Máy móc dệt may hút hàng
Trong ngành dệt may, ngoài nguyên phụ liệu phải phụ thuộc vào nước ngoài, cả máy móc thiết bị sản xuất cũng phải nhập khẩu hoàn toàn. Trong thời điểm các doanh nghiệp gia tăng đầu tư vào ngành này, thị trường máy móc công nghệ cũng trở nên ngày càng sôi động.
Trước đây, Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại May Sài gòn (GMC) dùng công nghệ cắt và trải vải bằng tay nên phải cần 50 công nhân. Nhưng từ khi doanh nghiệp này quyết định mua máy cắt mới từ Công ty Cổ phần Công nghệ Nhất Tín, lượng công nhân giảm xuống chỉ còn 8 người, giúp tiết kiệm nhiều nhân lực lao động và chi phí sản xuất. Không chỉ có GMC, nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may cũng đang đầu tư nhiều máy móc mới. “Chính vì thế, doanh thu từ riêng việc bán máy trải vải của Nhất Tín đã tăng 300% so với cùng kỳ năm ngoái”, ông Nguyễn Tấn Thành, Chủ tịch Công ty Nhất Tín, chia sẻ.
Máy móc thiết bị trong ngành dệt may thường chia thành nhiều loại. Máy móc xuất xứ châu Âu có giá cao nhất, tiếp đến là Hàn Quốc, Nhật, Đài Loan. Còn thấp nhất là máy móc xuất xứ từ Trung Quốc. Ngoài những doanh nghiệp trong các tập đoàn dệt may hay doanh nghiệp lớn, thì phần lớn các doanh nghiệp dệt may vừa và nhỏ đều mua máy móc từ Trung Quốc để sử dụng. Ông Nguyễn Việt Thắng, Giám đốc Công ty Công nghệ Việt Tín, cho biết hiện máy móc ngành dệt may từ Trung Quốc chiếm đến 50% thị trường. Đối tác cung cấp hàng từ Trung Quốc còn sẵn sàng làm theo đơn đặt hàng ở mọi mức giá cho doanh nghiệp Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hiện công suất toàn ngành đang thiếu 6,5 tỉ mét vải mỗi năm. Và để đầu tư sản xuất ra lượng vải này, các doanh nghiệp phải đầu tư thêm khoảng 6,5 tỉ USD. Trong đó, máy móc thiết bị chiếm 60%, tức là ngành dệt may sẽ cần khoảng 3,9 tỉ USD đầu tư cho máy móc.
Cuộc đua mua sắm không chỉ dành riêng cho doanh nghiệp Việt Nam. Số lượng dự án đầu tư vào ngành dệt may của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI) cũng tăng nhanh, khiến nhu cầu nhập khẩu máy móc sản xuất tăng cao. Vì thế, nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng đang tìm cơ hội cung cấp máy móc dệt may vào thị trường Việt Nam.
Tập đoàn Tsudakoma chuyên sản xuất máy móc, thiết bị ngành dệt của Nhật là một ví dụ. Công ty này vừa xúc tiến gặp gỡ các doanh nghiệp trong ngành dệt may Việt Nam với kỳ vọng gia tăng doanh số trong thời gian tới. Hiện thị trường lớn nhất của Tsudakoma là Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và một số nước châu Á. Riêng tại Việt Nam, Tsudakoma từng cung cấp máy dệt cho Dệt kim Đông Xuân, Dệt may Hà Nội, Dệt Thắng Lợi... Công ty này đặc biệt quen thuộc với các doanh nghiệp dệt may khu vực phía Nam.
Dù vậy, theo ông Nguyễn Khánh Sơn, Giám đốc Ðiều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam, các loại máy móc, thiết bị của Tsudakoma đang được các doanh nghiệp phía Bắc tìm kiếm lắp đặt cho các dự án mới nhờ lợi thế tiết kiệm năng lượng, độ ồn thấp.
Một tín hiệu vui là sau thời gian các doanh nghiệp dệt may FDI thường mang máy móc từ công ty mẹ hoặc mua từ nước ngoài chuyển về, thời gian gần đây, một vài đơn vị trong số đó đã tìm mua máy móc Việt Nam. Nhưng theo ông Thắng, Việt Tín, chưa có nhà chế tạo máy nào tại Việt Nam đáp ứng được nhu cầu này.
“Doanh nghiệp FDI nhập khẩu trực tiếp máy móc từ nước ngoài nên nếu có hư hỏng, họ phải chờ rất lâu để chuyên viên kỹ thuật từ nước ngoài sang sửa chữa. Còn mua máy móc từ các doanh nghiệp Việt Nam thì sẽ được sửa chữa, bảo hành nhanh gọn hơn”, ông Thắng giải thích.
Thanh Hương