Ảnh: TL
"Mặt trận" E-Learning thời COVID
Để phòng chống dịch COVID-19, đến nay, 100% sinh viên Đại học FPT đều học tập bình thường tất cả các môn học theo thời khóa biểu đã công bố từ đầu học kỳ. Chỉ khác là thay vì đến trường thì tất cả phải học từ xa. Các công cụ đang sử dụng cho sinh viên, giảng viên giảng dạy và học tập từ xa gồm video meeting (meet.google.com), Cổng thông tin đào tạo (FAP), Hệ thống quản lý khóa học (CMS), Phần mềm thi trực tuyến (EOS) và email… “Sau thời gian triển khai dạy học từ xa do ảnh hưởng của dịch bệnh, đến nay việc học vẫn diễn ra bình thường, sinh viên thích nghi tương đối nhanh”, đại diện Đại học FPT cho biết.
Màn hình thay bảng đen
Dịch COVID-19 bùng phát ở Việt Nam khiến cho hàng triệu học sinh chưa thể trở lại trường học kể từ Tết Nguyên đán. Chưa biết đến bao giờ dịch được khống chế, nhiều trường đã tìm các giải pháp giáo dục trực tuyến (E-Learning) để duy trì hoạt động và kết nối với học sinh. “Học trực tuyến có thể xem là lời giải cho câu hỏi hóc búa trong vấn đề giáo dục thời COVID-19”, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Khánh, chuyên gia công nghệ giáo dục, Đại học Oulu Phần Lan, cho biết.
Theo xu hướng này, các nền tảng đào tạo trực tuyến có số lượng người sử dụng như ViettelStudy đã tăng vọt. Thống kê từ nền tảng này cho thấy trong thời gian từ ngày 5.2 đến hết ngày 24.3 đã có 2,57 triệu tài khoản ViettelStudy được tạo mới. Trong đó, có gần 323.500 tài khoản do người dùng tự truy cập hệ thống và đăng ký tài khoản. Hơn 40.410 khóa học đã được tạo mới trên hệ thống trong thời gian này. 25.769 trường đã triển khai và phối hợp tạo/cấp tài khoản cho học sinh. Lượng truy cập sử dụng hệ thống đạt 3,4 triệu lượt và pageview đạt 64,6 triệu.
Ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, cho biết: “Chúng tôi đang và thậm chí khi dịch kết thúc vẫn miễn phí quyền sử dụng ViettelStudy và miễn phí cước data 3G, 4G cho học sinh, giáo viên. ViettelStudy cũng đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để hỗ trợ hệ thống học trực tuyến cho các trường đại học”.
Cùng với nhu cầu học từ xa tăng đột biến do dịch COVID-19, sự tiện lợi của hạ tầng học trực tuyến với mạng xã hội học tập, các mô hình E-Learning có cơ hội bùng nổ. Hạ tầng, công nghệ sẵn có có thể là lợi thế cho cuộc thử nghiệm này. Nhưng liệu chúng có đủ khả năng đón nhận lượng người dạy và học tăng đột biến? Và mức độ đón nhận, thích nghi mô hình học mới này của người học, người dạy và cả phụ huynh đến đâu?
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, cho rằng dạy và học trực tuyến không thể nào chất lượng như dạy và học trên lớp được. Nhất là lứa tuổi học tiểu học cần nhiều sự hỗ trợ của thầy cô, cha mẹ thì việc học trực tuyến lại càng khó khăn hơn. Mặc dù vậy, vẫn có nhiều ý kiến ủng hộ các mô hình E-Learning.
Cuộc thử nghiệm lớn của E-Learning
“Dịch COVID-19 vô tình đã tạo ra một môi trường thử nghiệm: cả thế giới dừng guồng hoạt động thường ngày và chuyển phần lớn các hoạt động lên trực tuyến. Thông thường chuyện thay đổi hành vi là điều khó nhất, nhưng khi các thay đổi đã vào guồng thì có thể sẽ trở thành thói quen mới và ở lại rất lâu. Trong giai đoạn này, các giải pháp dạy trực tuyến qua video, hoặc giáo dục sử dụng trí tuệ nhân tạo (A.I) tạo điều kiện cho giáo dục từ xa, giúp cho trường học có thể ngừng hoạt động lâu hơn để bảo vệ sức khỏe cho học sinh, thầy cô và cả cộng đồng, mà học sinh vẫn có thể học tập và phát triển kỹ năng tại nhà”, bà Văn Đinh Hồng Vũ, sáng lập ELSA, nhận định.
Mới đây, ứng dụng A.I luyện phát âm tiếng Anh ELSA với trên 7 triệu học viên miễn phí 3 tháng sử dụng cho tất cả mọi người học nói tiếng Anh trong mùa dịch. “Để có thể đảm bảo chất lượng của ứng dụng khi số lượng học viên tăng đột biến trong một thời gian ngắn, toàn bộ đội ngũ của ELSA sẽ phải hoạt động gần như 24/7 để duy trì hệ thống, cũng như chăm sóc và phản hồi cho học viên kịp thời”, bà Văn Đinh Hồng Vũ chia sẻ.
ELSA là một ví dụ tiêu biểu cho thấy Việt Nam có thể bắt kịp nhanh xu hướng E-Learning trên thế giới. Thời điểm năm 2010, khi E-Learning bắt đầu trở thành một xu thế toàn cầu, thì tại Việt Nam cũng xuất hiện nhiều nền tảng học trực tuyến như Violet.vn, Hocmai.vn, Topica, Onluyen.vn, Speakup.vn, Mathplay… Việt Nam luôn được đánh giá là một thị trường tiềm năng để phát triển E-Learning, bởi có hơn 60% dân số sử dụng internet, người dùng chủ yếu là giới trẻ với nhu cầu học tập cao, chi tiêu cho giáo dục chiếm 5,8% GDP và 20% tổng chi ngân sách (theo Bộ Giáo dục và Đào tạo). Đào tạo trực tuyến trở thành 1 trong 7 nhóm xu thế góp phần thúc đẩy nền kinh tế số Việt Nam.
Với tiềm năng này, nhiều thương vụ lớn đã diễn ra trong lĩnh vực E-Learning tại Việt Nam. Gần đây, quỹ Kaizen Private Equity công bố rót 10 triệu USD vào Yola, một startup cung cấp dịch vụ giảng dạy tiếng Anh trực tuyến tại Việt Nam. Hay Everest Education gọi vốn thành công 4 triệu USD (vòng Series B) từ Quỹ đầu tư tư nhân Hendale Capital...
Sự góp mặt của các công ty trong nước và nhà đầu tư nước ngoài đã khiến cho thị trường E-Learning phát triển và đưa Việt Nam đứng trong Top 10 các nước châu Á phát triển nhanh lĩnh vực này (theo thống kê của University World News năm 2017). Cùng với GotIt!, ELSA Speak, ứng dụng luyện phát âm tiếng Anh của Việt Nam, đã vượt qua 1.000 đối thủ trên toàn thế giới, đạt giải Nhất cuộc thi dành cho các startup về giáo dục - SXSW Edu Launch. ELSA Speak đã gọi được hơn 15 triệu USD qua một số vòng gọi vốn và hiện có hơn 4 triệu lượt người dùng từ 101 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, từng nằm vào Top 5 các ứng dụng A.I hàng đầu, cùng với các ứng dụng Cortana của Microsoft và Google Allo của Google…
Đại diện của Đại học Trực tuyến FPT (FUNiX) cho rằng, hiện nay, hơn 40% dân số thế giới kết nối internet cá nhân, người dùng chủ yếu là giới trẻ với nhu cầu học tập cao. Vì vậy, đào tạo trực tuyến là một thị trường giàu tiềm năng. Với tốc độ tăng trưởng doanh thu hơn 40% mỗi năm, ước tính quy mô thị trường này không dưới 2 tỉ USD.
Theo con số được Ambient Insight đưa ra gần đây, với tốc độ tăng trưởng 44,3%, lĩnh vực E-Learning của Việt Nam còn vượt qua cả Malaysia (39,4%). Với đà này, Việt Nam sẽ tiếp tục tạo ra sức hút đầu tư lớn vào lĩnh vực E-Learning. Đáng chú ý, theo chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, công nghệ thông tin sẽ được đưa vào tất cả cấp học trong chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm 2020. Đây là cơ hội lớn cho cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục đầu tư phát triển mô hình đào tạo E-Learning hơn nữa.
“Tôi tin là sau thời gian này, phụ huynh và nhà trường sẽ quan tâm dành nhiều thời gian và công sức để đầu tư vào các giải pháp công nghệ. Gia đình và các nhà phát triển giáo dục đã có sự cởi mở và sẵn lòng thử nghiệm các giải pháp trực tuyến trong giai đoạn này. Trong thời gian tới, ngày càng có nhiều giải pháp công nghệ tiên tiến hơn đồng hành cùng giáo dục truyền thống”, bà Văn Đinh Hồng Vũ nhận định.