Mất oan tiền thật mua nước mắm đạm ảo
Người tiêu dùng phải bỏ tiền thật để mua “đạm ảo” trong nước mắm. Nhận định này được ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), đưa ra tại cuộc họp công bố kết quả khảo sát về nước mắm trên toàn quốc, tổ chức chiều 17-10 tại Hà Nội.
67% mẫu vượt ngưỡng thạch tín
Theo ông Tuấn, trước đây nước mắm được sản xuất tại Việt Nam theo công nghệ truyền thống nhưng hiện nay xuất hiện thêm một khái niệm nữa là “nước mắm công nghiệp”. Đáng lo ngại là người tiêu dùng không có nhiều thông tin để lựa chọn khi mua nước mắm, ngoại trừ những thông tin mà nhà sản xuất ghi trên nhãn sản phẩm. Ví dụ hàm lượng đạm là bao nhiêu, gồm những thành phần nào, có an toàn với sức khỏe hay không.
Chính vì vậy Vinastas đã tiến hành khảo sát chất lượng nước mắm đóng chai bán trên thị trường. Cụ thể, hội đã lấy tổng số 150 mẫu nước mắm của 88 thương hiệu trong nước (trong đó có một mẫu của Thái Lan) để tiến hành khảo sát. Các mẫu này được sản xuất từ các cơ sở có địa chỉ tại 19 tỉnh, thành phố như Hà Nội, Thái Bình, Hải Phòng, Nghệ An, Kiên Giang, Bình Thuận, Vĩnh Long…
Kết quả khảo sát cho thấy 125/150 mẫu khảo sát đều có ít nhất một tiêu chuẩn trong năm chỉ tiêu của nhóm hóa học được khảo sát không đạt so với tiêu chuẩn hoặc so với công bố trên nhãn hàng hóa.
Cụ thể, theo quy định, độ đạm tối thiểu trong nước mắm được quy định là 10 g/lít. Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy có đến 95,65% số mẫu không đạt độ đạm như đã ghi trên nhãn. Thậm chí mẫu có độ đạm từ 40 độ trở lên được đánh giá có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định.
Có khoảng 67% mẫu nước mắm không đạt chỉ tiêu asen (thạch tín) tổng theo quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên, khi thử nghiệm 20 mẫu trong số các mẫu khảo sát có asen tổng vượt ngưỡng quy định thì đều không phát hiện asen vô cơ (với giới hạn phát hiện là 0,01 mg/l).
Tương tự, hàm lượng asen cho phép theo quy định có trong sản phẩm nước chấm tối đa là 1 mg/l. Nhưng kết quả thử nghiệm asen tổng cho thấy có 101/150 mẫu khảo sát (chiếm 67,3%) không đạt quy định. Trong đó hàm lượng asen tổng của mẫu không đạt dao động từ trên 1 mg/l đến 5 mg/l.
Nhập nhèm, thiếu minh bạch
Ông Tuấn khẳng định các mẫu sản phẩm khi lấy đều được chia thành hai đơn vị mẫu và gửi song song đến hai trung tâm kiểm nghiệm có uy tín trong cả nước là: Trung tâm Kiểm nghiệm chất lượng 3 và Trung tâm Vệ sinh dịch tễ TP.HCM để có kết quả khách quan và chính xác nhất.
“Từ kết quả được công bố cho thấy gần 100% các mẫu đều có độ đạm không như công bố. Chỉ tiêu, hàm lượng kim loại nặng, vi sinh không ghi rõ ràng trên nhãn, gây khó cho người tiêu dùng” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tuấn, chính kiểu nhập nhèm, thông tin không minh bạch như vậy nên lâu nay người tiêu dùng Việt Nam phải bỏ tiền thật để mua một thứ đạm ảo mà không hề hay biết.
Từ kết quả này Vinastas đã kiến nghị các cơ quan chức năng cần sớm có quy định cụ thể về bản chất các loại nước mắm; kiểm tra về chất lượng, quy trình sản xuất, nội dung ghi nhãn. Qua đó nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà sản xuất và góp phần bảo tồn đặc sản nước mắm của Việt Nam.
Vinastas cũng yêu cầu doanh nghiệp phải minh bạch thông tin về phương pháp chế biến, nguồn gốc, xuất xứ, thành phần, dung lượng và các thành phần khác theo quy định một cách chính xác và trung thực.
Quy chuẩn đã lạc hậu
Cũng tại buổi họp báo, ông Phạm Tiến Dũng, Thanh tra Bộ NN&PTNT, nhận định tình trạng nước mắm trá hình, nước mắm công nghiệp được thả nổi như thời gian vừa qua là hồi chuông cảnh tỉnh cho các nhà quản lý, các doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng.
“Người tiêu dùng đang đối mặt với thực trạng chất lượng nước mắm không như công bố. Đây là gian lận thương mại cần xử lý nghiêm để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” - ông Dũng đề nghị.
Còn theo ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch Vinastas, hiện cả nước có khoảng 2.800 cơ sở sản xuất nước mắm. Qua đợt khảo sát vừa qua cho thấy nhiều doanh nghiệp không tuân thủ việc ghi nhãn.
Ông Diện nhấn mạnh: “Do đó, các cơ quan quản lý cần xây dựng lại tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh thực phẩm về nước mắm để quản lý chặt chẽ và tốt hơn. 13 năm qua Việt Nam dựa theo tiêu chuẩn cũ để đánh giá và quản lý sản phẩm nước nắm là không phù hợp với tình hình thực tế”.
TS TRẦN THỊ DUNG, chuyên gia thủy sản: Thông tin về thạch tín là không đúng Tôi cho rằng những thông tin về asen trong kết quả khảo sát trên là không đúng vì tiêu chuẩn Việt Nam không có. Còn theo quy chuẩn về kim loại nặng thì tại sao không khảo sát tất cả kim loại nặng khác như chì, cadimi, thủy ngân… mà lại chỉ chọn asen? Hơn nữa, Bộ Y tế chỉ quy định asen vô cơ nhưng ở đây lại khảo sát asen tổng, rồi kết luận asen vô cơ không có. Chưa kể kết quả khảo sát còn kết luận các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao thì có hàm lượng asen tổng vượt ngưỡng quy định càng tăng. Kết quả khảo sát như vậy là không công bằng đối với ngành sản xuất nước mắm, nhất là nước mắm truyền thống vốn có độ đạm cao. Dĩ nhiên nước mắm có độ đạm càng cao thì asen tổng càng lớn. Nhưng quan trọng hơn là không thể lấy hàm lượng asen cho phép có trong sản phẩm nước chấm để áp dụng đối với nước mắm. Bởi vì sản phẩm nước chấm có độ đạm thấp, có sản phẩm 10 độ đạm nhưng có sản phẩm chỉ có 4 độ đạm. Việc áp tiêu chuẩn để so sánh như vậy sẽ giết chết ngành nước mắm truyền thống. TS ĐÀO TRỌNG HIẾU, Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối, Bộ NN&PTNT: Kết quả khảo sát còn bất cập Việc minh bạch thông tin về nước mắm để giúp người tiêu dùng không mất tiền oan cho những giá trị ảo là cần thiết. Nhưng kết quả khảo sát còn nhiều bất cập. Bởi nước mắm có độ đạm cao thì asen tổng chắc chắn sẽ cao, tuy nhiên không phát hiện asen vô cơ nghĩa là sản phẩm đó an toàn. Hơn nữa ở đây chưa có sự phân loại về nước mắm và nước chấm, hay nói cách khác khái niệm nước mắm và nước chấm cũng chưa rõ ràng. Chỉ tiêu quan trọng để xác định độ an toàn của nước mắm chính là hàm lượng chì thì cuộc khảo sát lại không tiến hành thực hiện. Chi 11.000 tỉ đồng mua nước mắm Người dân Việt Nam mỗi năm tiêu thụ hơn 200 triệu lít nước mắm với tổng doanh thu khoảng 7.200-7.500 tỉ đồng, theo Tổng cục Thống kê. Còn theo số liệu của Euromonitor, quy mô thị trường nước mắm năm 2015 lên đến 11.300 tỉ đồng. Trong đó nước mắm công nghiệp chiếm 76% và nước mắm truyền thống chỉ khoảng 24% thị phần. |
Nguồn PLO