Masan Resources: Có đủ hấp dẫn nhà đầu tư?
Cuối năm nay, sàn giao dịch chứng khoán nhiều khả năng sẽ đón thêm một tài sản mới có giá trị tiềm năng lên đến hàng tỉ USD. Ðó là Công ty Khoáng sản Masan (Masan Resources), đơn vị sở hữu mỏ vonfram lớn nhất thế giới bên ngoài Trung Quốc. Liệu tiềm năng của doanh nghiệp này có hấp dẫn, trong bối cảnh giá cả hàng hóa thế giới đang trầm lắng?
Doanh thu tỉ USD
Mỏ vonfram nói trên là dự án Núi Pháo tại tỉnh Thái Nguyên, bắt đầu triển khai từ năm 2004 bởi liên doanh giữa Tiberon Minerals (Canada) và hai doanh nghiệp trong nước gồm Công ty Xuất nhập khẩu Thái Nguyên và Công ty Xuất nhập khẩu Đầu tư Thái Nguyên. Đến năm 2006, phần vốn trong dự án của Tiberon đã được quỹ đầu tư Dragon Capital mua lại với giá trị được hãng tin Bloomberg loan báo khoảng 225 triệu USD.
Ðến năm 2010, quỹ Dragon Capital đang nắm giữ 75% vốn dự án đã chuyển giao phần tài sản này cho Tập đoàn Masan. Khoản lợi nhuận mà Dragon Capital thu về là khoảng vài chục triệu USD.
Sau khi tiếp nhận dự án, Masan đã huy động được tổng cộng gần 400 triệu USD từ các nhà đầu tư bên ngoài, ngân hàng trong nước và nước ngoài. Tổng số tiền đầu tư mà Masan đổ vào Núi Pháo hiện là 650 triệu USD.
Vốn điều lệ của Masan Resources rất lớn, lên tới 7.194 tỉ đồng. Các cổ đông lớn trong doanh nghiệp này là Tập đoàn Masan với 74% cổ phần, quỹ Mount Kellett nắm 20%, quỹ BankInvest sở hữu 3%. Chính sách niêm yết trên sàn chứng khoán vào cuối năm nay sẽ tạo điều kiện cho các quỹ thoái vốn sau chu kỳ 4-5 năm đầu tư.
Tiềm năng của Núi Pháo được dự báo khá khả quan. Việc bắt đầu đi vào giai đoạn sản xuất từ tháng 3 năm ngoái đã biến Núi Pháo thành mỏ vonfram đầu tiên tham gia vào thị trường thế giới trong 15 năm qua, có quy mô lớn nhất bên ngoài Trung Quốc. Mỏ này chiếm khoảng 33% sản lượng vonfram toàn cầu, không tính nguồn cung từ Trung Quốc.
Vonfram là kim loại đặc biệt, có độ nóng chảy cao nhất trong dãy các nguyên tố kim loại với độ sôi bằng với nhiệt độ bề mặt của mặt trời. Do đặc tính quá cứng, chịu được nhiệt độ lớn, vonfram được ứng dụng nhiều trong các sản phẩm cơ khí cần độ chính xác cao như đầu khoan, dụng cụ cắt hay bóng đèn, xe hơi, vi mạch điện tử cũng như các thiết bị quân sự tinh xảo.
Bên cạnh vonfram, Núi Pháo được cho là cũng có trữ lượng lớn về florit và bismut, những chất được sử dụng nhiều trong máy điều hòa và các thiết bị điện tử.
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp khoáng sản khác lao đao vì quyết định cấm xuất khẩu các loại khoáng sản hay phải chịu thuế xuất khẩu cao, thì Núi Pháo lại tự tin có thể sống tốt. Vào tháng 4.2015, Công ty đã được Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận là Doanh nghiệp Công nghiệp Cao, trở thành công ty khai khoáng đầu tiên nhận được tấm giấy thông hành về chế biến sâu.
“Nhờ đó, thuế xuất nhẩu của Núi Pháo sẽ giảm đi đáng kể so với các doanh nghiệp khác”, ông Vũ Hồng, Phó Tổng Giám đốc Masan Resources, nói trong sự kiện Công ty vừa tổ chức tại TP.HCM mới đây.
Núi Pháo cũng nhận được những ưu đãi từ chính quyền khi hoạt động trên địa bàn có nhiều khó khăn. Mới đây, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã đề nghị Bộ Tài chính xem xét miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong thời gian xây dựng và trong 7 năm kể từ ngày dự án Núi Pháo được đưa vào hoạt động.
Các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng đặt tham vọng rất lớn vào Núi Pháo, bất chấp giá vonfram đang ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Doanh thu trong năm nay của Masan Resources dự kiến sẽ đạt hơn 4.000 tỉ đồng. Thu nhập trước lãi vay, thuế và khấu hao (EBITDA) khoảng 1.800 tỉ đồng. Theo lãnh đạo Công ty, những con số này sẽ tăng mạnh trong các năm kế tiếp khi sản xuất đi vào ổn định và Công ty có thêm các hợp đồng mới. Masan Resources cho biết 90% sản lượng đã được bảo đảm bằng các hợp đồng bán hàng dài hạn với các khách hàng hạng 1 trên toàn cầu.
Dự báo tài chính đầy lạc quan của Masan Resources |
Tính chung trong suốt vòng đời khoảng 20 năm, Núi Pháo dự kiến mang lại doanh thu khoảng 6 tỉ USD và EBITDA hơn 3 tỉ USD. Không dừng lại ở đó, Masan Resources dự kiến sẽ mở rộng thêm diện tích khai thác trong tương lai nhờ công tác giải phóng mặt bằng khu vực xung quanh cũng được thực hiện xong.
Để tăng tính hấp dẫn, một khi niêm yết trên thị trường, lãnh đạo Masan Resources dự kiến sẽ trả cổ tức khá cao với tỉ lệ khoảng 50% tính trên lợi nhuận sau thuế và được tính theo đồng USD. Nhìn chung, nếu xét một số mặt căn bản, có thể nói Masan Resources xứng đáng là cổ phiếu “nóng” trên thị trường dịp cuối năm nay.
Nguy cơ của vonfram
Dù một số chuyên gia phân tích cho rằng chu kỳ đi xuống của hàng hóa thế giới sẽ sớm kết thúc và giá vonfram sẽ quay đầu tăng trở lại, nhưng những yếu tố không chắc chắn trên thị trường vẫn hiện diện khá rõ.
Nhu cầu vonfram của thế giới sẽ gắn chặt vào diễn biến tăng trưởng toàn cầu. Dù kinh tế Mỹ đã phục hồi rõ rệt, nhưng khi mà khủng hoảng ở châu Âu vẫn đang diễn biến phức tạp và Trung Quốc đang càng mệt mỏi, bức tranh tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa có gì đảm bảo sẽ sáng sủa trong các năm tới.
Đặc biệt, với việc Trung Quốc kiểm soát khoảng 80% nguồn cung vonfram toàn cầu (tính ở thời điểm 2013), các động thái của quốc gia này sẽ tác động lớn đến thị trường vonfram. Chính sách hạn chế xuất khẩu vonfram của Chính phủ Trung Quốc trong các năm trước đã gây ra tình trạng khan hiếm phần nào và đẩy giá vonfram tăng mạnh. Tuy vậy, một khi nền kinh tế nước này tăng trưởng chậm, Chính phủ Trung Quốc có thể sẽ quyết định “xả hàng”. Ðiều này sẽ mang đến những áp lực giảm giá mới cho toàn thị trường, tương tự như bài học dầu thô mà thế giới đang phải vật lộn hiện nay.
Một rủi ro khác cho Masan Resources đến từ các sản phẩm thay thế. Dù được đánh giá là kim loại chiến lược nhưng vị thế của vonfram không phải là không chịu tác động bởi tiến bộ công nghệ. Điển hình là bóng đèn theo công nghệ đốt nóng đang bị thay thế bởi các bóng đèn LED hay đốt bằng chất fluorescent (CFLs). Những thay đổi này đã góp phần đẩy nhu cầu vonfram đi xuống.
Hiện nguồn cung vonfram trên toàn cầu vẫn dư thừa. Theo đánh giá của Công ty Tư vấn thị trường Roskill (Anh), với một số mỏ mới bao gồm cả Núi Pháo được đưa vào khai khác, áp lực giảm giá trên thị trường sẽ tiếp tục duy trì đến năm 2018 rồi mới trở lại trạng thái cân bằng. Giai đoạn 2013-2018, tốc độ tăng trưởng của nhu cầu vonfram được Roskill dự báo chỉ 2,6%/năm.
Theo Công ty chứng khoán Bản Việt, vì hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng, Masan Resources cũng phải đối mặt với các yếu tố rủi ro về thiên nhiên và môi trường.
Sơn Thanh