Số liệu của Savills cho thấy tổng diện tích mặt bằng bán lẻ cho thuê hiện nay tại TP.HCM là khoảng 1,52 triệu m2 với tỉ lệ lấp đầy 94%. Ảnh: TL.
Mặt bằng bán lẻ chạm đỉnh
Theo Nikkei Asia, Takashimaya, chuỗi các trung tâm mua sắm cao cấp của Nhật, cho biết sẽ tham gia thị trường bán hàng cho doanh nghiệp tại TP.HCM vào năm tới. Trước đó, Takashimaya cũng đã công bố kế hoạch về một khu phức hợp mới tại Hà Nội, dự kiến khai trương sớm nhất vào năm 2026.
Khu phức hợp Hà Nội sẽ là địa điểm đầu tiên ở nước ngoài của Takashimaya kể từ khi cửa hàng Bangkok mở cửa vào năm 2018. “Số lượng các thương hiệu đã thâm nhập thị trường tại Việt Nam vẫn chưa nhiều”, Yuki Hojo, Giám đốc Takashimaya tại TP.HCM, cho biết.
Giá thuê mặt bằng chạm ngưỡng kỷ lục
Hoạt động mở rộng của Takashimaya tiếp tục đón đầu tiềm năng tăng trưởng của thị trường bán lẻ tại Việt Nam trong tương lai. Kế hoạch của thương hiệu Nhật cũng tiếp tục làm giá thuê mặt bằng tại các trung tâm thương mại tại Việt Nam tiếp tục tăng. Báo cáo mới đây của CBRE Việt Nam cho thấy bình quân giá thuê mặt bằng tầng trệt và tầng 1 tại các trung tâm thương mại cao cấp ở TP.HCM (chủ yếu quận 1) nửa đầu năm đã chạm ngưỡng kỷ lục 280 USD/m2/tháng (tương đương 7 triệu đồng). Con số này tăng hơn 18% so với năm 2023, nếu so với 5 năm trước, giá thuê đã tăng 60-70%. Đà tăng giá diễn ra ngay cả trong bối cảnh kinh tế còn gặp khó khăn, sức mua giảm khiến nhiều doanh nghiệp bán lẻ phải thu hẹp, thậm chí đóng cửa.
Giải thích vấn đề này, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Điều hành CBRE Việt Nam, nhận định thị trường bất động sản bán lẻ, đặc biệt tại các trung tâm thương mại TP.HCM đang hưởng lợi khi nguồn cung hạn chế. 6 tháng đầu năm, TP.HCM chỉ có 56.000 m2 sàn thương mại từ 2 dự án mới là Vincom Mega Mall Grand Park (quận 9) và Vincom 3/2 (quận 10) được đưa vào sử dụng.
Số liệu của Savills cho thấy tổng diện tích mặt bằng bán lẻ cho thuê hiện nay tại TP.HCM là khoảng 1,52 triệu m2 với tỉ lệ lấp đầy 94%. Bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, cũng cho biết, 3 năm nay, trung tâm TP.HCM không có dự án mới nào, các trung tâm thương mại đang hoạt động còn rất ít diện tích trống chào thuê. CBRE dự báo từ nay đến năm 2026, giá thuê vẫn duy trì xu hướng đi lên 7-10% mỗi năm.
Xu hướng mở rộng ngoài trung tâm
Trong khi đó, nhiều thương hiệu xa xỉ quốc tế đã nhanh chóng gia nhập thị trường Việt Nam trong những tháng đầu năm nay, tiêu biểu như Fendi, Cartier, Loewe… “Điều này khiến nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại các khu vực trung tâm hiện hữu càng khan hiếm, dẫn đến tình trạng cạnh tranh cao giữa các thương hiệu”, báo cáo của Savills nhấn mạnh.
Với hơn 17 triệu dân thuộc tầng lớp trung lưu, đặc biệt là lớp người trẻ cận giàu với thu nhập từ 22,5-60 triệu đồng/tháng rất chú trọng việc hưởng thụ, Việt Nam thu hút sự quan tâm của nhiều nhãn hàng bán lẻ xa xỉ. Chẳng hạn, theo Vietdata, 12 doanh nghiệp đang phân phối và trực tiếp kinh doanh khoảng 34 thương hiệu hàng xa xỉ như Louis Vuitton, Chanel, Dior, Hermès, Rolex, Calvin Klein... Trong số này, Louis Vuitton là đơn vị có doanh thu cao nhất, đạt hơn 2.360 tỉ đồng; dẫn đầu về lợi nhuận là Dior với hơn 558 tỉ đồng.
Theo Statista, lĩnh vực hàng xa xỉ tại Việt Nam được dự báo đạt doanh thu 992,20 triệu USD vào năm 2024. Đơn vị này đánh giá thị trường Việt Nam có tốc độ tăng trưởng hằng năm ổn định ở phân khúc xa xỉ phẩm, dự kiến 3,10% (CAGR 2024-2028). Ông Neil MacGregor, Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam, nhận định: “Mặc dù trong năm 2024, mức chi tiêu nội địa có phần chậm lại nhưng nhìn chung thị trường bất động sản bán lẻ cho thuê vẫn hoạt động tốt do nguồn cung mặt bằng hạn chế. Đây cũng là một thách thức cho các nhà bán lẻ đang có nhu cầu mở rộng quy mô vào thời điểm này, đẩy mức giá thuê tại các khu vực trung tâm lên cao trong thời gian tới”.
Bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý cấp cao Dịch vụ cho thuê bán lẻ Savills TP.HCM, cho biết trong thời gian tới, thách thức chính đối với các nhà bán lẻ là cân bằng chi phí thuê cao tại các khu trung tâm trong bối cảnh lựa chọn hạn chế. Khi quá trình phát triển vươn ra ngoài trung tâm đang được đẩy mạnh, các vùng lân cận sẽ mở ra nhiều cơ hội dễ tiếp cận và chi phí hợp lý hơn cho các nhà bán lẻ đang có kế hoạch mở rộng. Để thành công trong thời gian tới, các nhà đầu tư và nhà bán lẻ nên khám phá những khu vực ngoài trung tâm và các dự án bản lẻ mới để tận dụng cơ hội tăng trưởng tại Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm