 năm này nhưng tại Việt Nam có thể trả theo tháng, điều này tạo ít rủi ro cho doanh nghiệp đầu tư hơn. Trong khi đó, chi phí thuê nhà tại Myanmar cao gấp 2-3 lần tại Việt Nam.
Tiền điện Campuchia thì cao hơn Việt Nam trong khi sản xuất tại Myanmar thì thường xuyên gặp phải cảnh mất điện. Còn tại Bangladesh thì tai nạn lao động nhiều, chỉ cần có cháy, dù lớn hay nhỏ là có vài người chết vì không có nhiều biện pháp phòng cháy an toàn. Thậm chí nước này còn nạn kẹt xe thường xuyên và còn lâu hơn cả Việt Nam. Ông David Gyang, chia sẻ có khi chỉ di chuyển 3 km nhưng phải mất tới 3 tiếng đồng hồ.
Chắc chắn nước Mỹ sẽ không rút các dự án dệt may về nước vì để sản xuất một chiếc áo tại Mỹ, chi phí cao gấp 10 lần giá sản xuất tại châu Á, vì thế dệt may Việt Nam vẫn còn cơ hội và đầu tư máy móc và xây dựng nhà máy vẫn tiếp tục.
Thanh Hương